Các thành viên Hội nhà báo Độc lập Việt Nam từ trái sang: Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, và Phạm Chí Dũng tại phiên tòa ngày 5/1/2021.
Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của LHQ (UNWGAD) vừa đưa ra kết luận trong bản ý kiến số 16/2023 liên quan đến trường hợp của ông Nguyễn Tường Thụy, cho rằng việc chính quyền Việt Nam bắt giữ ông là “Tùy tiện”, theo thông cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc khu vực Đông Nam Á.
UNWGAD nhận thấy việc giam giữ ông Tường Thụy là “tùy tiện”, “tước đoạt quyền tự do” của ông vi phạm Điều 9 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), và việc kết án ông vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của công ước này và Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền.
Ngoài ra, nhóm này còn cho rằng ông Thuỵ không được xét xử một cách công bằng như quy định bởi Điều 14 của ICCPR và Điều 11 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền.
Nhóm làm việc yêu cầu Chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cần thiết để khắc phục tình trạng của ông Tường Thụy ngay lập tức và phù hợp với chuẩn mực quốc tế có liên quan, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc khu vực Đông Nam Á cho biết hôm 15/6.
Theo UNWGAD, biện pháp khắc phục thích hợp sẽ là trả tự do cho ông Tường Thụy “ngay lập tức” và trao cho ông quyền có thể thi hành để được bồi thường và các khoản bồi thường khác, phù hợp với luật pháp quốc tế. Vì vậy, nhóm UNWGAD kêu gọi Chính phủ Việt Nam có hành động khẩn cấp để đảm bảo “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho ông Tường Thụy.
Trong phần ý kiến, UNWGAD lưu ý rằng vụ việc hiện tại là một trong số các vụ việc được đưa ra trước Nhóm công tác trong những năm gần đây liên quan đến việc tước đoạt tùy tiện quyền tự do của con người, đặc biệt là những người bảo vệ nhân quyền, ở Việt Nam.
“Nhiều trường hợp trong số này tuân theo mô hình bắt giữ quen thuộc không tuân thủ các quy tắc quốc tế, giam giữ kéo dài trước khi xét xử mà không có luật sư bào chữa thăm gặp, hạn chế tiếp cận với tư vấn pháp lý, biệt giam, truy tố theo các tội hình sự có lời lẽ mơ hồ vì thực hiện ôn hòa quyền con người, kết án không tương xứng và từ chối tiếp cận với thế giới bên ngoài và điều trị y tế”, bản ý kiến đề ngày 18/5 viết.
“UNWGAD lo ngại rằng mô hình này cho thấy một vấn đề mang tính hệ thống với việc giam giữ tùy tiện ở Việt Nam, nếu tiếp tục, có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”, các chuyên gia nhân quyền LHQ nhận định.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về nhận định của nhóm UNWGAD nhưng chưa được phản hồi.
Bà Phạm Thị Lân, vợ ông Thụy, nói với VOA rằng bà đồng tình với bản ý kiến của các chuyên gia LHQ, xem đó như một điều động viên cho gia đình nhưng bà không lạc quan lắm về việc ông Thụy sẽ được sớm tự do.
Từ Hà Nội, bà Lân chia sẻ:
“Tất nhiên, đó là một lời động viên rất là lớn và cũng đem lại sự hy vọng về sự can thiệp của LHQ để cho ông Thụy nhà tôi được trả tự do.
“Nhưng cái hy vọng này rất nhỏ nhoi vì không biết chính phủ Việt Nam có biết lắng nghe hay không, hay có cái gì đó để người ta nhận thấy cái sai của mình, và công nhận cái sai của mình thì người ta mới thả ông xã, chứ còn nếu mà như tình hình như hiện nay thì LHQ lên tiếng thì cứ lên tiếng vậy chứ chính phủ Việt Nam chẳng có sự nhượng bộ”.
Ông Nguyễn Tường Thụy, 73 tuổi, là một nhà hoạt động nhân quyền, một blogger và một nhà báo. Là một phần trong công việc báo chí của mình, ông đã viết về các vấn đề nhân quyền trong nước và cũng ủng hộ tự do báo chí và tự do ngôn luận.
Ông bị bắt vào tháng 5/2020 đang thụ án tù 11 năm với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” tại trại giam An Phước ở tỉnh Bình Dương. Sau khi mãn án tù, ông sẽ phải chấp hành ba năm quản chế.
Trước khi bị bắt, ông viết blog về các vấn đề dân quyền và tự do ngôn luận cho ban tiếng Việt của Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong 6 năm.
Năm 2014, ông đến Hoa Kỳ để điều trần trước Hạ viện về các vấn đề đã được ghi chép đầy đủ liên quan đến tự do báo chí ở Việt Nam. Ông Nguyễn Tường Thụy là thành viên của Hội Anh em Dân chủ và là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một tổ chức xã hội dân sự gồm hơn 70 nhà báo. Hội này đăng các bài báo về vi phạm nhân quyền, bao gồm tham nhũng có hệ thống, ô nhiễm lan rộng và phản ứng của Chính phủ đối với các thảm họa môi trường khác nhau trong nước, theo UNWGAD.
Ông Thụy, cùng với nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn, bị đưa ra xét xử và kết án hồi đầu năm 2021 ngay trước thềm Đại hội 13 của Đảng Cộng sản. Cả ba người đều là thành viên của Hội nhà báo Độc lập và bị buộc tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” trong phiên tòa sơ thẩm ngày 5/1/2021 (VOA).