Thông điệp “hòa bình và tự do hàng hải” nặng 100,000 tấn USS Ronald Reagan CVN-76 đã tới Đà Nẵng hôm Chủ Nhật, ngày 25 Tháng Sáu, đúng như kế hoạch từ trước. Đây là lần thứ ba, sau chiến tranh Việt Nam, biểu tượng của sức mạnh siêu cường Hoa Kỳ trở lại trong bối cảnh Trung Cộng gia tăng các hành động “bắt nạt” các nước nhỏ trong khu vực.
Biển Đông đang thực sự là “vạc dầu châu Á”, sẵn sàng bùng nổ những xung đột vốn đã chất chứa từ lâu. Ngày nay, hầu hết các nhà chính trị quốc tế đều tin rằng “Định mệnh chiến tranh” hay “Cái bẫy Thucydides” là điều gần như không thể tránh né giữa một siêu cường mới nổi là Trung Cộng ngày một hung hăng, thách thức trật tự thế giới cũ nơi mà Hoa Kỳ thống trị suốt hơn một thế kỷ.
Vùng biển chiến lược này có eo Malacca, nơi mà mỗi năm lượng hàng hóa thương mại vận chuyển qua có giá trị hơn $5,000 tỷ, cũng là huyết mạch của Trung Cộng khi hơn 70% lượng dầu khí nhập khẩu đi qua eo biển này. Tài nguyên dầu khí và thủy hải sản phong phú ở Biển Đông cũng là thứ mà Trung Cộng luôn thèm khát.
Bị thúc đẩy bởi tham vọng bá quyền với những diễn ngôn của chủ nghĩa duy vật hiện thực lịch sử, Tập Cận Bình thể hiện một niềm tin sắt đá về vai trò Thiên tử của bản thân và rằng đã đến lúc Trung Cộng thay thế vị trí siêu cường của Hoa Kỳ để lãnh đạo thế giới. Muốn làm được điều đó, trước tiên phải phá được cái vòng kim cô có tên “chuỗi đảo thứ nhất” mà Hoa Kỳ và đồng minh đã “trấn yểm”, kiềm chế con rồng Trung Hoa vươn ra Thái Bình Dương để trở thành cường quốc hải quân – điều mà cho đến nay vẫn là một thách thức với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) dù họ sở hữu đội tàu có số lượng, trọng tải và năng lực logistics mạnh nhất thế giới.
Chuyến thăm Việt Nam của nhóm tàu tác chiến USS Ronald Reagan CVN-76 được cộng đồng mạng xã hội Việt Nam chào đón nhiệt thành. Trong khi Hà Nội dè dặt trong từng câu chữ, hạn chế tối đa việc đưa tin, đăng bài.
Cùng thời điểm với xuất hiện USS Ronald Reagan CVN-76, ngày 25 Tháng Sáu, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính lại “đi sứ” trình diện Bắc Kinh. Và cùng thời gian USS Ronald Reagan CVN-76 tiến vào vịnh Sơn Trà, Đài VTV1 truyền hình trực tiếp chương trình “Tìm Đường Ra Biển” do Tạ Bích Loan làm MC. Chương trình ôn lại “tội ác giặc Mỹ” và sự chiến đấu “dũng cảm, mưu trí, quên mình vì tổ quốc” của hải quân Bắc cộng. Đài truyền hình quốc gia Việt Nam đã gửi một thông điệp rất rõ ràng về lập trường chính trị tới những ông chủ ở Trung Nam Hải và cả đám “giặc Mỹ cọp beo”.
Ba ngày trước đó, Bộ Công an cáo buộc một tổ chức khủng bố ở Hoa Kỳ đã cử người về Việt Nam “chỉ đạo” tấn công hai trụ sở chính quyền xã ở Dak Lak trong vụ bạo loạn ngày 11 Tháng Sáu 2023. Tuy vậy, phía công an Việt Nam không nêu rõ tên “tổ chức khủng bố” cũng như hình ảnh về người đàn ông bị cho là “kẻ chỉ đạo”, hiện “đã bị bắt giữ”.
Nếu sắp xếp các sự kiện này lại theo thứ tự thời gian, chúng ta có thể thấy sự “trùng hợp” kỳ lạ, nhất là trong bối cảnh địa chính trị biến động như hiện nay. Sự “trùng hợp” này và cách thức truyền thông lập lờ đầy hàm ý của Bộ Công an và Đài VTV1 khiến giới quan sát nhận định rằng: Nội bộ Việt Nam hiện có hai khuynh hướng đối lập nhau. Một phe mong muốn lợi dụng tối đa sự ủng hộ của Hoa Kỳ về kinh tế, hỗ trợ về an ninh hàng hải và thu hút đầu tư. Trong khi phe kia thì muốn đẩy Việt Nam ra xa cơ hội có thể nâng cấp mối quan hệ từ “đối tác chiến lược” thành “đối tác chiến lược toàn diện”.
Trong tình huống này, có thể nhận diện thế lực “thờ địch” lại chính là cơ quan ngôn luận của đảng, và “thanh kiếm, lá chắn của chế độ”.
Có thể đặt câu hỏi “Liệu rằng có mối liên quan giữa tình hình Biển Đông, quan hệ tay ba Việt-Mỹ-Trung với cuộc bạo loạn ở Tây Nguyên vừa qua hay không?”
Tây Nguyên những năm gần đây rất yên bình. Trong báo cáo mới nhất về tình hình an ninh của Bộ Công an năm 2022 hoàn toàn không đề cập mối nguy khủng bố, bạo loạn. Vậy tại sao, đúng thời điểm chuẩn bị nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ và trước chuyến thăm của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan lại xảy vụ tấn công ngày 11 Tháng Sáu? Những nghi vấn và phân tích về vụ bạo loạn này, xin đọc lại bài “Một số nghi vấn và giả thuyết cần làm rõ vụ bạo loạn Tây Nguyên”; trong đó chúng tôi có nêu giả định rằng có thể có bàn tay Trung Quốc giật giây trong sự kiện Tây Nguyên. (Còn tiếp)
Tùng Phong