Saturday, October 5, 2024
No menu items!
spot_img
HomeThế GiớiCác nhà lập pháp Hoa Kỳ tăng cường nỗ lực chống lại...

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ tăng cường nỗ lực chống lại hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc

Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania) cho rằng hoạt động sát nhân để lấy nội tạng do nhà nước bảo trợ của chính quyền Trung Quốc là “thật đáng ghê tởm” và Hoa Kỳ cần phải đi đầu trong việc chấm dứt tình trạng này.

“Đó là một hành động ghê tởm, đó là một sự tàn bạo, và không thể dung thứ được,” ông nói với The Epoch Times. “Phải có hậu quả và trách nhiệm giải trình.”

Ông Perry muốn dự luật của mình, Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công (H.R. 4132), là một động lực để thay đổi.

Pháp Luân Công — một môn tu luyện tinh thần giảng dạy các giá trị của chân, thiện, và nhẫn, cùng với thực hành thiền định đầy đủ — là mục tiêu chính của nạn lạm dụng cấy ghép nội tạng quy mô công nghiệp của nhà cầm quyền này. Trong 24 năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiến hành cuộc đàn áp tàn bạo đối với nhóm người tu luyện này.

Tập trung vào những lạm dụng này, dự luật (pdf) của ông Perry nhằm mục đích áp đặt các lệnh trừng phạt nhắm vào các cá nhân đồng lõa và cấm họ hiện diện tại Hoa Kỳ. Dự luật này cũng sẽ trở thành một chính sách của Hoa Kỳ nhằm tránh hợp tác với Trung Quốc cộng sản trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng, thực hiện các biện pháp cần thiết để buộc chính quyền này chấm dứt hành vi ngược đãi, đồng thời hợp tác với các đồng minh và các tổ chức đa phương để nêu bật cuộc đàn áp Pháp Luân Công và phối hợp các nỗ lực để trừng phạt chính quyền này.

Ngày càng có thêm nhiều sự phản đối

Tại Hoa Kỳ, nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng này ngày càng được chú ý.

Hồi tháng Sáu, Texas đã ban hành một luật cấm các công ty bảo hiểm y tế tài trợ cho các ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng có liên quan đến Trung Quốc. Hồi tháng Ba, Hạ viện đã thông qua một dự luật, hiện đang chờ Thượng viện thông qua, nhằm trừng phạt những thủ phạm tham gia hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt ngăn chặn tài sản và thị thực, thu hồi sổ thông hành, đồng thời áp dụng các khoản tiền phạt và hình phạt hình sự.

Ông Perry cho biết ông hài lòng khi thấy những tiến triển này.

Ông nói: “Các tiểu bang hầu như luôn đi trước chính phủ liên bang trong việc nhận ra các trường hợp cần được giải quyết.”

Và, ông cho rằng, trên các mặt trận ngoại giao, quản trị, kinh tế, hay giải trí, mối liên hệ với Trung Quốc không thể là công việc như bình thường.

“Chúng ta không thể tiếp tục hành động như thể những chuyện đó không hề xảy ra, và chúng ta không thể tiếp tục hành xử theo cách cũ, bởi vì đó sẽ là sự chấp thuận ngầm cho những sự việc này, và điều đó hoàn toàn là không thể.”

Các nhà lập pháp khác cũng đang thúc đẩy Mỹ hành động nhiều hơn.

Hôm 27/06, các dân biểu Neal Dunn (Cộng Hòa-Florida) và Michelle Steel (Cộng Hòa-California) đã viết một lá thư gửi Ngoại trưởng Antony Blinken kêu gọi bộ của ông “hành động ngay lập tức” để hạn chế những người tham gia ngành thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ có được trạng thái nhập cư.

“Những câu chuyện mà tôi đã nghe được trực tiếp từ các nạn nhân và những người sống sót sau các hành động vô nhân đạo của ĐCSTQ gần như rất khủng khiếp,” ông Dunn cho biết. “Bất kỳ chuyên gia chăm sóc sức khỏe nào của Trung Quốc tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng đều đang phạm tội ác phản nhân loại.”

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói với The Epoch Times rằng: “Chúng tôi vô cùng lo ngại trước các báo cáo về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng nhắm vào các thành viên của các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số bị giam giữ tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC).”

“Hoa Kỳ tiếp tục kêu gọi chính quyền CHND Trung Hoa chấm dứt các hành động đồi bại và phải hành động phù hợp với các cam kết về nhân quyền cũng như tất cả các tiêu chuẩn y tế và đạo đức có liên quan cũng như các thông lệ tốt nhất, bao gồm hành động vì lợi ích tốt nhất của bệnh nhân, sự đồng ý có hiểu biết, và tôn trọng nhân cách,” vị phát ngôn viên này nói, đồng thời nói thêm rằng Hoa Kỳ “tìm cách bảo đảm rằng những cá nhân đang hoặc đã tham gia vào các hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền sẽ không có được nơi trú ẩn an toàn tại Hoa Kỳ.”

Quan chức này viện dẫn “một số điều căn bản không đủ điều kiện cấp thị thực” có khả năng áp dụng cho những cá nhân “đang hoặc đã tham gia vào hoạt động thu hoạch và cấy ghép nội tạng cưỡng bức.”

Nâng cao nhận thức

Ông Perry còn nêu lên một tuyên bố của Hiệp hội Các Chuyên gia Y tế Và Phẫu thuật Mỹ lên án nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng và kêu gọi các quan chức và bác sĩ Hoa Kỳ cần có lập trường chống lại hành vi lạm dụng này.

“Việc này đã diễn ra quá lâu rồi, mà không thu hút được sự chú ý nên có của thế giới tự do, nhưng chúng ta cần tiếp tục làm việc mỗi ngày để đưa việc này đến với những người tự do và tất cả người dân toàn thế giới để [họ] nhận thức được rằng chuyện này đang xảy ra trong thế kỷ 21,” ông nói.

“Tôi nghĩ rằng khi hầu hết người Mỹ biết được điều đó, thì họ sẽ thấy bản thân đang ở vị thế phải lên tiếng, ‘Tôi sẽ không tham gia vào việc đó,’ và đó chính là điểm mấu chốt.”

Ông xem dự luật này, hiện đang được đưa lên Hạ viện sau khi nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, là một cơ hội để nâng cao nhận thức về vấn đề này.

“Quý vị sẽ không cho phép điều này xảy ra trong gia đình mình, quý vị sẽ không cho phép điều này xảy ra với bằng hữu hoặc trong các giao dịch kinh doanh của mình. Không thể cho phép điều này xảy ra ở quy mô rộng hơn chỉ vì đó là một quốc gia khác — điều đó không thể được phép. Bước đầu tiên là thừa nhận rằng điều đó đang xảy ra, và đó là nơi chúng ta đang hướng tới.”

“Sẽ rất tốt nếu có thể có một phiên điều trần và một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện. Tuy nhiên, nếu không, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục quay lại cho đến khi thành công, bởi vì, như tôi đã nói, hoạt động này là không thể chấp nhận được. Thật đáng ghê tởm, thật man rợ, giống như thời trung cổ, và chuyện này phải chấm dứt ngay lập tức. Và Hoa Kỳ phải đi đầu, bởi vì chúng ta chắc chắn không thể tin tưởng nổi ĐCSTQ làm ra điều đó.”

Tịnh Nhi biên dịch (Epoch Times).

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments