Thursday, November 21, 2024
No menu items!
spot_img
HomeBình LuậnPhân TíchNguồn gốc bạo loạn Tây Nguyên và tội ác của chính quyền

Nguồn gốc bạo loạn Tây Nguyên và tội ác của chính quyền

Tùng Phong

Cái nghèo luôn đeo bám dai dẳng các cộng đồng thiểu số ở Tây Nguyên, khi họ không chỉ bị cưỡng chiếm đất rừng mà còn bị tước đoạt cả văn hóa (ảnh: báo Dân Tộc và Phát Triển)

 (Tiếp theo)

Xung đột về tôn giáo và tín ngưỡng

Người Thượng Tây Nguyên có đức tin riêng, họ tin vào Giàng và những thần linh Tự Nhiên ẩn trú trong những khu rừng nguyên sinh. Văn hóa thảo mộc của người Thượng gắn liền với Rừng và Rừng cung cấp nguồn sống cho họ. Bị tách khỏi rừng, những cộng đồng dân tộc Tây Nguyên đang vong bản về văn hóa và dần dần tiêu biến giống như sắc dân Mon Khmer, Chiêm Thành trong quá khứ.

Bên cạnh tín ngưỡng có từ ngàn đời nay, người Thượng còn là những con chiên sùng kính Đức Chúa Trời. Thiên chúa giáo đã du nhập vào Tây Nguyên theo bước chân của các nhà truyền đạo Tây Phương trước khi người Pháp khai đặt hệ thống quyền lực hành chính ở vùng đất này. Đạo Tin Lành du nhập vào Tây Nguyên từ cuối những năm 20, 30 của thế kỷ trước cùng với Phật giáo Hòa Hảo. Từ đầu những năm 1990 trở đi, đạo Tin Lành phục hồi và phát triển nhanh trong nhiều vùng người Thượng Tây Nguyên. Đến Tháng Mười Hai 2020, số lượng tín đồ đạo Tin Lành ở năm tỉnh Tây Nguyên là 529,410 người, trong đó tín đồ là người dân tộc thiểu số khoảng 511,450 người. Có thể thấy Tây Nguyên là nơi phong phú các tôn giáo cùng tồn tại và phát triển.

Tuy nhiên, việc các tôn giáo như Tin Lành, Thiên Chúa giáo, Phật giáo Hòa Hảo không nằm trong vòng kiểm soát của nhà cầm quyền Việt Nam phát triển số lượng tín đồ đã khiến cho giới chức chính quyền cộng sản lo ngại.

Các cuộc đàn áp tôn giáo được ghi nhận ở mức độ nghiêm trọng trong những năm gần đây đã khiến cho Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào “Danh sách theo dõi đặc biệt về quyền tự do tôn giáo” vào ngày 4 Tháng Mười Hai 2022. Ngày 3 Tháng Năm 2023, thậm chí Hoa Kỳ còn muốn đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia “đáng quan ngại về tự do tôn giáo”.

Đó không phải chỉ là những lời cảnh báo suông. Việc bị đưa trở lại vào danh sách các quốc gia đàn áp về tôn giáo, tự do báo chí và vi phạm nhân quyền sẽ khiến cho Việt Nam mất đi cơ hội tiếp cận những nguồn hỗ trợ tài chính và đầu tư quốc tế quan trọng để chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch và tiếp cận các công nghệ tiên tiến của Tây phương. Điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang suy thoái nghiêm trọng.

Tuy vậy, quan sát cách hành xử của giới chức Việt Nam đối với những nhà bất đồng chính kiến trong thời gian qua, cũng như việc gia tăng đàn áp tôn giáo ở Tây Nguyên, tôi rất ngạc nhiên. Bởi dường như giới chức cộng sản Việt Nam đang tự mâu thuẫn giữa mong muốn phát triển, hội nhập với cái gọi là “an ninh quốc gia”.

Dường như, có một lực kéo rất mạnh đang muốn Việt Nam quay trở lại bóng tối cô lập. Cuộc đàn áp và bố ráp nhóm người Thượng ở Dak Lak đang trở nên hỗn loạn và đầy bạo lực. Tôi lo sợ rằng đây sẽ là điểm khởi đầu cho một quá trình công an hóa và quân sự hóa tồi tệ bộ máy nhà nước vốn đã hết sức chuyên chế và độc tài.

Kết luận

Với những phân tích và các kết quả nghiên cứu về xã hội, dân tộc, lịch sử, văn hóa được viện dẫn trong bài viết này, người viết mong muốn cung cấp cho các nhà lãnh đạo Việt Nam một cái nhìn toàn diện và khách quan hơn về căn nguyên mâu thuẫn, bất ổn ở Tây Nguyên. Bạo lực không thể và không bao giờ là giải pháp cho những sai lầm mà chính họ gây ra. Những sắc dân “thiểu số” Tây Nguyên, cũng giống như người Kinh, cần phải được đối xử công bằng, được tôn trọng. Họ cần có sinh kế, được học hành và có nghề nghiệp. Chẳng nhẽ, những điều vô cùng giản dị đó là quá xa vời ở chế độ “gấp vạn lần tư bản” hay sao?

Cuối cùng, để kết thúc bài phân tích tổng hợp này, tôi xin trích dẫn một đánh giá của nhà nghiên cứu Vương Xuân Tình:

“Trong lịch sử của các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên, chưa bao giờ vấn đề đất đai lại nóng bỏng như hiện nay… Trong đó, tính không phù hợp của chính sách đất đai của Nhà nước với truyền thống sở hữu cộng đồng của các dân tộc tại chỗ được coi là vấn đề xuyên suốt”.

Bộ Luật đất đai của Việt Nam đã qua rất nhiều lần sửa đổi, nhưng những tồn tại, mẫu thuẫn về căn bản thì vẫn còn nguyên. Có chăng, chỉ là những sửa đổi câu chữ, “vẽ rắn thêm chân”. Và ông Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng vẫn khẳng định “quyền sử dụng đất không phải quyền sở hữu”. Cái mệnh đề quái gở “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước là đại diện chủ sở hữu” vẫn tồn tại như một lá bùa ma quỉ khiến cho đất nước không thể nào thay đổi, những mâu thuẫn, bất công, tệ nạn ngày càng nhức nhối, chồng chất oán hận của người dân Tây Nguyên nói riêng và khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S Việt Nam đang rên xiết tiếng kêu than. (Hết)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments