Các nhà lãnh đạo gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Vilnius của Lithuania trong khi cuộc phản công của Ukraine chống Nga xâm lược đang diễn ra chậm hơn so với Kyiv mong đợi.
Các nhà lãnh đạo NATO đồng ý tương lai của Ukraine nằm trong liên minh nhưng không trao cho Kyiv lời mời hoặc thời gian biểu tham gia, một lập trường mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trước đó đã chỉ trích là “vô lý”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói NATO sẽ mời Ukraine tham gia liên minh quân sự khi ‘các thành viên đồng ý và các điều kiện được đáp ứng’
Ông Stoltenberg nói rằng các lần gia nhập NATO trước đây không đi kèm với mốc thời gian: ‘Chúng dựa trên điều kiện’
NATO bỏ yêu cầu Ukraine hoàn tất Kế hoạch Hành động Tư cách thành viên (MAP), thực sự loại bỏ rào cản trên con đường gia nhập liên minh của Kyiv.
Tuyên bố nói: ‘Chúng tôi tái khẳng định tình đoàn kết vững chắc của chúng tôi với chính phủ và nhân dân Ukraine trong sự bảo vệ anh dũng quốc gia, vùng đất của họ và các giá trị chung của chúng ta’
Bằng ngôn ngữ mạnh mẽ đối với Moscow, tuyên bố nói: ‘Liên bang Nga là mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của Đồng minh cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương’
Họ không nêu rõ các điều kiện mà Ukraine cần phải đáp ứng, nhưng họ cho biết liên minh sẽ giúp Kyiv đạt được tiến bộ về khả năng tương tác quân sự cũng như các cải cách dân chủ và an ninh bổ sung.
Ông Zelenskyy trước đó đã chỉ trích các nhà lãnh đạo NATO vì không đưa ra khung thời gian cho tư cách thành viên của Ukraine.
“Thật vô lý và chưa từng có khi khung thời gian không được ấn định, cho cả lời mời lẫn tư cách thành viên của Ukraine,” ông Zelenskyy nói trước khi đến với tư cách khách mời đặc biệt.
Chỉ trích của ông Zelenskyy được đưa ra vào lúc bắt đầu hội nghị thượng đỉnh sau khi người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cho biết khối này sẽ gửi cho Kyiv một “thông điệp tích cực” trên con đường trở thành thành viên.
Điều này nhấn mạnh sự chia rẽ giữa 31 thành viên của NATO về việc đưa ra ngày hoặc lời mời trực tiếp cho Ukraine tham gia. Kyiv đã và đang thúc đẩy việc gia nhập nhanh chóng, được ràng buộc cùng với các đảm bảo an ninh, ngay cả trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022.
Khi được hỏi về lời chỉ trích của ông Zelenskyy, ông Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo: “Chưa bao giờ có một thông điệp mạnh mẽ hơn từ NATO vào bất kỳ thời điểm nào, cả khi nói đến thông điệp chính trị về con đường phía trước để trở thành thành viên và sự hỗ trợ cụ thể từ các đồng minh NATO.”
Ông cho biết những lần gia nhập NATO trước đây không có mốc thời gian cụ thể. “Chúng dựa trên điều kiện, luôn luôn như vậy,” ông nói.
Phi đạn tầm xa
Ông Zelenskyy đã chiến thắng ở những nơi khác. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Paris sẽ bắt đầu cung cấp phi đạn hành trình tầm xa, sau thông báo tương tự của Anh.
Với tầm bắn 250 km, phi đạn này tăng gần gấp ba khả năng trước đây của Ukraine, cho phép các lực lượng Ukraine tấn công quân đội và nguồn cung cấp của Nga ở sâu phía sau chiến tuyến.
Một nguồn tin quân sự Pháp bác bỏ ý kiến cho rằng các phi đạn là một sự leo thang, nói rằng việc sử dụng chúng là tương xứng và Nga đang sử dụng phi đạn hành trình phóng từ khoảng cách hàng nghìn km.
Đức cũng công bố khoản viện trợ mới trị giá 700 triệu euro, bao gồm hai bệ phóng phi đạn phòng không Patriot, cùng nhiều xe tăng và xe chiến đấu.
Hội nghị thượng đỉnh cũng nổi lên với triển vọng Thụy Điển gia nhập NATO với tư cách là thành viên mới nhất của tổ chức này sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 10/7 đột ngột từ bỏ ý kiến phản đối động thái này, đồng thời thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu.
Phần Lan lần đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh với tư cách là thành viên sau khi gia nhập liên minh vào tháng Tư năm nay.
Dự thảo thỏa thuận
Dù các thành viên NATO đồng ý rằng Kyiv không thể gia nhập NATO trong lúc có chiến tranh, nhưng họ bất đồng về việc việc có thể diễn ra nhanh như thế nào sau đó và trong những điều kiện nào.
Các thành viên NATO ở Đông Âu đã ủng hộ lập trường của Kyiv, lập luận rằng đưa Ukraine dưới chiếc ô an ninh tập thể của NATO là cách tốt nhất để ngăn chặn Nga tấn công nữa.
Các nước như Mỹ và Đức đã thận trọng hơn, cảnh giác với bất kỳ động thái nào mà họ lo ngại có thể lôi kéo NATO vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nhấn mạnh rằng NATO cần đoàn kết chống lại những nỗ lực chia rẽ tổ chức này của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Tôi vẫn cho rằng Tổng thống Putin nghĩ cách mà ông ấy thành công là phá vỡ NATO và chúng tôi sẽ không làm điều đó,” ông Biden nói.
Moscow, viện dẫn sự mở rộng về phía đông của NATO như một yếu tố dẫn đến quyết định xâm lược Ukraine, đã chỉ trích hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày kết thúc vào ngày 12/7 và cảnh báo châu Âu sẽ là nơi đầu tiên phải đối mặt với “hậu quả thảm khốc” nếu chiến tranh leo thang.
“Có khả năng, vấn đề này (về việc Ukraine gia nhập NATO) rất nguy hiểm đối với an ninh châu Âu… và do đó, những người sẽ đưa ra quyết định phải nhận thức được điều này”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố.
Ông nói, các nhà lãnh đạo châu Âu dường như không hiểu rằng việc di chuyển cơ sở hạ tầng quân sự của NATO tới biên giới Nga là một sai lầm (VOA).