Saturday, November 23, 2024
No menu items!
spot_img
HomeBình LuậnPhân TíchÝ nghĩa của ngày 4 tháng 7 tại Hoa Kỳ

Ý nghĩa của ngày 4 tháng 7 tại Hoa Kỳ

4 tháng 7 là ngày Lễ Độc Lập tại Hoa Kỳ, một thời điểm để nhân dân Mỹ tưởng nhớ đến giờ phút ký kết bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776, một văn kiện ra đời đã chính thức cắt đứt mọi liên hệ chính trị với nước Anh, mà vào thời đó là mẫu quốc của phần đất này. Vượt lên trên tầm quan trọng về lịch sử, sức mạnh của những ngôn từ trong bản văn vẫn còn tiếp tục vang vọng.Lan Phương trong Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay mời quí thính giả theo dõi câu chuyện sau đây của Adam Phillips:

Tự bản thân chúng ta chứng nghiệm sự thực, rằng tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng, rằng thượng đế đã ban cho họ những quyền bất khả nhượng, trong số những quyền này là quyền sống, quyền tự do và quyền theo đuổi hạnh phúc.

Những lời lẽ này do nhà tranh đấu 33 tuổi tên là Thomas Jefferson thảo ra và được Quốc Hội Lục Địa ban hành ngày 4 tháng 7 năm 1776, và đây chỉ chỉ một vài câu có ý nghĩa tiêu biểu trong bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Hoa Kỳ. Giáo sư sử học Herbert Sloan thuộc đại học Barnard nhắc nhở chúng ta rằng văn kiện này không phải là lời tuyên chiến, mà nó cũng không phải là một khởi đầu cho nền độc lập của Hoa Kỳ khi chính thức ly khai khỏi quyền cai trị của triều đình Anh Quốc.

Người Mỹ đã hành xử quyền độc lập từ trước khi có bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Không phải là tổ tiên chúng ta đợi đến đúng ngày 4 tháng 7 năm 1776 mới hành xử như là một quốc gia độc lập. Từ cả năm hay hơn một năm trước đó đã có những cuộc giao tranh gay

go chống các quan lại của Anh Quốc cai trị phần đất này. Riêng cái ngày 4 tháng 7 năm 1776 là giờ phút một bản tuyên cáo chính thức được ra đời để nói rằng: Không còn thể quay trở lại nữa, nhân dân vùng đất này sẽ không còn chút hy vọng hòa giải.

Theo sử gia Eric Foner, dạy tại đại học Columbia, tác giả cuốn “The Story of American Freedom”, thì kể từ đó, nhân dân Hoa Kỳ hết sức nghiêm túc đối với các quyền tự do.

Khắp trong lịch sử của chúng ta, tự do luôn luôn được nhắc nhở đến, cho dù đó là “sự tái sinh của quyền tự do” như tổng thống Lincoln đề cập đến trong cuộc nội chiến, hay “4 quyền tự do” mà tổng thống Roosevelt nhắc đến trong cuộc thế chiến thứ hai. Và cũng không phải là chuyện tình cờ mà tổng thống Bush đặt cho cuộc chiến tại Iraq cái tên “Chiến Dịch Tự Do cho Iraq” bởi vì theo một cách thế nào đó, liên kết một chiến dịch quân sự vào với lý tưởng tự do là một phương cách để huy động sự ủng hộ của quần chúng cho nỗ lực đó.

Nhưng ông Herbert Sloan ghi nhận rằng không giống như nhiều quốc gia, Hoa Kỳ không nối kết việc thành lập quốc gia với một chiến thắng quân sự: Hoa Kỳ tuyên bố độc lập năm 1776 nhưng mãi tới hơn 6 năm sau đó quân Anh mới chịu đầu hàng.

Và vị quốc phụ của chúng ta, ông John Adams, rất nổi tiếng với câu tuyên bố rằng: không phải là yếu tố quân sự, mà chính là sự thay đổi, “trong tâm trí của nhân dân Mỹ trước năm 1775, mới chính là cuộc cách mạng thực sự.”

Kể từ khi lập quốc, ngày 4 tháng 7 luôn luôn là một dấu mốc tiêu biểu cho nền tự do của Hoa Kỳ, tuy nhiên mãi đến năm 1870 thì ngày này mới có quyết định chính thức của quốc hội để trở thành ngày quốc lễ của liên bang.

Ông Robert McDonald, một học giả nghiên cứu về tổng thống Thomas Jefferson, giảng dạy tại trường võ bị West Point, nêu lên rằng cho tới năm ấy thì ngày 4 tháng 7 đã và sẽ, là biểu tượng cho tự do qua nhiều cách thế.

Tác giả Henry David Thoreau đã bỏ cuộc đời trong xã hội đến dựng lều sống ở khu rừng Walden vào ngày 4 tháng 7 năm 1845. Đây không phải là chuyện tình cờ. Hành động của ông là một tuyên ngôn độc lập cho chính cá nhân ông, ly khai khỏi cuộc sống bon chen ngoài xã hội. Và học viện Tuskegee được thành lập để mở mang học vấn cho những người nô lệ được giải phóng đã được mở cửa tại Alabama vào ngày 4 tháng 7 năm 1881.

Trong thế kỷ thứ 19, ngày 4 tháng 7 luôn luôn là một ngày với những bài diễn văn ái quốc và chính trị hùng hồn. Một số còn mang tính chất phẫn nộ. Sử gia Eric Foner thuộc đại học Columbia nêu lên một bài diễn văn đọc năm 1852 của một nhà hùng biện đã từng là nô lệ trước đó, ông Frederick Douglas. Bài diễn văn mang tên: Ý Nghĩa của Ngày 4 tháng 7 Đối Với Người Da Đen.

Ông nói rằng: Ngày này là ngày của người Mỹ da trắng, còn đối với người da đen, 4 tháng 7 là một biểu tượng của tính đạo đức giả của Hoa Kỳ. Quí vị nói về tự do, nhưng quí vị đầy đọa hơn 3 triệu người da đen trong ngục tù nô lệ. Tự do là như thế ư ? Sau đó thì phong trao lao động cũng đã dùng bản tuyên ngôn độc lập để tranh đấu đòi giới chủ nhân phải cho công nhân làm việc ít giờ hơn mỗi ngày hoặc phải trả lương phụ trội cho họ.

Lễ độc lập của Hoa Kỳ cũng là một biểu tượng hùng hồn ở các nước ngoài. Lấy ví dụ, trong phong trào tranh đấu giành độc lập từ tay thực dân tại Châu Á và Châu Phi sau thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ thường được ca ngợi như quốc gia đầu tiên đứng dậy phá bỏ xiềng xích của đế quốc. Ngay cả Hồ Chí Minh, lãnh tụ đảng cộng sản Việt Nam, đã dùng bản tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ làm khuôn mẫu cho bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Việt Nam năm 1945 chống lại quyền đô hộ của người Pháp.

Tuy nhiên, học giả Robert McDonald thì lại có ý đồng hóa ngày này như một ngày lễ tạ ơn mang tính cách ái quốc, và tốt nhất là được ăn mừng trong một phong thái êm đềm.

Tôi không có ý coi nhẹ những nguyên tắc mà ngày này biểu trưng, nhưng tôi cho rằng cách thế mừng lễ hay nhất là người dân Mỹ nên cùng bạn bè, gia đình và cộng đồng quây quần lại, đốt pháo bông và tổ chức bữa ăn cùng với nhau trong vườn nhà.

Theo giáo sư McDonald gợi ý thì đấy mới là cách thể hiện hết ý nghĩa của một con người tự do ca ngợi đời sống.

(Theo VOA Tiếng Việt)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments