Nhà hoạt động và luật sư Edward Blum (trái), lãnh đạo tổ chức Sinh viên Tuyển sinh Công bằng, cùng với nguyên đơn Abigail Fisher (giữa) bên ngoài Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ở Washington, D.C., ngày 9/12/2015.
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ngày 29/6 đã bãi bỏ các chính sách cân nhắc tới yếu tố sắc tộc màu da trong tuyển sinh đại học, chấm dứt hàng thập niên tiền lệ cho phép các trường học trên toàn quốc sử dụng các chính sách này để tăng sự đa dạng của sinh viên.
Chính sách hỗ trợ người thiểu số, chống phân biệt đối xử
Trong môi trường giáo dục đại học, chính sách hỗ trợ người thiểu số, chống phân biệt đối xử (gọi tắt là chính sách AA) liên quan tới việc tuyển sinh nhằm tăng số lượng sinh viên da đen, sinh viên gốc Tây Ban Nha, Mỹ Latin, và các nhóm thiểu số khác.
Các trường cao đẳng và đại học có cân nhắc yếu tố sắc tộc trong việc tuyển sinh cho biết họ làm như vậy như một phần của phương pháp tiếp cận toàn diện khi xem xét mọi khía cạnh của đơn xin nhập học, bao gồm điểm xếp hạng, điểm kiểm tra, và các hoạt động ngoại khóa.
Mục tiêu của các chính sách tuyển sinh này là tăng cường sự đa dạng của sinh viên nhằm nâng cao trải nghiệm giáo dục cho tất cả sinh viên. Các trường cũng sử dụng các chương trình tuyển dụng và cơ hội học bổng nhằm tăng cường sự đa dạng, nhưng vụ kiện tại Tòa án Tối cao tập trung vào việc tuyển sinh.
Những trường nào cân nhắc yếu tố chủng tộc?
Mặc dù nhiều trường không tiết lộ chi tiết về quy trình tuyển sinh của họ, nhưng việc tính đến yếu tố chủng tộc phổ biến hơn ở các trường khó, tức những trường mà tỷ lệ sinh viên được nhận vào ít hơn tỷ lệ sinh viên bị từ chối.
Trong một cuộc khảo sát năm 2019 của Hiệp hội Tư vấn Tuyển sinh Đại học Quốc gia, khoảng 1/4 số trường cho biết chủng tộc có ảnh hưởng “đáng kể” hoặc “vừa phải” đối với việc tuyển sinh, trong khi hơn một nửa nói rằng chủng tộc không đóng vai trò gì.
Chín tiểu bang đã cấm xét tới yếu tố sắc tộc trong chính sách tuyển sinh tại các trường cao đẳng và đại học công lập bao gồm: Arizona, California, Florida, Idaho, Michigan, Nebraska, New Hampshire, Oklahoma và Washington.
Vụ kiện
Tòa án Tối cao đã phán quyết cho hai vụ kiện do nhóm Sinh viên Tuyển sinh Công bằng mà ông Edward Blum đứng đầu. Ông là một chiến lược gia pháp lý bảo thủ, người đã dành nhiều năm đấu tranh chống lại chính sách AA trong giáo dục đại học.
Một vụ cho rằng chính sách tuyển sinh của Harvard phân biệt đối xử bất hợp pháp đối với các ứng viên người Mỹ gốc Á. Vụ kia khẳng định rằng Đại học North Carolina phân biệt đối xử bất hợp pháp đối với các ứng viên người Mỹ gốc Á và các ứng viên da trắng.
Hai trường này đã bác bỏ những tố cáo đó, nói rằng sắc tộc chỉ là yếu tố quyết định trong một số ít trường hợp và việc cấm thực hành chính sách AA sẽ làm giảm đáng kể số lượng học sinh thiểu số trong trường.
Tòa án Tối cao phán quyết như thế nào trong quá khứ?
Trước ngày 29/6, Tòa Tối cao trong nhiều thập niên phần lớn đã ủng hộ việc tuyển sinh có cân nhắc yếu tố sắc tộc, dù là có giới hạn.
Tòa án Tối cao bị chia rẽ năm 1978 đã giải quyết vấn đề này trong vụ kiện mang tính bước ngoặt: một bên là sinh viên Bakke, một bên là Hội đồng Quản trị Đại học California; sau khi các trường học bắt đầu sử dụng chính sách AA đáp ứng với kỷ nguyên Dân Quyền nhằm khắc phục hậu quả của phân biệt chủng tộc.
Lá phiếu của Thẩm phán Lewis Powell đã quyết định rằng các trường học không thể sử dụng chính sách AA để sửa chữa sự phân biệt chủng tộc trong quá khứ và bác bỏ thông lệ của trường này trong việc dành một số chỗ nhất định cho người thiểu số.
Tuy nhiên, Thẩm phán Powell nhận thấy rằng việc tăng cường sự đa dạng trong trường học là một “mối quan tâm hấp dẫn” bởi vì sinh viên thuộc mọi chủng tộc – không chỉ dân tộc thiểu số – sẽ nhận được một nền giáo dục tốt hơn nếu tiếp xúc với các quan điểm khác nhau. Ông Powell phán rằng các trường có thể cân nhắc yếu tố chủng tộc trong tuyển sinh miễn là nó chỉ là một yếu tố trong số nhiều yếu tố.
Năm 2003, Tòa bác bỏ việc Đại học Michigan sử dụng hệ thống thưởng “điểm” cho các ứng viên thiểu số, nói rằng việc này là quá đà, nhưng khẳng định quan điểm rằng các trường có thể sử dụng chủng tộc như một trong một số các yếu tố tuyển sinh.
Vào năm 2016, Tòa một lần nữa ủng hộ việc tuyển sinh có cân nhắc về yếu tố sắc tộc trong vụ kiện của ông Blum đối với các chính sách của Đại học Texas. Nhưng Tòa nghiêng mạnh sang cánh hữu kể từ đó, với sáu thẩm phán bảo thủ và chỉ có ba thẩm phán cấp tiến.
Các trường đại học sẽ làm gì?
Quyết định của Tòa vào ngày 29/6 năm nay sẽ buộc các trường cao đẳng và đại học ưu tú phải sửa đổi chính sách của họ và tìm kiếm những phương cách mới để đảm bảo sự đa dạng trong quần thể sinh viên của họ. Nhiều trường cho rằng các biện pháp khác sẽ không hiệu quả như vậy, dẫn đến số lượng học sinh thiểu số trong trường ít hơn.
Trong các lập luận đệ trình lên Tòa án Tối cao, Đại học California và Đại học Michigan – những hệ thống đại học công lập hàng đầu từ các tiểu bang cấm tuyển sinh cân nhắc yếu tố sắc tộc – cho biết họ đã chi hàng trăm triệu đô la cho các chương trình thay thế nhằm cải thiện sự đa dạng, nhưng những nỗ lực đó đã không đạt được mục tiêu (VOA).