Tôi gặp Trung Tá Võ Khâm lần cuối cùng vào buổi trưa thứ bảy, ngày 3 tháng 11 năm 1973. Một ngày mà tôi không thể nào quên, cho dù thời gian đã qua khá lâu và cuộc đời trải qua biết bao nhiêu dâu biển.
Hôm ấy, được tin tôi về phép sau một thời gian dài ở chiến trường Kontum, từ Nha Trang ông lái xe ra Ninh Hòa thăm vợ chồng tôi, cho quà các cháu và rủ bọn tôi ra ăn trưa tại quán Thái Thị Trực. Đây là quán nem có thương hiệu nổi danh từ rất lâu, không chỉ ở thị trấn Ninh Hòa mà khắp cả tỉnh. Cùng đi với ông hôm ấy có anh Trần Hữu Dũng. Anh Dũng nguyên là giáo sư trung học ở Nha Trang, động viên vào Khóa 16 Thủ Đức, lúc ở đơn vị tôi anh giữ chức vụ Đại đội trưởng Đại đội Chỉ Huy Công Vụ, sau này được điều động về làm Phụ Tá Trưởng Phòng Nhất Sư Đoàn. Anh vừa được thuyên chuyển về Tiểu Khu Khánh Hòa hơn ba tháng trước, nơi Trung Tá Khâm đang làm Tiểu Khu Phó. Đang ăn, bất ngờ có vợ chồng Trần Ngọc Thăng đến tìm tôi. Thăng là bạn cùng khóa Thủ Đức và sau này cũng về đơn vị tôi. Khi ấy Thăng cũng vừa bàn giao nhiệm vụ tiểu đoàn trưởng để chuyển sang trung đoàn khác và đang nghỉ phép cưới vợ. Cả bốn thầy trò hôm ấy đều rất vui mừng, bởi trước kia chúng tôi đều có thời phục vụ dưới quyền Trung Tá Võ Khâm, trong thời gian gần ba năm (11/1966 – 7/1968) khi ông là Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44BB, một trong những trung đoàn thiện chiến và lập nhiều chiến công cho Quân Đoàn II/ QK2. Riêng tôi, đã từng có khá nhiều kỷ niệm đặc biệt với ông.
Tháng 3 năm 1965 ra trường, tôi được bổ nhậm về Tiểu Đoàn 3/44, môt đơn vị trực thuộc Sư Đoàn 23 BB, có bản doanh tại Ban Mê Thuôt, nhưng riêng tiểu đoàn lúc ấy được chọn làm đơn vị trừ bị, hành quân lưu động trong khắp lãnh thổ Vùng 2 Chiến Thuật, dưới sự điều động trực tiếp của Quân Đoàn. Liên tiếp mấy năm theo đơn vị, liên tục hành quân gần như khắp mọi nơi. Có khi buổi sáng còn ở núi rừng Quảng Đức, buổi chiều đã có mặt ở bờ biển Tuy Hòa, Phan Thiết. Thời gian này, sĩ quan không đủ, nên sau khi lên thiếu úy một vài tháng, tôi được lên nắm đại đội Ngày 19.6.1967, may mắn được thăng cấp trung úy và sau một lần bị thương ở chân trái trong trận phản phục kích tại Ngã ba Dak-Song, Quảng Đức, xuất viện, tôi được chỉ định sang làm Trưởng Ban 3/Tiểu Đoàn kiêm Đại Đội Trưởng Đại Đội Chủ Huy Yểm Trợ, thay thế Trung Úy Đặng Trung Đức vừa nhận lệnh thuyên chuyển về giữ chức vụ Trưởng Ban 3/Trung Đoàn thay Đại Úy Mai Lang Luông ra làm tiểu đoàn trưởng. Anh Đặng Trung Đức tốt nghiệp Khóa 19 Võ Bị Đà Lạt và là người bạn rất thân thiết với tôi bởi truớc đó, cả hai cùng làm trung đội trưởng trong một đại đội, mà anh đại đội trưởng là niên trưởng Khóa 16 VB của Đức. Cả hai anh Võ Bị này đều là những cấp chỉ huy xuất sắc sau này.
Thời gian này, Đại Tá Trương Quang Ân vừa về nhậm chức Tư Lệnh Sư Đoàn 23 BB. Ông là vị sĩ quan nổi tiếng từ Binh Chủng Nhảy Dù, gốc Thiếu Sinh Quân, từng tốt nghiệp thủ khoa hầu hết tất cả các khóa học tại những quân trường nổi tiếng: Khóa Thiếu Sinh Quân, Khóa 7 Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt và hai khóa Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, tại Đà Lạt, sau đó tại Leavenworth Hoa Kỳ. Ông có tiếng tài ba, liêm khiết nhưng cũng rất nghiêm khắc, đặc biệt đối với những sĩ quan dưới quyền. Làm việc với ông, dù ở phương vị nào, thường bị phạt dễ hơn là được khen thưởng, Ông cân nhắc rất kỹ lưỡng mỗi khi đề bạt hay thăng cấp một sĩ quan, ngay cả việc đề nghị huy chương.
Đại Tá Trương Quang Ân về nhận chức Tư Lệnh Sư Đoàn 23 BB vào ngày 24.11.1966 thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Văn Mạnh đi làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV/ Vùng 4 CT. Ngay trong buổi họp đầu tiên, với sự có mặt của tất các sĩ quan thống thuộc Sư Đoàn, từ cấp đại đội trưởng trở lên, ông công khai tuyên bố cách chức Trung Tá Bùi Th. H. (Trung đoàn trưởng của tôi thời điểm ấy), vì đã có nhiều sai phạm trong thời gian làm trung đoàn trưởng, đặc biệt vừa mới có hành vi hối lộ, khi nhờ người mang (biếu) cho ông tân tư lệnh một bao thư tiền. Sự kiện trong buổi gặp đầu tiên này đã tạo nên một không khí khá nặng nề, căn thẳng trong Sư Đoàn. Riêng anh em ở Trung Đoàn 44 thì rất vui mừng, vì trong mấy năm làm trung đoàn trưởng, ông Trung Tá Bùi Th. H. này đã chia phe kết cánh, phá nát trung đoàn.
Người được chọn để thay thế chức vụ Trung Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Võ Khâm, vừa mới về Sư Đoàn và đang giữ chức vụ Trưởng Khối CTCT/ SĐ. Lúc ấy, mọi người đều nghĩ rằng, ông Tư Lệnh đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, khi đưa ra quyết định này. Trước khi về sư đoàn, Thiếu tá Khâm từng là Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Quảng Ngãi. Giữ chức vụ này hơn hai năm, trong lúc quan lộ đang lên, được các thượng cấp hài lòng, thì ông xin từ chức. (Sau này ông cho chúng tôi biết, vì Quảng Ngãi là quê hương ông, nơi có cha mẹ và thân tộc họ hàng sinh sống, ông không muốn làm ảnh hưởng đến họ, và ngược lại cũng không muốn bị họ làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ của mình, Hơn nữa ở vùng này, tinh thần đảng phái cũng khá phức tạp, luôn đè nặng trên trách nhiệm của ông, nên ông xin từ chức sớm. Và từ đó ông luôn tránh những chức vụ có liên quan tới hành chánh, mặc dù đã nhiều lần được thượng cấp hỏi ý kiến).
Thiếu Tá Khâm về nhận nhiệm vụ khi bản doanh Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn đồn trú tại Tháp Chàm (Ninh Thuận), một tiểu đoàn tăng phái cho TK Ninh Thuận, một tiểu đoàn biệt phái dài hạn cho TK Lâm Đồng, đang hành quân tại Di-Linh, hai tiểu đoàn còn lại đang hành quân dài hạn tại Phan Thiết, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Trung Đoàn. Trong đó có Tiểu Đoàn 3/44 của tôi và Tiểu Đoàn 4/44 vừa mới được thành lập xong hơn một tháng trước từ Dục Mỹ trở về.Thời gian này tình hình tỉnh Bình Thuận khá mất an ninh, đặc biệt tại Mật Khu Lê Hồng Phong, một cứ địa lâu đời của Cộng quân khá rộng lớn, kéo dài từ bờ biển đến rừng núi, có lợi thế cho địch quân xâm nhập, ém quân và cất giấu vũ khí. Đặc biệt một quãng đường khá dài gần 40 cây số cùa Quốc Lộ số 1 và đường Hỏa Xa nằm trong khu vực, gây gián đoạn lưu thông không những cho tỉnh mà còn cho cả nước.
Trung Đoàn đặt Bộ Chỉ Huy Hành Quân tại căn cứ Bình An, nằm bên Tỉnh lộ 8, giữa Phan Thiết – Thiện Giáo. Phía trên, khoảng năm cây số, tiếp giáp vùng núi, có căn cứ Virgina của quân đội Hoa Kỳ, đồn trú cấp đại đội cùng một pháo đội Pháo Binh.
Một ngày sau khi tiểu đoàn vừa chấm dứt cuộc hành quân tảo thanh bốn ngày trong Mật Khu Lê Hồng Phong, kéo về nghỉ quân dọc theo Quốc lộ, trong khu vực Mara, vào buổi trưa, tôi được anh âm thoại viên cho biết có Trung Úy Đức, Ban 3 Trung Đoàn muốn gặp tôi ở đầu máy. Đức báo cho tôi biết ông Trung Đoàn Trưởng đang trên đường đến thăm tiểu đoàn bằng trực thăng H-34. Đức bảo tôi lo an ninh bãi đáp và bảo ông tiểu đoàn trưởng chuẩn bị đón và thuyết trình. Anh còn nói thêm là anh không đi theo mà chỉ có Trung úy Minh Ban 2, Trung sĩ Kim Nữ Quân Nhân và một âm thoại viên mang máy tháp tùng. Cũng không có cố vấn Mỹ, vì anh cố vấn của trung đoàn và của cả tiểu đoàn đã về họp ở MACV.
Tiểu Đoàn tôi giống như tình trạng các tiểu đoàn khác, trong mấy năm qua không có tiểu đoàn phó. Tiểu đoàn trưởng lúc ấy là Thiếu Tá Nguyễn Văn X., xuất thân từ hàng hạ sĩ quan trong quân đội Pháp. Nghe nói ông khá thâm niên, cả cấp bậc thiếu tá lẫn chức vụ tiểu đoàn trưởng, nên rất bất mãn vì không được thăng cấp hay giữ một chức vụ cao hơn, thường hay lầm lì, gắt gỏng, do đó cũng thường bị thuyên chuyển đi khắp Sư Đoàn. Không biết có phải vì lý do đó, hay giữa hai ông có điều gì không vui, mà khi mới nghe tôi báo tin, ông liền bảo: “Chú mày lo tiếp đón và thuyết trình cho ‘thằng chả’, bảo tôi đang lên cơn sốt rét.” Tôi vừa ngạc nhiên, ngỡ ngàng vừa bực dọc, lo lắng.
Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn trú đóng trong một ngôi nhà ngói bỏ hoang, nằm trơ trọi bên cạnh Quốc lộ, bị sập mất một phần mái, phải dùng mấy tấm poncho che đỡ mưa nắng. Nơi đón thượng cấp chỉ là một khoảng nền nhà loang lổ, một tấm bản đồ treo trên giá xếp và mấy cái ghế được đóng bằng thùng đạn Pháo Binh. Đang gọi báo tin cho các anh đại đội trưởng, nghe tiếng trực thăng, tôi vội kéo anh sĩ quan Ban 2 và anh sĩ quan Truyền tin ra đám đất trống phía trước Quốc Lộ, thả trái khói màu đánh dấu bãi đáp.
Khi bước xuống, thấy ba đứa tôi đứng nghiêm chào, Thiếu Tá Trung Đoàn Trưởng hỏi:
– Ông tiểu đoàn trưởng của các anh đâu?
– Dạ, thưa Thiếu Tá, ông tiểu đoàn trưởng đang bất ngờ bị lên cơ sốt rét.
Tôi trả lời và nhìn thấy nét mặt ông sa sầm lại.
Tôi mời ông vào Bộ Chỉ Huy để nghe thuyết trình tình hình và phối trí lực lượng, nhưng khi vừa bước vào căn nhà, nhìn thấy ông tiểu đoàn trưởng đắp tấm poncho-light nằm dài trên ghế bố, nghiêng mặt quay vào vách, ông khựng lại, hỏi tôi một câu cộc lốc:
– Ông làm chức vụ gì ở đây?
Tôi đứng nghiêm:
– Thưa Thiếu Tá, tôi là Trưởng ban 3 kiêm Đại Đội trưởng Đại Đội Chỉ Huy!
Ông xua tay bảo tôi không cần phải thuyết trình mà đưa ông ra thăm đại đội. Ông theo tôi đến Ban Quân Y, Truyền Tin và dừng lại khá lâu ở Khẩu đội súng cối 81 và Đại bác SKZ 57 ly. Kiểm tra sơ qua các khẩu súng và hầm đạn, ông quay sang nghiêm mặt hỏi tôi một loạt các câu hỏi: khẩu đội có bao nhiêu người, súng nặng bao nhiêu, một quả đạn nặng bao nhiêu, cấp số đạn có bao nhiêu quả, bắn xa bao nhiêu??? Có câu tôi trả lời được, nhiều câu tôi im lặng vì mù tịt, các anh khẩu đội trưởng vừa lên tiếng nhắc bị ông quát, đứng im. (Còn tiếp)
(Chuyện ngày xưa – Chuyện ngày nay)