Saturday, November 23, 2024
No menu items!
spot_img
HomeUncategorizedBinh biến khiến cuộc chiến của Nga ở Ukraine trở nên rệu...

Binh biến khiến cuộc chiến của Nga ở Ukraine trở nên rệu rã?


Ông Prigozhin lãnh đạo cuộc binh biến ở Nga hôm 24/6

Binh lính mất tinh thần, chỉ huy chia rẽ, nội bộ lục đục, lực lượng suy yếu là những hậu quả mà đội quân xâm lược của Nga ở Ukraine sẽ gánh chịu sau hành vi tạo phản bất thành của lực lượng lính đánh thuê Wagner do ông Yevgeny Prigozhin đứng đầu, các nhà quan sát nhận định.

Cuộc nổi loạn ngắn ngủi của đội quân Wagner hôm 24/6 đã chiếm được trụ sở của Quân khu phía Nam ở thành phố Rostov-on-Don. Sau đó, đoàn quân của ông Prigozhin đã tiến về thủ đô Moscow nhưng cuối cùng đã lui binh khi chỉ còn cách hơn 200km sau khi ông Prizoghin đạt được thỏa thuận ‘tránh đổ máu’ với sự trung gian của Tổng thống Belarus Alyaksandr Lukashenko.

‘Quân Nga suy yếu’

Mặc dù cuộc nổi loạn chỉ diễn ra ngắn ngủi, nhưng hậu quả của nó có thể sẽ rất sâu sắc, với những hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc xâm lược Ukraine vốn đang rệu rã, ông Peter Dickinson, biên tập viên của chương trình Cảnh báo Ukraine của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), nhận định trong một bài phân tích đăng trên trang nhà của Hội đồng.

Theo phân tích của chuyên gia này thì hậu quả thực tế rõ ràng nhất của là vị thế của quân Nga đang chiến đấu ở Ukraine bị suy yếu khi mà hơn 20.000 lính Wagner được cho là đã rút khỏi Ukraine để tham gia binh biến, tức khoảng 5% toàn bộ lực lượng xâm lược Nga. Điều quan trọng là đây là những đơn vị chiến đấu hiệu quả nhất của quân Nga và đứng sau hầu hết các bước tiến mà quân Nga đạt được trên chiến trường trong năm qua.

Mặc dù nhiều chiến binh Wagner cũng có thể trở lại tiền tuyến và có thể được đưa vào quân đội chính quy Nga tùy thuộc vào bản chất chính xác của thỏa thuận mà ông Prigozhin đạt được, tuy nhiên các đồng đội và chỉ huy mới của họ sẽ nhìn họ với cặp mắt nghi ngờ cực độ và sẽ tìm cách hạn chế hoạt động của họ trên chiến trường.

“Cho dù có chuyện gì sẽ xảy ra đi nữa, việc đoàn quân Wagner dẫn đầu cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine dường như đã chấm dứt,” ông Dickinson phân tích.

Bên cạnh đó, cuộc nổi dậy cũng đã cho thấy bản thân nước Nga không thể tự vệ như thế nào. Quân Wagner phải mất gần một năm mới chiếm được Bakhmut, một thành phố nhỏ của Ukraine nhưng chỉ mất vài giờ đã chiếm được thành phố Rostov-on-Don vốn lớn hơn Bakhmut gần 20 lần. Khả năng phòng thủ kém cỏi của Nga càng bị phơi bày trước đà tiến không hề gặp trở ngại của đạo quân thiết giáp của ông Prigozhin.

Giờ đây, ông Putin phải khẩn trương thực hiện các bước để ngăn chặn một lãnh chúa đầy tham vọng khác hoặc quân Ukraine phát động chiến dịch bên trong lãnh thổ Nga. Ông ta sẽ đào đâu ra quân và trang bị cho việc này? “Khi mà phần lớn quân đội Nga hiện đang triển khai ở Ukraine. Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm quân ở Ukraine để đối phó các vấn đề an ninh nghiêm trọng bên trong đất nước,” phân tích gia này lập luận.

Bộ máy quân sự và an ninh rộng lớn của Nga giờ đây cũng sẽ phải truy tìm những kẻ phản loạn, việc này chắc chắn sẽ khiến họ xao nhãng và mất đi nguồn lực tập trung cho chiến trường Ukraine, cũng theo lời ông Dickinson viết trên Atlantic Council.

Đấu đá nội bộ giữa các phe phái đã làm suy yếu quân Nga trong suốt cuộc xâm lược ở Ukraine, và xu hướng này giờ đây sẽ càng tồi tệ hơn khi chính quyền Nga tìm cách xử lý các cảnh sát trưởng, quan chức địa phương và chỉ huy quân sự vốn chỉ đứng nhìn hoặc kín đáo ủng hộ hành vi phản loạn của Wagner.

Cuộc nổi loạn đã đặt ra một số câu hỏi cơ bản về khả năng lãnh đạo của ông Putin. Người ta đã không thấy ông đâu trong những giờ đầu tiên của cuộc khủng hoảng, và ông ta chỉ xuất hiện vào sáng hôm sau trong một bài phát biểu ngắn trên tivi trước quốc dân. Ông Putin dường như cũng đã bị gạt ra ngoài trong các cuộc đàm phán với Prigozhin và để cho nhà độc tài Belarus, Tổng thống Alyaksandr Lukashenko, cầm trịch.

Cuộc tạo phản đã làm mất mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin công khai, khiến ông trông yếu hơn bất kỳ thời điểm nào trong suốt thời gian cầm quyền 23 năm qua, ông viết.

‘Mất tinh thần’

Theo ông Dickinson tác động quan trọng nhất của cuộc binh biến có thể là nhuệ khí của quân Nga. Nhuệ khí đi xuống đã là vấn đề nghiêm trọng đối với đạo quân xâm lược của ông Putin, với một loạt các video trên mạng xã hội trong nửa đầu năm 2023 cho thấy sự bất mãn lan rộng của quân Nga về việc dùng biển người để tấn công và tổn thất thảm khốc. “Tinh thần chiến đấu giờ đây sẽ càng suy sụp hơn nữa khi binh lính Nga đặt nghi vấn về lòng trung thành của các tư lệnh của họ và toàn bộ chính nghĩa của cuộc xâm lược,” ông viết.

Trước thềm cuộc binh biến, ông Prigozhin đã cho đăng một bài phát biểu video mà trong đó ông cáo buộc Điện Kremlin cố tình đánh lừa công chúng Nga để biện minh cho cuộc chiến ở Ukraine. Thủ lĩnh Wagner, vốn được nhiều người ở Nga coi là một trong số ít các nhà bình luận đáng tin cậy ở đất nước này, đã bác bỏ các nội dung chủ chốt trong lời tuyên truyền của Điện Kremlin – rằng cuộc xâm lược ngăn chặn cuộc tấn công sắp xảy ra của Ukraine do NATO hậu thuẫn nhằm vào miền đông Ukraine và bán đảo Crimea. Ông Prigozhin cũng trực tiếp bác bỏ cáo buộc của Nga rằng quân Ukraine đã ném bom Donbas trong 8 năm trước cuộc xâm lược toàn diện. Thay vào đó, ông Prigozhin đổ lỗi cho tham vọng cá nhân của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và các nhà tài phiệt Nga là nguyên nhân gây ra cuộc chiến.

“Những phát biểu như vậy chắc chắn sẽ làm suy yếu tinh thần chiến đấu của quân Nga và khiến nhiều người đặt câu hỏi là họ đang chiến đấu vì cái gì ở Ukraine?” ông Dickinson phân tích. “Điều này từ lâu đã là một vấn đề đối với chính quyền Nga, vốn đã hết sức vất vả để nói rõ mục tiêu chiến tranh của họ sau những tuyên bố không có căn cứ về ‘phát xít Ukraine’ và ‘phương Tây đế quốc’.”

“Lời phát biểu hùng hồn của ông Prigozhin đã vạch trần những lời dối trá dùng để biện minh cho cuộc xâm lược và sẽ tiếp tục làm gia tăng bất mãn trong quân Nga đang chiến đấu và bỏ mạng trên chiến trường,” ông viết.

Cuộc binh biến Wagner cũng phơi bày sự chia rẽ sâu sắc trong giới quân sự và an ninh Nga, cho thấy mức độ trung thành thấp đáng kể với chế độ Putin, cũng theo nhận định của chuyên gia này. Ông chỉ ra khả năng ông Prigozhin có được sự ủng hộ từ bên trong quân đội Nga, vì ông ta đã có thể chiếm được Rostov-on-Don một cách dễ dàng. Binh đoàn thiết giáp của Wagner sau đó đã hành quân hàng trăm cây số giữa lòng nước Nga mà không gặp phải bất kỳ sự kháng cự đáng kể nào.

“Nếu binh lính và các chỉ huy Nga không sẵn sàng bảo vệ đất nước của họ, tại sao quân đội được triển khai đến Ukraine phải hy sinh vì một lý do đáng ngờ đến vậy? Nếu ông Prigozhin và đội quân của ông ta có thể không bị trừng trị sau khi tuyên chiến với nhà nước Nga, thì tại sao những người lính Nga động viên lại phải phải tuân theo mệnh lệnh cấp trên để đi vào chỗ chết ở Ukraine?” ông lập luận.

‘Nội bộ lộn xộn’

Trao đổi với VOA từ Ba Lan, ông Phan Châu Thành, một nhà quan sát theo dõi sát sao chiến sự ở Ukraine từ những ngày đầu, nhận định rằng hành động ‘gần như dâng trụ sở quân khu miền Nam cho quân nổi loạn’ của quân Nga trú đóng ở đó cho thấy nội bộ quân Nga đang lục đục đến mức nào.

“Nó cho thấy quân Nga bây giờ hoặc là thiếu người, bởi vì không có lực lượng nào đủ sức ngăn cản Wagner, hoặc là không muốn đánh nhau với Wagner và thậm chí là ủng hộ Wagner,” ông Thành nói với VOA.

Ông nhận định rằng trước việc Tổng thống Putin buộc phải thỏa hiệp với ‘một kẻ đầu trộm đuôi cướp như Prigozhin’ để dẹp binh biến thì một số tướng lĩnh Nga ‘sẽ bất mãn’.

“Họ sẽ bắt đầu nghi ngờ sự lãnh đạo tối cao của ông Putin: liệu ông ấy có đủ khả năng thuần phục các tướng lãnh hay không,” ông Thành nói.

Ông dự đoán nếu như thỏa thuận đòi ông Putin phải để cho Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov ra đi và đưa người khác lên lãnh đạo cuộc chiến ở Ukraine thì về lâu dài ‘chỉ huy của quân Nga sẽ rất lộn xộn’.

“Nếu thượng tầng thay đổi thì lính tráng bên dưới sẽ hỗn loạn, họ sẽ không biết chuyện gì xảy ra. Đi đánh trận mà thay tướng giữa chừng là một trong những điều tệ hại trong quân sự vì thay đổi toàn bộ hệ thống mệnh lệnh,” ông phân tích.

‘Wagner mất vai trò’

Khác với nhà phân tích Peter Dickinson, ông Phan Châu Thành cho rằng bây giờ cho dù lực lượng Nga mất đi đạo quân Wagner cho cuộc chiến ở Ukraine ‘cũng không sao’.

“Wagner là lực lượng chỉ dùng để tấn công, để đánh chiếm, chứ không phải lực lượng để phòng thủ một điểm vì họ không có kỷ luật,” ông giải thích và cho rằng do quân Nga hiện đang không tấn công nữa mà đang trên thế phòng thủ trước quân Ukraine nên ‘sự tham gia của Wagner cũng không có ích lợi gì lắm’.

Về khả năng quân đội Nga sẽ rối loạn nếu tiếp nhận đội quân Wagner vốn vô kỷ luật và có sự thù địch với quân chính quy Nga, ông Thành cho rằng quân đội Nga ‘sẽ chia nhỏ Wagner ra và nhét vào các đơn vị của họ’ thì họ sẽ ‘kiểm soát được Wagner’.

Trước tình hình này, theo ông Thành, nếu quân Ukraine có thể tạo ra một chiến thắng vang dội như ở Kherson hay Kharkiv trước đây thì ‘quân Nga sẽ tan rã hoàn toàn’

“Lúc này quân Nga đang rất hoang mang. Bây giờ mà Ukraine đánh mạnh, chỉ cần Nga vỡ trận một chỗ thì sẽ xảy ra hiệu ứng domino rất nhanh, họ sẽ không còn tinh thần chiến đấu nữa,” ông nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng phía Ukraine đang gặp khó khăn là ‘không quân yếu hơn Nga rất nhiều’ và ‘đang đối mặt với rất nhiều mìn do quân Nga rải ở mặt trận’.

“Quân Ukraine đang thiếu các phương tiện gỡ mìn nhanh chóng để tạo điều kiện cho quân của họ tiến lên,” ông nói thêm (VOA).

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments