Con trai út của Aung San Suu Kyi trả lời truyền thông quốc tế lần đầu tiên
Con trai út của nhà lãnh đạo Mymanmar bị lật đổ kêu gọi quân đội trả tự do cho bà.
“Tôi không thể để mẹ tôi héo mòn trong tù,” ông Kim Aris nói với BBC Burmese trong một cuộc phỏng vấn độc quyền tại London, và kêu gọi thế giới hành động hơn nữa để giúp đỡ bà.
Bà Suu Kyi bị tuyên 33 năm tù trong một loạt phiên xét xử sau một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của bà vào năm 2021.
Myanmar kể từ đó rơi vào một cuộc nội chiến. Hàng ngàn người đã thiệt mạng.
Ông Aris, công dân Anh, nói rằng quân đội không cung cấp cho ông thông tin gì về mẹ ông cũng như tình hình sức khỏe của bà. Ông nói ông đã cố gắng liên lạc với Đại sứ quán Myanmar, Văn phòng Đối ngoại Anh và Hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế, nhưng không ai có thể giúp.
“Trước đó, tôi đã không muốn nói gì với truyền thông hoặc liên quan quá sâu vào việc này,” ông Aris nói trong cuộc phỏng vấn lần đầu tiên với truyền thông quốc tế.
Ông đã không phát biểu gì khi mẹ ông bị giam gần 15 năm trong khoảng thời gian từ 1989 và 2010.
“Thật tốt là tôi đã tránh xa chính trị. Mẹ tôi chưa từng muốn tôi dính dáng đến nó. Nhưng hiện nay mẹ tôi đang bị tù, và quân đội rõ ràng đã vô lý, tôi nghĩ tôi có thể nói điều tôi muốn.”
Được trao giải Nobel Hòa bình, bà Suu Kyi là một trong những biểu tượng dân chủ hàng đầu thế giới. Bà được trả tự do sau gần 15 năm bị cầm tù vào năm 2010. Sự kiện này được chào đón tại Myanmar và khắp thế giới. Nhưng sau đó bà bị chỉ trích vì đã bảo vệ đất nước bà chống lại các cáo buộc diệt chủng tại Tòa án Công lý của Liên Hiệp Quốc (ICJ) sau những khẳng định rộng khắp rằng Myanmar đã phạm tội ác tàn bạo với người Hồi giáo Rohingya trong thời gian chính phủ của bà nắm quyền. Gần một triệu người Rohingya đã chạy khỏi Myanmar trong những năm gần đây, và hiện sống như người tỵ nạn tại nước láng giềng Bangladesh.
Ông Aris không trả lời câu hỏi của BBC về các chỉ trích mà mẹ ông phải đối mặt trước cuộc đảo chính, mà thay vì thế, muốn tập trung vào vấn đề hiện nay của bà.
Bà Suu Kyi, bị quản thúc tại gia sau cuộc đảo chính, sau đó bị đưa vào khu biệt giam tại một nhà tù ở thủ đô Nay Pyi Taw. Trong suốt hai năm qua, gần như không có tin tức gì về bà. Có tin đồn rằng bà đang bị bệnh, nhưng quân đội phủ nhận thông tin này.
Ông Aris cũng thúc giục cộng đồng quốc tế giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar, nơi con số người chết do chiến tranh tiếp tục tăng khi quân đội sử dụng các vũ khí sát thương và các cuộc không kích để nghiền nát phe phản kháng.
Ông nói cộng đồng quốc tế cần bắt đầu “làm điều gì đó, bao gồm đưa ra một lệnh cấm vũ khí đối với quân đội, và thậm chí ủng hộ những người đang cố gắng chống lại quân đội.”
Bất chấp lệnh cấm vận và sự cô lập quốc tế, Myanmar tiếp tục nhập khẩu vũ khí, và vật liệu thô để chế tạo vũ khí.
Ông nói thêm rằng cộng đồng quốc tế cũng cần “bắt đầu vận động một cách mạnh mẽ hơn” cho việc trả tự do cho mẹ mình. Ông cũng thúc giục thế giới cung cấp “hỗ trợ cần thiết cho người dân Myanmar đang vật lộn trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay… mà không có sự giúp đỡ nào, hơn là từ chính người dân Myanmar”.
Ông Aris và anh trai gần như hoàn toàn xa mẹ từ năm 1988, khi bà Suu Kyi rời Anh, quay trở lại Myanmar để chăm sóc mẹ bà khi đó đang bệnh.
Là con gái của anh hùng độc lập, Tướng Aung San, bà nổi lên như một lãnh đạo của phong trào ủng hộ dân chủ chống lại chế độ độc tài quân sự. Bà đồng sáng lập Liên đoàn Quốc gia Vì Dân chủ (NLD), nhưng bị quản thúc tại gia năm 1989.
Năm 1991, khi bà không thể rời Myanmar do lo ngại không thể quay lại, ông Aris, lúc đó 14 tuổi, đã nhận giải thưởng Nobel Vì hòa bình thay bà. Bà không trở lại gặp chồng cho tới khi ông chết vì ung thư vào năm 1999.
Ông Aris cuối cùng đã đến thăm bà vào năm 2010 khi bà được trả tự do. Trước khi ông rời đi, ông tặng bà một chú cún mà ông mua ở chợ tại Yangon.
“Nó là con cún duy nhất thực sự tỉnh táo trong số các con cún khác trong cũi… Vì thế nó là con cún trở về nhà với tôi hôm đó,” ông nhớ lại. “Và kể từ đó, nó luôn chứng minh là một bạn đồng hành trung thành của mẹ tôi.”
Năm 2015, bà Suu Kyi trở thành lãnh đạo được bầu sau khi lãnh đạo NLD giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tự do lần đầu tiên tại Myanmar trong vòng 25 năm. Bất chất bị thất sủng, bà tiếp tục trở thành nhân vật vô cùng nổi tiếng đối với người dân Myanamr.
Chú chó Taichito vẫn còn sống và ông Aris tự tin rằng ông sẽ sớm đoàn tụ với bà Suu Kyi.
“Quân đội sẽ không chiến thắng trong cuộc chiến tranh này. Đó chỉ là vấn đề nó sẽ kéo dài bao lâu nữa,” ông nói. “Họ trao lại quyền lực cho mẹ tôi và chính phủ được bầu cử dân chủ sớm chừng nào, mọi việc có thể bắt đầu phát triển sớm chừng đó ở Myanmar.”
Sandar Win và Moe Myint là phóng viên BBC Burmese tại London (BBC).