Chín Thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ngày 29/6 bác bỏ các chương trình tuyển sinh có cân nhắc yếu tố sắc tộc tại Đại học Harvard và Đại học North Carolina, cấm dùng chính sách hỗ trợ người thiểu số trong tuyển sinh vốn lâu nay được vận dụng để tăng số lượng sinh viên da đen, gốc Tây Ban Nha, gốc Mỹ Latin và các nhóm thiểu số khác trong các trường đại học Mỹ.
Quyết định cột mốc này sẽ buộc nhiều trường cao đẳng và đại học Mỹ phải sửa lại chính sách tuyển sinh. Tòa phán quyết rằng các chương trình tuyển sinh theo chính sách hỗ trợ người thiểu số vốn cân nhắc tới sắc tộc của ứng viên như cách mà Đại học Harvard và Đại học North Carolina đã làm là vi phạm cam kết về sự bảo vệ bình đẳng chiếu theo Hiến pháp Hoa Kỳ.
Tòa đã ra phán quyết có lợi cho bên nguyên đơn là nhóm Sinh viên Tuyển sinh Công bằng, được thành lập bởi nhà hoạt động Edward Blum. Nguyên đơn đã gõ cửa Tòa Tối cao để kháng cáo các phán quyết của tòa án cấp dưới vốn ủng hộ các chương trình tuyển sinh có cân nhắc yếu tố sắc tộc tại hai trường đại học danh tiếng vừa kể nhằm phát triển tập thể sinh viên đa dạng. Tỷ lệ biểu quyết tại Tòa là 6-3 chống lại Đại học North Carolina và 6-2 chống lại Đại học Harvard.
Phát biểu tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden nói ông hoàn toàn không đồng ý với phán quyết ngày 29/6 do Chánh án John Roberts viết, và kêu gọi các trường đại học không từ bỏ cam kết tuyển sinh đa dạng.
Chánh án Roberts đã viết rằng một sinh viên “phải được đối xử dựa trên kinh nghiệm của họ với tư cách là một cá nhân chứ không phải dựa trên chủng tộc. Nhiều trường đại học đã làm điều ngược lại trong một thời gian dài.”
Theo Harvard, khoảng 40% các trường cao đẳng và đại học ở Hoa Kỳ cân nhắc yếu tố sắc tộc theo một cách nào đó. Nhóm của ông Blum trong các vụ kiện được đệ trình vào năm 2014 đã cáo buộc Đại học North Carolina phân biệt đối xử với các ứng viên người Mỹ gốc Á và người da trắng và cáo buộc Đại học Harvard thiên vị chống lại các ứng viên người Mỹ gốc Á.
Đại học Harvard và Đại học North Carolina cho biết họ chỉ sử dụng sắc tộc như một yếu tố trong một loạt các yếu tố đánh giá cá nhân để tuyển sinh mà không có hạn ngạch – được phép theo các tiền lệ của Tòa án Tối cao trước đây – và việc hạn chế cân nhắc yếu tố sắc tộc sẽ gây ra sự sụt giảm đáng kể số lượng sinh viên ghi danh từ các nhóm thiểu số.
Trong nhiều chục năm, chính sách hỗ trợ người thiểu số trong tuyển sinh đại học đã bị thưa kiện tới Tòa án Tối cao nhiều lần. Gần đây nhất là phán quyết của Tòa vào năm 2016 liên quan đến một sinh viên da trắng, được hậu thuẫn bởi ông Blum, người đã kiện Đại học Texas sau khi bị từ chối nhập học.
Tòa án Tối cao đã nghiêng sang cánh hữu kể từ năm 2016. Cựu Tổng thống Donald Trump ngày 29/6 ca ngợi phán quyết của Tòa là “một ngày tuyệt vời cho nước Mỹ.”
Nhiều tổ chức giáo dục đại học, tập đoàn và các nhà lãnh đạo quân sự từ lâu đã ủng hộ chính sách hỗ trợ người thiểu số trong các trường đại học không chỉ đơn giản là khắc phục sự bất bình đẳng sắc tộc mà còn để đảm bảo nguồn nhân tài có thể mang lại nhiều khía cạnh đa dạng cho nơi làm việc và lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.
Ông Biden, đang tìm cách tái đắc cử vào năm 2024, khuyến nghị rằng các trường đại học nên cân nhắc nhiều yếu tố khi nhận sinh viên bao gồm hoàn cảnh kinh tế hoặc những khó khăn mà họ phải đối mặt, bao gồm cả sự phân biệt chủng tộc.
“Tôi tin rằng các trường đại học của chúng ta sẽ mạnh hơn khi chúng đa dạng về chủng tộc. Quốc gia của chúng ta mạnh hơn…bởi vì chúng ta đang khai thác hết các tài năng ở quốc gia này,” ông Biden nói thêm.
Lịch sử nước Mỹ
Hoa Kỳ là một quốc gia từ lâu đã đấu tranh với các vấn đề về chủng tộc, bắt nguồn từ lịch sử chế độ nô lệ của người da đen chỉ kết thúc sau một cuộc nội chiến, phong trào dân quyền những năm 1950 và 1960, và trong những năm gần đây là các cuộc biểu tình đòi công lý chủng tộc theo sau các vụ cảnh sát làm thiệt mạng người da đen.
Trong một cuộc thăm dò hồi tháng 5 của Reuters/Ipsos, 49% số người được hỏi đồng ý rằng “do sự phân biệt chủng tộc, các chương trình hỗ trợ người thiểu số là cần thiết để giúp tạo ra sự bình đẳng”, trong khi 32% không đồng ý và 19% không chắc chắn.
Phán quyết của Tòa không nói rõ là Tòa bác bỏ tiền lệ mang tính bước ngoặt trong việc duy trì chính sách cân nhắc yếu tố sắc tộc khi tuyển sinh.
Ông Blum ăn mừng phán quyết mà ông đã tìm kiếm từ lâu, nói rằng nó “đánh dấu sự khởi đầu của việc khôi phục giao ước pháp lý không phân biệt màu sắc vốn gắn kết đất nước đa chủng tộc, đa sắc tộc của chúng ta.”
“Án lệ phân cực, kỳ thị và không công bằng cho phép các trường cao đẳng và đại học sử dụng chủng tộc và sắc tộc của sinh viên như một yếu tố để nhận hay không nhận họ nay đã bị bác bỏ. Những tập tục tuyển sinh phân biệt đối xử này đã làm suy yếu tính toàn vẹn của luật dân quyền của đất nước chúng ta,” ông Blum nói (VOA).