Từ 22/ 6 đến nay, 10/ tháng 7 năm 2023, Trung Quốc tiếp tục tung tàu khảo sát và tàu hải cảnh xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông của hai nước Đông Nam Á là Malaysia và Việt Nam. Đợt xâm nhập này của Trung Quốc tiếp nối đợt xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và các nước Philippines, Malaysia và các đảo quốc Nam Thái Bình Dương trong tháng 2, tháng 3, tháng 5 và đầu tháng 6 năm 2023.
Ông Raymond Powell, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Biển Đông ở Đại học Stanford cho biết trên Twitter hôm 22/6 là tàu Haiyang Dizhi Ba Hao được hộ tống bởi hai tàu cảnh sát biển Trung Quốc CCG 5202 và 3 tàu dân quân khi xâm nhập và khảo sát EEZ của Malaysia. Theo ông Powell, Trung Quốc sử dụng các cuộc khảo sát như vậy để khẳng định yêu sách chủ quyền của mình, như họ đã làm vào tháng năm tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo ghi nhận của RFA từ dữ liệu AIS, hôm này 10/7, tàu Haiyang Dizhi Ba Hao rời vùng EEZ của Malaysia, đi ngang qua bãi Tư Chính của Việt Nam rồi tiến về phía căn cứ quân sự Trung Quốc ở đá Chữ Thập.
Trong khi đó, hôm 5 và 6 tháng 7, 2023, tàu hải cảnh Trung Quốc China Coast Guard (CCG) 5901 (có số hiệu khác là Zhong Guo Hai Jing 3901) bật tín hiệu AIS cho thấy đang hoạt động ở bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Trao đổi với RFA, ông Raymond Powell ở Đại học Stanford nhận xét:
“Bắc Kinh đang gửi một thông điệp rất rõ ràng tới Hà Nội. Trước mỗi cuộc tuần tra này, tàu hải cảnh Trung Quốc CCG 5901 chạy trong “bóng tối”, nghĩa là nó không truyền tín hiệu AIS, nhưng đặc biệt nó đã bật tín hiệu trong các cuộc tuần tra này khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thông điệp của Trung Quốc rất rõ ràng: tuyên bố quyền tài phán đối với khu vực này, dựa theo yêu sách đường chín đoạn của mình, và họ sẵn sàng thực thi yêu sách đó bằng vũ lực áp đảo.”
Theo dữ liệu RFA ghi nhận từ Marine Traffic, tàu CCG 5901 chỉ bật tín hiệu trong hai ngày đó rồi tắt. RFA đặt câu hỏi với ông Raymond Powell phía Trung Quốc nhắm đến mục đích gì khi bật tắt luân phiên tín hiệu AIS. Và liệu chúng ta có thể phán đoán được là trước khi và sau khi bật tín hiệu AIS thì CCG 5901 đã ở đâu hay không? Ông Powell phân tích:
“Các tay chơi sử dụng chiến lược vùng xám như Trung Quốc bật AIS khi họ muốn được nhìn thấy và tắt nó đi khi họ không muốn.
Hầu hết các hoạt động gần đây của tàu hải cảnh Trung Quốc CCG 5901 đều là “AIS-dark”, tức là tắt tín hiệu AIS để hoạt động trong “bóng tối”, cho thấy họ không muốn con tàu này bị theo dõi từ xa. Tuy nhiên, họ muốn Hà Nội chú ý rằng họ đã tiến hành ba cuộc tuần tra gần đây trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.
Câu hỏi về việc 5901 đã ở đâu cũng là một câu hỏi thú vị. Đơn giản là chúng tôi không biết vì không có bằng chứng. Nó đã tắt AIS vì nó không muốn những hoạt động đó được biết đến. Nó thậm chí có thể đã ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Đơn giản là chúng ta không biết, dù rất tò mò.”
Hoạt động của tàu hải cảnh CCG 5901 trong vùng EEZ của Việt Nam và tàu khảo sát Haiyang Dizhi Ba Hao trong EEZ của Malaysia diễn ra gần như đồng thời. Điều đáng chú ý là Việt Nam ít nhất có lên tiếng hôm 25/5/2023, yêu cầu Trung Quốc rút tàu khảo sát ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Malaysia chưa lên tiếng gì. Cho đến nay hôm 10/7, khi tàu Haiyang Dizhi Ba Hao rời khỏi EEZ của Malaysia và đang tiến về căn cứ quân sự đá Chữ Thập thì Malaysia vẫn im lặng.
Sự im lặng của Malaysia
Ông Raymond Powell chỉ ra là “Chính phủ Malaysia rất cố gắng giảm nhẹ các tranh chấp hàng hải với Trung Quốc. Họ chỉ nói về vấn đề này khi bị các phóng viên đặt câu hỏi trực tiếp.”
Ngoài ra, ông Powell cho biết theo một khảo sát của Pew Research Center, về mặt tình cảm của công chúng thì công chúng Malaysia và Singapore bày tỏ thiện cảm với Trung Quốc so với Hoa Kỳ là khá cao, hơn hẳn các nước khác, với tỉ lệ lần lượt là 60% (Malaysia) và 67% (Singapore).
Theo ông Powell, khác với Việt Nam, trước đây Malaysia thường tìm cách giảm nhẹ xung đột bất kể đường chín đoạn trên Biển Đông của Trung Quốc xâm hại EEZ của nước này.
Năm 2011, Thủ tướng Malaysia khi đó là Mahathir Mohamad từng trả lời tờ báo Asahi của Nhật rằng Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ ai ở Biển Đông. Ông Mahathir nói: “Chúng tôi không thích có người bên ngoài vào thúc giục các nước ASEAN đối đầu với Trung Quốc. Đó là điều mà Hoa Kỳ muốn chúng tôi làm. Chúng tôi cho rằng các nước ASEAN có thể tự giải quyết vấn đề này.”
Ngày 26/3/2013, Trung Quốc đã tiến hành tập trận trên Biển Đông, ngay cạnh bãi cạn James, trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, cách đường cơ sở của nước này chỉ khoảng 60 hải lý (và cách Trung Quốc hơn một ngàn hải lý). Nhưng Malaysia cũng được cho là họ không quan tâm đến hành vi này của Trung Quốc. Đến tháng 8 năm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia là Hishammuddin Hussein trả lời một cuộc phỏng vấn tại Brunei, bên lề các cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản rằng: “Bạn có kẻ thù thì không có nghĩa là kẻ thù của bạn là kẻ thù của tôi,” đồng thời nhấn mạnh, “người Trung Quốc có thể tuần tra hàng ngày. Nếu ý định của họ không phải là gây chiến” thì điều đó ít đáng lo ngại hơn. “Tôi nghĩ chúng ta có đủ mức độ tin tưởng để không bị lay chuyển bởi chính trị hay cảm xúc hàng ngày.”
Tuy nhiên, những năm gầy đây, Malaysia bắt đầu có một số động thái mạnh mẽ hơn, khi sự nhân nhượng trước đó không làm cho Trung Quốc bớt hung hăng. Tháng 6, 2015, Trung Quốc cho tàu xâm nhập vào vùng EEZ của Malaysia, thậm chí neo đậu tại bãi cạn Luconia do Malaysia kiểm soát, cách cách đường cơ sở của Malaysia chỉ hơn 60 hải lý. Lần này, Malaysia đã gửi công hàm phản đối. Cuối năm 2019, Malaysia bất ngờ gửi công hàm cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hiệp Quốc, tuyên bố về chủ quyền đối 200 hải lý thềm lục địa và EEZ trên Biển Đông. Sau khi Trung Quốc gửi công thư phản đối động thái này để duy trì yêu sách đường chín đoạn trên Biển Đông, hàng loạt quốc gia đã gửi công hàm phản đối yêu sách phi pháp của họ. Đến tháng 10 năm 2021, Trung Quốc cho tàu hoạt động ngoài khơi bờ biển Sabah và Sarawak của Malaysia. Lần này, Malaysia đã thực hiện động thái mạnh là triệu tập Đại sứ Trung Quốc để phản đối.
Tuy nhiên, đối với hoạt động khảo sát của tàu trong EEZ từ 22/6 đến nay, 10/7/2023, chưa có thông tin nào về việc Malaysia đưa ra động thái phản đối Trung Quốc. Ông Raymond Powell phân tích rằng lựa chọn của Malaysia có thể đem lại lợi ích của nước này trong ngắn hạn nhưng sẽ tạo ra hậu quả dài hạn do thuận theo chiến lược vùng xám của Trung Quốc. Chiến lược vùng xám là chiến lược không sử dụng chiến tranh để tấn công trực diện mà dùng các sức ép quân sự và phi quân sự để gây sức ép và chiếm đoạt từng bước cho đến khi đạt được chiến thắng cuối cùng:
“Chính phủ Malaysia tin rằng việc quản lý mối quan hệ của họ với Trung Quốc là thông minh, khi họ không công khai các tranh chấp với Trung Quốc. Cách tiếp cận này của Malaysia có một vấn đề là nó lại đóng một vai trò trong chiến lược vùng xám của Bắc Kinh. Chiến lược vùng xám của Trung Quốc vốn phụ thuộc vào sự đồng ý bước đầu của các nước láng giềng, để cuối cùng phục tùng quyền kiểm soát tối hậu của Trung Quốc đối với toàn bộ yêu sách đường chín đoạn của mình trên Biển Đông.”
“Xâm nhập” hay “tự do hàng hải”? RFA đặt câu hỏi cho một số chuyên gia về sự im lặng của Malaysia, trái ngược với động thái lên tiếng phản đối của Việt Nam hôm 25/5/2023, là liệu Malaysia im lặng có phải vì Trung Quốc cũng có quyền “tự do hàng hải” theo Luật biển Quốc tế (UNCLOS) khi cho tàu khảo sát và tàu hải cảnh chạy liên tục trong EEZ của Malaysia hay Việt Nam. Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang tại Quỹ Max Planck vì Hòa bình Quốc tế và Pháp quyền, CHLB Đức, và nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Canberra, Úc, đều nhận xét rằng Trung Quốc đã áp dụng chiến lược vùng xám khi cho tàu xâm nhập vào vùng EEZ của Việt Nam và Malaysia vừa qua.
Một mặt, nếu chỉ nhìn từ các quy định về tự do hàng hải của UNCLOS thì trừ khi đi vào bên trong nội thủy, tức phía trong đường cơ sở, tàu Trung Quốc cũng như tàu bất kì nước nào khác, có quyền qua không gây hại trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác.Chiếu theo Điều 19 của UNCLOS, nếu đi vào trong lãnh hải mà không tiến hành đe dọa hoặc dùng vũ lực, thực hiện các hoạt động quân sự và vi phạm những điều khác được quy định, thì tàu của Trung Quốc vẫn hợp pháp.
Còn ở trong vùng đặc quyền kinh tế, theo Điều 58 của UNCLOS, có thể nói tàu Trung Quốc cũng được hưởng hưởng quyền tự do hàng hải. Nếu họ tiến hành “nghiên cứu khoa học” trong EEZ của Việt Nam thì cần phải xin phép nhưng họ không tuyên bố mình đang làm nghiên cứu, và rất khó để xác định họ có “nghiên cứu” hay không.
Mặt khác, rõ ràng Trung Quốc đang truyền đi thông điệp là họ thực thi quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Như họ đã phản hồi động thái phê phán và yêu cầu rút tàu khảo sát Xiang Yang Hong 10 khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hồi tháng 5, 2023, Trung Quốc khẳng định họ đang thực hiện các họat động chấp pháp bình thường.
Tất nhiên, theo UNCLOS thì các hoạt động của Trung Quốc nếu được định danh là “chấp pháp” thì cần được phép của Việt Nam khi hoạt động trong EEZ của nước này.
Trao đổi với RFA, ông Raymond Powell ở Đại học Stanford cũng giải thích những khó khăn khi đối phó với tính chất hai mặt của chiến thuật vùng xám của Trung Quốc.
“Chúng ta có thể nói rằng việc Trung Quốc cho tàu chạy trong vùng EEZ của nước khác là không phạm pháp. Nhưng khi nói như vậy, chúng ta làm cho hoạt động này của Trung Quốc thậm chí còn giống một loại chiến thuật hoạt động vùng xám cổ điển hơn. Trung Quốc đang làm điều gì đó vừa không bị định danh là vi phạm pháp luật quốc tế, nhưng vẫn gửi được một thông điệp rõ ràng về quyền tài phán của họ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.” (RFA).