Nguyễn Ngọc Diệp
Gia đình tôi khi rời Việt Nam. (ảnh: Nguyễn Ngọc Diệp)
Quá khứ! Bỗng dưng lại suy tư nhiều về quá khứ. Từng đợt sóng ký ức cứ dập dồn, chờn vờn dội về tâm khảm không thể nào cản nổi. Một mùi hương, một nhánh cây, thậm chí đến cả một cụm mây trời, đều gợi mở về khung trời kỷ niệm. Phải chăng đó là dấu hiệu của tuổi già hay là dấu hiệu của sự trưởng thành thật sự của nội tâm? Già là một trạng thái tâm lý chứ không chỉ là tuổi đời chồng chất hay sức lực bị bào mòn. Hay già là lúc chúng ta bắt đầu vỡ lẽ ra nhiều.
Điều uẩn khuất của quá khứ mà bấy lâu nay chìm ẩn tận đâu đâu trong tiềm thức? Có lẽ già đối với tôi là vậy, là khi mình bắt đầu nghiền ngẫm về quá khứ để mơ hồ hiểu rõ hơn về tương lai, là khi đọc lại những ghi chép của người đi trước để tìm ra những chỉ dấu cho mai sau.
Đọc! Đọc mãi để hiểu về quá khứ! Và viết như để nhắc nhở mình, như đóng lấy một dấu ấn hòng lưu lại cho chính cháu con của mình. Có biết bao điều muốn kể về những chặng đường ngổn ngang, đan chéo nhiều câu chuyện mà hôm nay tôi viết ra đây để ghi dấu chút lịch sử gia đình với những bước thăng trầm, những cơn hoạn nạn lắm lúc làm rơi nước mắt.
Xa quê hương vào tuổi cặp kê, tôi cùng gia đình đi tỵ nạn ở Hoa Kỳ theo diện H.O.17. Ngày chúng tôi đi, nội tôi lấy cái ghế bố nhựa đan xen hai sọc màu trắng xanh ngồi ngó ra bờ sông, gió thổi hiu hiu, ánh mắt nội buồn vời vợi… Bà im thin thít. Ai hỏi gì cũng nhứt định không nói.
Trong im lặng như có chút dỗi hờn, ray rứt, như là sự im lặng của tử biệt sanh ly, rồi sẽ vĩnh viễn xa rời con cháu. Cả lũ mèo như cũng cảm nhận được không khí biệt ly! Chúng quấn quýt nhau rồi lại cáu kỉnh ngoào nhau rất vô chừng. Bái từ ngoại, bái biệt nội, ba mẹ và chị em tôi khăn gói lên Sài Gòn ở nhờ nhà bà cô, chờ ngày lên máy bay. Thân bằng quyến thuộc ai cũng tỏ ra quyến luyến, ai ai cũng gởi gắm đầy tình thương và hy vọng vào chuyến đi đổi đời này.
Với hành trang chỉ vài bộ quần áo cho mỗi người và một ít quà tượng trưng cho người bảo trợ, với vỏn vẹn $400 dằn túi, vậy là gia đình chúng tôi rời Đất Mẹ tới xứ người! Giấc mơ Mỹ chào đón chúng tôi ở La Tỉnh, tên gọi ngày xưa của Los Angeles (LA) nhộn nhịp, với xe cộ chạy nhanh vùn vụt trên những cây cầu thênh thang, cao vút. Ngẩn ngơ trước cảnh tượng đầy mới mẻ đang bày ra trước mắt, tôi tự hỏi một cách ngây ngô “Cầu xa lộ nào cũng giống nhau, làm sao người ta có thể biết quẹo ở đâu?”
Từ LA, chúng tôi bay qua Texas (TX). Ấn tượng đầu tiên của tôi trước khi máy bay đáp xuống TX là bạt ngàn một màu xanh với rất nhiều đất đai và cây cối so với Cali.
Gia đình bác Năm Bang đón chúng tôi và đưa về nhà, thuộc khu giáo dân La Vang. Cộng đồng công giáo đón tiếp và cưu mang rất nồng hậu với nào là chỗ ở cho dân HO, nào là quần áo và vật dụng các thứ. Gia đình tôi rất biết ơn hai Bác Năm cùng các anh chị đã lo ăn ở, chở chúng tôi đi đây đó suốt thời gian dài thật ấm áp tình người nơi đất khách. Bác T. là giáo dân qua Mỹ năm 1975 có nhiều căn hộ mobile home cho mướn và cũng giúp đỡ những người mới nhập cư.
Sau khi rời nhà bác Bang, gia đình tôi mướn một căn hộ của bác T. với giá rẻ. Vì là nhà cũ nên lâu lâu có chuột, gián, hay không đủ sưởi ấm. Có một ngày Tết năm kia, trời mưa ngập khu nhà mobile home, vừa bước ra khỏi cửa tới trạm đón xe bus đi học, tôi “bắt một con ếch” thật to làm lấm lem cả quần áo. Có ai tưởng tượng nổi ở xứ Mỹ xa xôi hàng vạn dặm, có con bé miền sông nước bì bõm bắt ếch như hồi còn ở miền Tây Nam phần Việt Nam xa vời vợi?
Với số tiền mang theo, ba mẹ mua được chiếc xe Honda Accord giá $300 của chú M. Cuộc sống và giấc mơ Mỹ bắt đầu kể từ lúc ba tôi có xe. Ông đi làm phu xây dựng, sau đó được chú B. dẫn vô làm hãng tiện. Mẹ đạp xe đi giữ em bé một thời gian, có hôm nhờ bác C. đưa đón khi ba kẹt giờ làm. Sau đó thì em bé được đưa tới khu mobile home, mẹ coi bé tại nhà, chúng tôi thì đi học.
Lên lớp 11, tôi bắt đầu đi làm cuối tuần ở một hiệu thuốc để đỡ đần ba mẹ. Hai năm sau, gia đình nhận được cú điện thoại bất ngờ của dì Tư và một chị họ bên nội cho biết hung tin: Bà Nội mất! Bà bị nhồi máu cơ tim. Lúc sanh thời, tôi nhớ bà thường trăn trối với các cô “tao già khỏe lắm, tụi bây khỏi nuôi ngày nào”, hay “khi nào tao già bây đừng cho anh ba mày hay liền. Chôn cất xong xuôi hết hãy cho hay!” Các cô theo đó mà làm. Tôi chết điếng người khi hay tin! Đột ngột và bất ngờ quá! Ba không thể về đội tang nội vì nhà không có tiền! Chúng tôi cũng không thể nào mượn tiền ai để mua vé! Vậy là vĩnh biệt nội, vĩnh biệt ngàn thu! Vĩnh viễn xa nội từ khi xa xứ! Đó là cái giá đẫm nước mắt đầu tiên của những người lưu vong như chúng tôi.
Tôi đã khóc hết nước mắt một thời gian dài và nhiều năm sau vẫn còn chảy nước mắt trong giấc ngủ trước khi mở mắt, vì mơ thấy nội! Và cứ mỗi mùa Noel tôi lại rất tủi thân, sao nhà người ta đông đúc ấm cúng mà nhà tôi vừa thưa người vừa thiếu thốn, trống vắng thế kia?
Nhưng rồi thời gian qua đi, chúng tôi cũng quen dần vì mãi quay cuồng với cuộc sống!
College Station cách Houston tiếng rưỡi đồng hồ. Texas A& M College of Engineering, phân khoa Electrical là ngành tôi ghi danh học. Lúc đó các gia đình HO qua rất đông, mấy anh chị đa số đều xong đại học bên Việt Nam nên sang đây học rất giỏi, điểm cao, ra trường có việc liền tay, với mức lương rất hậu hĩnh. Bốn chị em bạn chúng tôi cùng nhau mướn một căn trong cư xá trên đường Nagle. Trước mặt và bên kia đường là hai khu cũng có rất đông các anh Việt Nam ở trọ.
Các anh chị coi tôi như một đứa em, có đồ ăn ngon hay chia cho và tối tối đưa tôi về nhà. Mỗi bữa ăn tối xong, chúng tôi kéo nhau vô giảng đường trống, học nhóm tới khuya tận 2, 3 giờ sáng. Trong túng thiếu, là con cả, tôi thấy có trách nhiệm với gia đình để lo cho em nên chỉ muốn học gì không quá lâu, vì vậy tôi đã không chọn ngành y.
Tôi ra trường kỹ sư và nhận công việc đầu đời: Intel Oregon, làm về ethernet controller. Tôi cũng có chút tự hào. Intel: thế giới của nam giới! Mỗi phiên họp, nam giới chiếm tới hơn 80% và tôi là một trong những kỹ sư nữ hiếm hoi. Mỗi lần vô trễ, tôi sợ bị trêu chọc lắm đa! Ở đó, tôi được may mắn làm việc chung và học hỏi từ những kỹ sư giỏi nhứt hành tinh gốc Do Thái và Nhựt Bổn. Giờ thì sự nghiệp vàng son đã bỏ lại sau lưng, nhưng những bài học để đời là vô giá.
Công việc ấy cũng đã cho tôi cơ hội đi quanh các nước Á Châu, những thành phố lớn như Đông Kinh, Kyoto, Thượng Hải, Thẩm Quyến, Đài Bắc hay Singapore, Mã Lai Á, Hong Kong mà theo tôi xứ sở và con người Nhựt Bổn là nơi có nền văn minh tiến bộ nhứt Á Châu! Ở Nhật, lần đầu tiên tôi thấy phòng vệ sinh không xài giấy mà chỉ xịt nước! Rất tiện lợi và sạch sẽ. Còn trên xe điện mọi người đều im lặng, không làm phiền ai cả! Rồi đảo Penang, Mã Lai Á và xa xa ở cuối chân trời kia là Việt Nam. Thật chạnh lòng khi nghĩ về và so sánh với Việt Nam của tôi! (Còn tiếp)
(Chuyện ngày xưa – Chuyện ngày nay)