Công ty địa ốc Saville ở Anh vừa công bố họ đang rao bán một khu dinh thự cổ gồm cả đất và bãi biển tư nhân ở Moray, vùng Đông Bắc của Scotland với giá 25 triệu bảng.
Lâu đài Dunbeath nằm trên mảnh đất rộng 11,5 nghìn hectare đất, kèm quyền sở hữu sáu km bờ biển tại Vịnh Moray, cách Wick chừng 34 km.
Dinh thự này có 13 phòng ngủ, ngự trên mỏm đá, là điền sản của một gia tộc miền núi Scotland (Highland estate).
Xây dựng từ năm 1620, người chủ lâu đài cũng có quyền chủ đất với 20 ngôi nhà trên đất của mình.
Người chủ mới có quyền hưởng lợi tức từ bãi săn bắn chim thú, trang trại nuôi cừu và nghề câu cá.
Ngoài ra, tòa lâu đài còn là chỗ cho thuê làm đám cưới và tổ chức sự kiện.
Lâu đài ban đầu là tài sản của dòng họ bá tước Caithness, rồi trở thành trụ sở của gia tộc Sinclair.
Người cuối cùng mang họ Sinclair sống ở đó trong thế kỷ 20 là Phó đô đốc Sir Edwyn Alexander-Sinclair. Sau năm 1945, lâu đài được sang tay nhiều người khác nhau nhưng không còn thuộc dòng quý tộc Scotland.
Hiện công chúng có thể thuê phòng tại đây khi đi nghỉ tại Scotland, qua trang mạng booking.com.
Đầy lâu đài, dinh thự đem bán không ai mua?
Dunbeath Castle là địa chỉ mới nhất từng thuộc quý tộc Scotland nay được đem ra bán trên thị trường.
Trước đó, lâu đài Carbisdale gồm 20 phòng ngủ được bán hồi tháng 10/2022 với giá ban đầu chỉ có 1,2 triệu bảng.
Nằm gần Ardgay, Sutherland tòa lâu đài từng là dinh thự của nữ công tước Sutherland, bà Mary Caroline và là nơi đón vua Na Uy tạm cư trong Thế Chiến II.
Sau chiến tranh, chính quyền trưng dụng toà nhà để làm nhà trọ sinh viên.
Truyền thuyết nói lâu đài này có hồn ma của một phụ nữ khoác áo choàng trắng, gọi là ‘white Betty’.
Văn hóa Anh-Scotland rất ưa thích nói tới các ngôi nhà ma ám, và các bóng ma nữ áo xanh (green lady), áo trắng (white lady) lượn lờ trong các hành lang trống vắng.
Scotland hiện có trên 400 lâu đài, dinh thự quý tộc xưa mà không ai nhận vì các dòng họ đã tuyệt tự.
Trang Evening Standard ở Anh hồi 2021 trích thống kê của chính phủ nói các lâu đài người thừa kế ở riêng Scotland là 425.
Có lâu đài đã đổ nát, cần trùng tu, được rao bán với giá chỉ trên 300 nghìn bảng.
Luật Anh cho phép cháu chắt rất xa người chủ cuối cùng của lâu đài trong cây gia hệ được quyền nhận tài sản thừa kế nếu chứng minh được là họ có quan hệ ruột thịt nhất định.
Thế nhưng, người nhận thừa kế lâu đài phải đóng thuế khá cao và chi tiền duy trì các công trình cổ theo đúng thể thức, kiến trúc cũ.
Nhìn chung, chủ các điền sản đi kèm lâu đài phải đóng thuế đất và thuế thu nhập từ lợi tức như mọi công dân làm nghề nông khác.
Vì xã hội không còn chế độ tá điền như thời xưa, chủ đất (landlord) phải thuê người làm ruộng, làm vườn và trả tiền công nhật hoặc lương hàng năm như một công ty.
Cùng lúc, dân số già đi khiến nhiều vùng quê ở Anh và Scotland thiếu nguồn nhân lực nên việc duy trì các đồn điền, trang trại có năng suất cao, lợi tức đều không phải là dễ.
Đại đa số các chủ lâu đài thời nay, kể cả quý tộc thật lẫn chủ gốc bình dân, sống bằng việc cho thuê phòng và khai thác du lịch sinh thái.
Đây là lý do không phải ai cũng muốn làm ‘laird’ (lord) và ‘lady’ sở hữu lâu đài tại Scotland hay trên các vùng khác của Vương quốc Anh và Bắc Ireland (BBC)