Saturday, June 15, 2024
No menu items!
spot_img
HomeBình LuậnDựa trên chính sách của cựu TT Trump, TT Biden tiếp tục...

Dựa trên chính sách của cựu TT Trump, TT Biden tiếp tục cứng rắn hơn với Trung Quốc

Terri Wu – Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Các chuyên gia cho rằng thuế quan là một công cụ hiệu quả, nhưng Hoa Kỳ cũng cần một ‘chiến lược địa chính trị tổng quan, mạch lạc’ để đối phó với Bắc Kinh.

Hôm 14/05, chính phủ Tổng thống Biden đã công bố ý định tăng đáng kể thuế quan đối với xe điện (EV), vi mạch bán dẫn, các sản phẩm thép và nhôm, pin lithium-ion, pin quang năng, và vật tư y tế của Trung Quốc.

Theo các quan chức Tòa Bạch Ốc, việc tăng thuế quan áp dụng đối với khoảng 18 tỷ USD hàng nhập cảng hàng năm từ Trung Quốc và sẽ tăng mức thuế quan lên tới 25%—gấp ba lần mức hiện tại—theo lịch trình từ năm 2024 đến năm 2026.

Các quan chức cũng cho biết tất cả các mức thuế quan hiện hành được áp dụng dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump—đối với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc hàng năm—sẽ vẫn được giữ nguyên, nếu không tăng lên.

Dựa trên chính sách của cựu TT Trump, TT Biden tiếp tục cứng rắn hơn với Trung Quốc

Theo Cục Điều tra Dân số, tổng nhập cảng từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ đạt khoảng 430 tỷ USD trong năm 2023.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào Trung Quốc khiến toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ “dễ bị” chính quyền Trung Quốc cưỡng ép. Bắc Kinh rất “sẵn sàng vũ khí hóa sự phụ thuộc này.”

Mức thuế quan mới không áp dụng đối với hàng nhập cảng của các thương hiệu Trung Quốc được vận chuyển từ quốc gia thứ ba, chẳng hạn như xe điện Trung Quốc sản xuất tại Mexico. Bà Tai nói với các phóng viên hôm 14/05 rằng hãy “tiếp tục dõi theo” vấn đề này, gợi ý rằng chính phủ có thể sẽ có những hành động tiếp theo.

Ông James Lewis, giám đốc chương trình công nghệ chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: “Toàn bộ ý tưởng rằng quý vị có thể có thương mại mở không giới hạn với Trung Quốc mà không chịu rủi ro đã biến mất.”

Ông nói, chính phủ Tổng thống Biden đã làm rất tốt khi nhận ra rằng “công nghệ và kinh tế cũng quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn sức mạnh quân sự truyền thống” và sự cần thiết của việc hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc trong các lĩnh vực này.

Ông Lewis nói với The Epoch Times: “Đó là hai vấn đề lớn nhất: Xây dựng lại quan hệ đối tác để trợ giúp một trật tự dựa trên luật lệ và hạn chế các mối liên kết về công nghệ với Trung Quốc.”

Bà Lael Brainard, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, nói với các phóng viên trong một cuộc gọi trước khi có thông báo này rằng việc tăng thuế quan là phù hợp với chính sách “quản lý cạnh tranh với Trung Quốc một cách có trách nhiệm” của Tổng thống Joe Biden.

Bà cho biết chính phủ đang làm việc với các quốc gia khác để “giải quyết những mối lo ngại chung của chúng tôi về các hành vi không công bằng của Trung Quốc.”

Bà Brainard cho biết: “Trung Quốc đang sử dụng cùng một chiến thuật mà họ đã sử dụng trước đây để thúc đẩy tăng trưởng của riêng họ trong khi gây thiệt hại cho quốc gia khác bằng cách tiếp tục đầu tư bất chấp công suất đã dư thừa của mình, đồng thời làm ngập thị trường toàn cầu với những mặt hàng xuất cảng được định giá thấp do các hành vi không công bằng.”

“Chỉ đơn giản là Trung Quốc quá lớn để chơi theo luật của riêng họ.”

Ông Stephen Ezell, phó chủ tịch chính sách đổi mới toàn cầu tại tổ chức tư vấn Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times rằng, việc tăng thuế quan “chắc chắn cho thấy chính phủ Tổng thống Biden sẵn sàng cứng rắn hơn với Trung Quốc … đặc biệt là trong các ngành công nghệ tân tiến vốn rất quan trọng đối với an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.”

Ông cho biết các chính sách thuế quan mới thể hiện “sự củng cố đáng kể lập trường của chính phủ Tổng thống Biden đối với Trung Quốc so với thời điểm họ bắt đầu nhậm chức.”

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, khi ông Biden còn là ứng cử viên, ông đã chỉ trích các mức thuế mà cựu Tổng thống Donald Trump áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc và thề sẽ dỡ bỏ thuế quan nếu ông nhậm chức. Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã giữ lại tất cả các mức thuế này.

Ông Christopher Balding, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Hiệp hội Henry Jackson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Anh, cho biết các mức thuế mới là “rất dễ hiểu” vì thuế quan là một công cụ trong hộp công cụ hạn chế khi giải quyết các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc.

Cả ông Ezell và ông Balding đều xem việc tăng thuế quan là một bước đi đúng hướng, nhưng thuế quan chỉ là một phần của một chiến lược lớn hơn.

Ông Ezell cho biết ông muốn thấy một “chiến lược địa chính trị tổng quan, mạch lạc” về cách Hoa Kỳ và các đồng minh ứng phó với mối đe dọa Trung Quốc.

“Tôi nghĩ chính phủ này vẫn còn thiếu một chiến lược tổng quan kết hợp giữa chính sách kinh tế, an ninh quốc gia, và thương mại. Tôi muốn thấy họ làm điều đó.”

Chặn đường Trung Quốc

Ngoài tình trạng thiếu nguồn cung cấp y tế, đại dịch COVID-19 còn cho thấy sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Trung Quốc về vi mạch bán dẫn—nguồn cung cấp năng lực cho mọi thứ từ điện thoại thông minh đến chiến đấu cơ. Những đợt phong tỏa của chính phủ trong thời đại dịch đã dẫn đến sự chậm trễ trong vận chuyển và tắc nghẽn cảng, khiến nguồn cung giảm. Hoạt động sản xuất xe hơi nội địa của Hoa Kỳ cũng đã chậm lại do thiếu vi mạch.

Hồi tháng 08/2022, lưỡng đảng trong Quốc hội đã thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học được Tổng thống Biden hậu thuẫn, hứa hẹn phân bổ gần 53 tỷ USD cho các nhà sản xuất chất bán dẫn trong nước. Kể từ đó, văn phòng chương trình CHIPs đã công bố khoảng 30 tỷ USD tài trợ và 25 tỷ USD vốn vay cho các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn.

Tăng cường năng lực sản xuất vi mạch bán dẫn nội địa là một bước quan trọng trong nỗ lực của chính phủ Tổng thống Biden nhằm “vượt qua” Trung Quốc.

Đồng thời, Tòa Bạch Ốc đã tăng cường nỗ lực an ninh quốc gia nhằm ngăn chặn dòng công nghệ nhạy cảm rơi vào tay Trung Quốc.

Hồi tháng 10/2022, chính phủ đã ban hành các biện pháp kiểm soát xuất cảng mới nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận các loại vi mạch bán dẫn tân tiến được sản xuất bằng công nghệ của Hoa Kỳ, bất kể các vi mạch đó có được sản xuất tại Hoa Kỳ hay không. Mục đích là để ngăn chặn quân đội Trung Quốc tiếp cận công nghệ quan trọng là hạch tâm của các hệ thống vũ khí tân tiến.

Một năm sau, chính phủ đã thắt chặt đáng kể các biện pháp kiểm soát xuất cảng bằng cách hạ thấp ngưỡng hiệu suất để bao gồm nhiều loại vi mạch hơn và mở rộng danh sách thiết bị bán dẫn cần kiểm soát để phù hợp với thỏa thuận ba bên mà Hoa Kỳ đã ký kết với Nhật Bản và Hà Lan.

Đầu năm 2023, khi ông Ezell đọc được tin tức rằng viện nghiên cứu vũ khí hạt nhân hàng đầu Trung Quốc phải mua máy điện toán cá nhân thông qua bên thứ ba để sử dụng vi mạch bán dẫn của bên thứ ba này vì lệnh kiểm soát xuất cảng vi mạch bán dẫn của Hoa Kỳ, ông đã xem đó là “một chiến thắng.”

“Chúng ta đang làm chậm khả năng thiết kế vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Đó là một chiến thắng cho việc kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ.”

Đạo luật CHIPS cũng đã khuyến khích các khoản đầu tư tư nhân vào vi mạch bán dẫn ở Hoa Kỳ, điều mà Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) ước tính đã lên tới hơn 200 tỷ USD.

Một khoản đầu tư mang tính bước ngoặt là nhà máy sản xuất vi mạch trị giá 100 tỷ USD ở trung tâm New York của Micron Technology, Inc. Tháng trước, công ty này đã nhận được khoản tài trợ liên bang trị giá 6.1 tỷ USD cho dự án.

Tuy nhiên, theo ông William Lee, nhà kinh tế trưởng tại Viện Milken, một tổ chức tư vấn kinh tế có trụ sở tại California, những công ty được chính phủ lựa chọn có thể thắng hoặc không thể thắng trên thị trường.

Nhiều năm trợ cấp mạnh ở Trung Quốc khiến việc cạnh tranh với các công ty được nhà nước bảo trợ đó trở nên khó khăn.

 (Còn Tiếp)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments