Friday, November 22, 2024
No menu items!
spot_img
HomeBình LuậnPhân TíchChính quyền thiếu cơ sở khi cáo buộc Hội thánh Tin Lành...

Chính quyền thiếu cơ sở khi cáo buộc Hội thánh Tin Lành đấng Christ trong vụ việc Tây Nguyên

Nhưng có hàng trăm lý do để hợp pháp hóa việc trấn áp.

Thanh Nguyễn

Đồ họa: Tùy Phong/ Luật Khoa.

Gần đây, kênh YouTube của Công an tỉnh Đắk Lắk đã đăng hàng loạt các video về vụ nổ súng vào đồn công an tại tỉnh này, bao gồm cả video tự thú của các nghi phạm.

Tuy nhiên, cùng với khoảng thời gian đăng các video đó, kênh này đăng một video về Hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên, một tổ chức tôn giáo mà chính quyền không cho phép đăng ký, và bị cáo buộc là tổ chức phản động. [1]

Người xem nếu chưa đủ thông tin sẽ dễ dàng nghĩ rằng hội thánh có liên quan đến vụ việc chấn động vừa qua. Sự thật về hội thánh này như thế nào?

Chưa có nghi phạm nào khai tấn công vì lý do tôn giáo

Cho đến nay, chưa có thông tin nào khẳng định vụ tấn công tại tỉnh Đắk Lắk có liên quan đến yếu tố tôn giáo.

Trong lời nhận tội của các nghi phạm không thấy nhắc đến tôn giáo. Nội dung của nó được thống nhất một cách đơn giản là các nghi phạm rủ nhau tấn công vào đồn công an.

Đến nay, động cơ cụ thể của vụ án này vẫn chưa được khẳng định.

Việc kênh YouTube của Công an tỉnh Đắk Lắk đăng xen một phóng sự về hội thánh ngay trong lúc quá trình điều tra đang diễn ra, đặc biệt là khi chưa có bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ của hội thánh, là một hành động cố ý gây ra sự liên tưởng sai lệch cho dư luận.

Chưa có đủ bằng chứng cụ thể để cáo buộc 

Trong video về Hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên, Công an tỉnh Đắk Lắk đã cáo buộc hội thánh là tổ chức phản động, lôi kéo người dân hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.

Tuy nhiên, video không đưa ra bằng chứng cụ thể nào về cáo buộc này.

Theo video, một người khẳng định anh đã tham gia các khóa học nhân quyền của hội thánh do các thành viên tại Mỹ tổ chức trực tuyến. Người này khẳng định mục tiêu cuối cùng của khóa học là nhằm lật đổ chính quyền.

Dù cáo buộc như vậy nhưng video chỉ nói rằng các tín đồ đã được học về cách viết báo cáo vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo, đào tạo kỹ năng hoạt động xã hội dân sự, thu thập thông tin về vi phạm nhân quyền.

Đây rõ ràng chỉ là những hoạt động vận động nhân quyền ôn hòa chứ không phải việc sử dụng vũ lực tấn công vào các cơ quan nhà nước.

Một người khác được cho là mục sư khẳng định trong video rằng Hội thánh Tin Lành đấng Christ có tiền thân là Tin Lành Đề-ga. Hội thánh này có mục tiêu là lật đổ chính quyền hiện tại để thành lập chính quyền Đề-ga tự trị nhưng cũng không nêu ra bằng chứng cụ thể nào.

Hiện nay, Hội thánh Tin Lành đấng Christ là một trong các tổ chức tôn giáo bị chính quyền Việt Nam truy đuổi gắt gao. Gần đây, một số thành viên của hội thánh đã bị bắt vì tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Sự thật về các khóa học của Hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên

Trong video của công an tỉnh Đắk Lắk, xuất hiện hình ảnh của ông Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch tổ chức nhân quyền Ủy ban cứu Người vượt biển (BPSOS) có trụ sở tại Mỹ.

BPSOS chính là tổ chức đã thực hiện các khóa học dành cho thành viên của Hội thánh Tin Lành đấng Christ mà video đã đề cập đến.

Trả lời phỏng vấn với Luật Khoa, ông Nguyễn Đình Thắng khẳng định cáo buộc của video về khóa học là hoàn toàn vu khống. BPSOS bắt đầu thực hiện khóa học này từ năm 2015 nhằm nâng cao năng lực bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức cộng đồng.

Ông cho biết: “Điều kiện để tham gia khóa học là tuyệt đối không bạo động, không gây hại cho mình hay cho ai khác, không tham gia tổ chức hoặc đảng chính trị, không tham gia sinh hoạt hay sự kiện của các tổ chức hoặc đảng phái chính trị.”

Nội dung của các khóa học này giúp cho người học hiểu rõ về quyền của mình, báo cáo các vi phạm nhân quyền theo luật Việt Nam và quốc tế, cách điều hành dự án dân sinh, các kỹ năng hoạt động xã hội, v.v. Ông Thắng cho rằng nội dung của các khóa học rất thông thường và có thể học ở bất kỳ đại học nào tại Mỹ, BPSOS chỉ điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình tại Việt Nam.

Hội thánh bị xem là “thách thức độc quyền lãnh đạo” của đảng và nhà nước

Mục sư Aga, nhà sáng lập Hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên, nói với đài RFA rằng hội thánh của ông cũng giống như các hệ phái Tin Lành khác, không có ý định xây dựng lực lượng để chống phá chính quyền Việt Nam. [2]

Ông Aga và gia đình đến Thái Lan tị nạn vào khoảng năm 2012 sau thời gian bị chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo.

Năm 2018, trong lúc bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ để chuẩn bị trục xuất về Việt Nam, chính quyền Mỹ đã can thiệp để ông và gia đình được định cư tại Mỹ.

Trả lời vì sao chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp hội thánh, ông Nguyễn Đình Thắng cho biết hội thánh đã nộp nhiều báo cáo vi phạm nhân quyền lên Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ và các đại sứ quán tại Việt Nam.

“Đảng và nhà nước cộng sản ở Việt Nam không chấp nhận một tổ chức của người dân tăng nội lực và tăng thế đứng quốc tế, xem đó là thách thức độc quyền lãnh đạo của họ,” ông Thắng nhấn mạnh.

Kỹ thuật trấn áp các tổ chức tôn giáo của chính quyền

Chính quyền Việt Nam rất thuần thục trong việc tìm lý do để trấn áp các tổ chức tôn giáo. Việc độc quyền về truyền thông, cấm cản báo chí độc lập, đã giúp cho chính quyền dễ dàng tuyên truyền thông tin sai lệch.

Mục tiêu của chính quyền là nhằm xóa bỏ các tổ chức tôn giáo độc lập, tự phát, khó kiểm soát dù tổ chức đó chỉ thuần túy sinh hoạt tôn giáo.

Chính quyền có hàng trăm lý do để hợp pháp hóa việc trấn áp bất kỳ tổ chức tôn giáo nào mà họ muốn.

Những tổ chức tôn giáo nào thực hiện các hoạt động lên tiếng về nhân quyền thì bị cáo buộc là chống nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Còn các tổ chức tôn giáo chỉ thuần túy hoạt động tôn giáo, không hề lên tiếng dù bị trấn áp, cũng không thể thoát khỏi. Ví dụ như Hội thánh Đức Chúa Trời bị cho là đi ngược lại với tục lệ thờ cúng truyền thống, lừa đảo người dân đóng góp số tiền dựa trên thu nhập, v.v. Trong khi đó, việc đóng góp tài chính theo tỷ lệ thu nhập cho tổ chức tôn giáo là một thực hành phổ biến. Hoặc Pháp Luân Công bị cho là gây hại đến sức khỏe của người dân, nhưng bộ môn này lại hợp pháp ở rất nhiều nước.

Hay đơn giản hơn, chính quyền chỉ cần viện dẫn lý do “làm phức tạp tình hình an ninh trật tự”, điển hình như các tín đồ đạo Dương Văn Mình. Các tín đồ này sinh hoạt tôn giáo rất ôn hòa, chính quyền thường là bên gây hấn trước để tạo ra những vụ gây rối nhằm xóa bỏ tôn giáo này.

Việc chính quyền Việt Nam không khoan dung với quyền tự do tôn giáo chính là cách nuôi dưỡng những mầm mống gây ra các xung đột, căng thẳng cho chính nhà nước (LKTC).

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments