Sunday, November 24, 2024
No menu items!
spot_img
HomeBình LuậnPhân TíchCác đô thị lâu đời của nước Mỹ đối mặt vòng xoáy...

Các đô thị lâu đời của nước Mỹ đối mặt vòng xoáy suy tàn

Khánh Lan

Làm việc từ xa, cao ốc văn phòng bỏ trống, tỷ lệ tội phạm, người vô gia cư tăng, doanh thu thuế giảm, chất lượng dịch vụ công đi xuống… đang kết hợp để tạo ra một vòng xoáy suy tàn tiềm ẩn đối với một số đô thị lâu đời của nước Mỹ.

San Francisco, nơi tỷ lệ văn phòng đã tăng lên tới 25%, là một trong những thành phố lớn của Mỹ đang đối mặt với vòng xoáy suy tàn. Ảnh minh họa: Sunday Times

Các khu trung tâm thương mại ở một số thành phố lâu đời của Mỹ như San Francisco, Chicago, New York trở nên vắng vẻ hơn trong làn sóng làm việc từ xa. Những nơi này đang chứng kiến hàng loạt tác động tiêu cực khi tỷ lệ văn phòng trống tăng cao, như doanh thu thuế giảm, tỷ lệ tội phạm, người vô gia cư và sử dụng ma túy nơi công cộng tăng lên. Tình hình này càng khiến nhân viên cổ cồn trắng ngại quay trở lại văn phòng, đe dọa tương lai của một số đô thị lớn của Mỹ.

Bất kỳ ai đi dạo qua các khu trung tâm thương mại của San Francisco, Chicago, New York hoặc bất kỳ thành phố lớn, lâu đời nào khác của Mỹ đều có thể cảm nhận được những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19. Diện tích văn phòng thương mại có sẵn để cho thuê đang ở mức cao kỷ lục tại Mỹ, do các thành phố, đặc biệt là ở phía bắc của đất nước, đang chật vật thu hút nhân viên trở lại làm việc toàn thời gian tại văn phòng. Xu hướng này, có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi cải thiện, có nguy cơ tạo ra một vòng lặp đen tối ở đô thị với yếu tố tiêu cực này dẫn đến yếu tố tiêu cực khác, khiến tương lai của chính một số thành phố lớn bị hoài nghi.

Dữ liệu điện thoại di động được thu thập từ các trung tâm thành phố là bằng chứng cho một câu chuyện ảm đạm. Theo dữ liệu của Công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân Apollo, hoạt động điện thoại ở San Francisco chỉ ở mức 31% so với mức trước đại dịch. Tỷ lệ này đối với New York là 74% và đối với Chicago là 50% và Boston là 54%.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tỷ lệ trống văn phòng mà còn ảnh hưởng đến các cửa hàng, nhà hàng và những dịch vụ khác kinh doanh dựa vào lực lượng nhân viên văn phòng ở các trung tâm thương mại lớn.

Các khu vực từng nhộn nhịp, chẳng hạn như Quảng trường Union của San Francisco, giờ đây đang suy tàn, với các loại tội phạm vặt vãnh cũng như tình trạng vô gia cư và sử dụng ma túy công khai gia tăng rõ rệt. Tại Chicago, trong giai đoạn từ ngày 15-5 đến 11-6, số lượng các vụ phạm pháp hình sự gồm giết người, trộm cắp, cướp, tấn công tình dục… tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại New York, số người tại các trung tâm trú ẩn dành cho người vô gia cư đã tăng lên mức kỷ lục hơn 100.000 người, trong đó, khoảng 50% là người nhập cư.

Tất cả những điều này càng gây khó khăn cho nỗ lực đưa người lao động trở lại làm việc ở trung tâm thành phố. Với các chủ cho thuê mặt bằng thương mại thường là những người nộp thuế lớn nhất ở khu vực thành thị, ngân sách công cũng đang bị ảnh hưởng.

Tình cảnh đó thúc đẩy vòng lặp suy tàn. Chất lượng các dịch vụ của thành phố, chẳng hạn như hệ thống giao thông công cộng và trường công, đang giảm dần.

Một báo cáo của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ, có tựa đề “Làm việc tại nhà và ngày tận thế của bất động sản văn phòng”, cảnh báo rằng các thành phố lớn của Mỹ có thể đang trên bờ vực rơi vào vòng xoáy ngân sách suy giảm, chất lượng các dịch vụ đi xuống.

Tuy nhiên, có khả năng thuế sẽ tăng lên, đặc biệt là đối với bất động sản nhà ở, khi giới chức trách của các thành phố tìm cách lấp đầy khoảng trống ngân sách. Điều này sẽ càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở các khu vực đô thị lớn. Ví dụ, các thành phố như New York đã chật vật giải quyết tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ trong nhiều năm.

Điều đáng lo ngại là một số thành phố lớn nhất của Mỹ có thể quay trở lại thời kỳ tàn tạ giống như những năm của thập niên 1970. Vào thời đó, một số thị trưởng đã giải quyết thành công các vấn đề bằng nỗ lực đổi mới đô thị và cải tạo trung tâm thành phố. Tuy nhiên, đối với họ, những thách thức ngày nay rất khác, một phần vì chúng đòi hỏi phải xem xét lại cách sử dụng các cao ốc văn phòng và khu mua sắm lớn. Cải tạo các tòa nhà văn phòng khổng lồ thành căn hộ hoặc không gian đa chức năng không dễ dàng và rất tốn kém. Lãi suất tăng đang khiến khiến việc huy động vốn và trả nợ trở nên khó khăn hơn đối với các chủ đầu tư bất động sản thương mại.

Không phải mọi thành phố lớn của Mỹ đều gặp rắc rối. Nhiều đô thị phía tây và phía nam, chẳng hạn như Nashville, Dallas, Austin, Raleigh và Phoenix, đang phát triển thịnh vượng và thu hút thêm dân rời từ thành phố khác. Những nơi này có nhiều lợi thế như thời tiết ấm hơn, giá bất động sản và thuế thấp hơn.

Theo nghiên cứu gần đây của Goldman Sachs, có dấu hiệu cho thấy các tòa nhà mới và hiện đại ở các khu trung tâm thương mại và các văn phòng nhỏ hơn ở vùng ngoại ô trên khắp đất nước có thể tránh được những căng thẳng mà các thành phố lớn hơn đang trải qua. Đây là những nơi mà mọi người dường như muốn làm việc và sinh sống sau đại dịch.

Các khu vực đô thị lớn nhất của Mỹ đang đối mặt với những thách thức kinh tế, chính trị và xã hội kéo dài và từ từ trong những năm phía trước. Các vấn đề của các thành phố lớn của Mỹ đã tích tụ trong nhiều năm trước khi trở nên trầm trọng hơn trong thời kỳ đại dịch và lãi suất tăng. Tình trạng lạm dụng ma túy, vô gia cư, thiếu nhà ở giá rẻ, lỗ hổng trong hệ thống sức khỏe tâm thần và các vấn đề ngân sách đã hình thành trong nhiều thập niên.

Nỗ lực giải quyết những vấn đề đó không chỉ đòi hỏi các mối quan hệ đối tác công tư tốt hơn mà còn cả tư duy sáng tạo. Nếu khu vực trung tâm của các thành phố lớn không phải là nơi để làm việc toàn thời gian, liệu chúng có thể được sáng tạo lại theo cách phù hợp hơn với một thế giới hậu đại dịch hay không? Số phận của các khu đô thị lớn nhất nước Mỹ phụ thuộc vào câu trả lời cho câu hỏi đó.

(Financial Times)

(Phân tích- Bình luận-Quan điểm)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments