Tình báo Mỹ cần làm gì hôm nay và ngày mai. Đây là nội dung bài giảng hàng năm của Giám đốc CIA William J. Burns tại Quỹ Ditchley (Ditchley Foundation) ở Oxfordshire, Anh ngày 1 Tháng Bảy. Chủ đề bài giảng: “A World Transformed and the Role of Intelligence” (Một thế giới được biến đổi và vai trò của trí thông minh).
Ba vấn đề nổi bật toàn cầu nước Mỹ không thể đứng ngoài
Khi mới vào nghề, tôi đã làm việc với tư cách một nhà ngoại giao Mỹ dưới quyền Ngoại trưởng James Baker. Đó là một trong những thời khắc thay đổi hiếm hoi trong lịch sử. Chiến tranh Lạnh sắp kết thúc, Liên Xô sắp sụp đổ, nước Đức sắp thống nhất và cuộc xâm lược Kuwait của Saddam Hussein sẽ sớm thất bại. Ưu thế của nước Mỹ đối với thế giới vào lúc đó là không thể tranh cãi. Dòng lịch sử dường như chảy theo hướng của chúng ta. Sức mạnh ý tưởng của nước Mỹ thúc đẩy phần còn lại của thế giới đi theo một dòng chảy dù chậm chạp nhưng không thể cưỡng lại: Đi tới dân chủ và thị trường tự do.
Sự tự tin đôi khi quá khích của chúng ta có cơ sở vững chắc ở thực tế quyền lực và ảnh hưởng, nhưng nó cũng che khuất những gì đang lù lù xuất hiện từ phía trước. Khoảnh khắc thống trị của Hoa Kỳ sau Chiến tranh Lạnh không thể tồn tại mãi. Lịch sử chưa kết thúc và sự cạnh tranh về ý thức hệ vẫn còn đó. Toàn cầu hóa mang lại nhiều hứa hẹn cho xã hội loài người, đưa hàng trăm triệu người ra khỏi đói nghèo, nhưng nó cũng tạo ra những hiệu ứng ngược.
Trong một bản ghi nhớ về quá trình chuyển giao mà tôi đã soạn thảo cho chính quyền sắp nhận nhiệm vụ của Tổng thống Bill Clinton vào cuối năm 1992, tôi đã cố phác thảo lờ mờ những thách thức phía trước. Bản ghi nhớ nêu rõ:
“Dù lần đầu tiên sau 50 năm chúng ta không phải đối mặt với một kẻ thù quân sự toàn cầu, nhưng dự báo gần như chắc chắn sẽ quay trở lại chủ nghĩa độc tài ở Nga hoặc một Trung Quốc (TQ) hung hăng thù địch trở thành mối đe dọa toàn cầu. Ngoài ra còn có những rủi ro mà các nền dân chủ và thị trường tự do sẽ phải đối mặt trong một thế giới toàn cầu hóa khi hệ thống chính trị quốc tế đang nghiêng về phía phân mảnh nhiều hơn và quyết liệt hơn”.
Tôi cũng cố gắng phác họa những mối đe dọa chung trên toàn cầu do biến đổi khí hậu và mất an ninh y tế, đặc biệt là đại dịch HIV/AIDS hoành hành lúc đó. Trong một phần tư thế kỷ tiếp theo, tôi vẫn là một nhà ngoại giao Mỹ may mắn và tự hào được phục vụ chủ yếu ở Nga, Trung Đông và giữ các vị trí cấp cao ở Washington. Tôi đã chia sẻ những thành công về ngoại giao và cả những sai lầm khi ưu thế đơn cực của nước Mỹ phai nhạt dần.
Một số điều tôi dự đoán trong quá trình chuyển đổi sau Chiến tranh Lạnh bắt đầu lộ ra. Hôm nay, với tư cách giám đốc CIA, tôi e rằng mình đã sống và phục vụ đủ lâu để đối mặt với những thời khắc thay đổi khác trong một thế giới đông đúc, phức tạp và tranh chấp nhiều hơn so với thế giới tôi trải qua trong những ngày đầu của một nhà ngoại giao trẻ cách nay hơn 30 năm. Thế giới hôm nay là thế giới Hoa Kỳ không còn là đứa trẻ lớn duy nhất trong khối địa chính trị, một thế giới phức tạp mà nhân loại phải đối mặt với cả những nguy hiểm lẫn hứa hẹn. Công việc của tôi bây giờ là giúp Tổng thống Joe Biden và các nhà hoạch định chính sách cấp cao hiểu và định hình một thế giới đã thay đổi.
Thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã qua. Nhiệm vụ của chúng ta là định hình những gì sẽ xảy ra tiếp theo, đầu tư vào các thế mạnh nền tảng của nước Mỹ và hoạt động vì mục đích chung với mạng lưới liên minh và đối tác rộng lớn chưa từng có để mang lại cho các thế hệ tương lai một thế giới tự do, cởi mở, an toàn và thịnh vượng hơn. Thành công của chúng ta sẽ phụ thuộc vào khả năng điều hướng thế giới với ba thách thức lớn.
Đầu tiên là cạnh tranh chiến lược với một TQ đầy tham vọng đang trỗi dậy và một nước Nga liên tục nhắc nhở chúng ta rằng, các cường quốc đang suy yếu ít nhất cũng có thể gây rối loạn như các cường quốc đang trỗi dậy.
Thứ hai là những vấn đề toàn cầu như đại dịch và khủng hoảng khí hậu nằm ngoài khả năng giải quyết của một quốc gia đơn độc.
Thứ ba là cuộc cách mạng công nghệ đang thay đổi cách con người sống, làm việc, chiến đấu và cạnh tranh với những khả năng và rủi ro không lường trước được. Ba thách thức này đôi khi mâu thuẫn với nhau. Sự hợp tác trong các vấn đề toàn cầu vừa quan trọng vừa khó khăn khi chúng đã trở thành nạn nhân của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Cuộc cách mạng công nghệ vừa là đấu trường chính vừa cần sự hợp tác để thiết lập các quy tắc căn bản dẫn đường. (Còn tiếp)
Lê Tây Sơn