Saturday, November 23, 2024
No menu items!
spot_img
HomeUncategorizedĐánh dấu 98 năm 'Báo chí Cách mạng': Việt Nam đã có...

Đánh dấu 98 năm ‘Báo chí Cách mạng’: Việt Nam đã có tự do báo chí?

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London

Một phụ nữ ở Hà Nội đọc tin tức trên tờ Tiền Phong tại sạp báo của bà (Hình minh họa)

AFP

Tại Việt Nam tuần này, chính quyền và các cơ quan báo chí, truyền thông chính thống của đảng, nhà nước và các ngành, các cấp của chính quyền đánh đấu 98 năm ngày được gọi là ‘báo chí Cách mạng Việt Nam’ (21/6), thế nhưng theo một số ý kiến từ trong giới quan sát độc lập về chính trị, xã hội và báo chí, truyền thông của Việt Nam, vấn đề tự do báo chí, báo chí tư nhân và các quyền Hiến định liên quan mà không bị ngăn cản, có thể vẫn là những dấu hỏi lớn đối với Việt Nam.

Hôm 20/6/2023, nhà báo Trần Tiến Đức, nguyên cố vấn Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu, phản biện chính sách độc lập (IDS đã tự giải thể) từ Hà Nội và nhà báo, nhà văn Võ Thị Hảo từ Berlin, CHLB Đức, đã nêu quan điểm riêng của mình với Đài Á Châu Tự Do về các vấn đề nói trên.

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra với ba nhà quan sát độc lập là họ suy nghĩ gì về báo chí của Việt Nam ở trong nước tại thời điểm hiện nay, điểm mạnh, yếu, và xu thế nổi bật ra sao?

Ông Nguyễn Quang A: Đơn giản, tôi nói ngay và ngắn gọn trước hết rằng Việt Nam không có nền báo chí theo đúng nghĩa của từ này.

Ông Trần Tiến Đức: Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Theo cá nhân tôi, điểm mạnh của báo chí Việt Nam hiện nay là có nhiều dạng và thể loại: báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Số lượng báo in có tới vài trăm, các đài truyền hình thì ngoài trung ương, các tỉnh đều có, một số ngành như quân đội, công an cũng có. Song sự đa dạng trong đưa tin và bình luận thì còn thiếu, chưa đa chiều. Chắc vì tất cả đều “được đạo diễn bởi một tổng biên tập”. Viết gì, viết như thế nào, nêu những quan điểm gì đều “được nhắc nhở”, dù cho đời sống chính trị, kinh tế và xã hội vô cùng phong phú. Có lúc một vài tờ báo muốn thoát ra khỏi “vòng kim cô” đó, nhưng đều bị siết lại ngay.

Bà Võ Thị Hảo: Theo tôi, về mặt hình thức báo chí Việt Nam tăng về số lượng và người làm báo, mở thêm những kênh truyền thông đa dạng hơn do rất dễ dàng ứng dụng công nghệ truyền thông hiện đại, tiết kiệm chi phí. Nhưng về mặt nội dung, người làm báo và công dân Việt Nam ngày càng bị kiềm tỏa, đàn áp khắc nghiệt hơn từ những điều luật được coi là vi hiến như Điều 331 và điều 117 Luật Hình sự, Luật An ninh mạng v.v…

Vì sao không có ‘báo chí tư nhân’?

RFA: Vì sao tới nay, trên cả nước tính từ sau sự kiện 30/4/1975, Việt Nam được cho là vẫn chưa có nền báo chí tư nhân, theo quý vị?

Ông Nguyễn Quang A: Tôi quen với anh Ngô Công Đức chủ bút báo Tin Sáng – là báo tư nhân vẫn hoạt động cho đến 1981 thì báo mới bị đình lại, từ đó hết báo tư nhân!

Ông Trần Tiến Đức: Sau 1954, ở Hà Nội có báo Thời Mới do nhà báo Hiền Nhân (thân sinh ra phu nhân của tôi) làm chủ bút là báo tư nhân, nhưng chỉ tồn tại có vài năm, rồi “được sáp nhập” với báo Hà Nội của đảng bộ và chính quyền thành phố. Ở Sài Gòn, sau 30/4/1975, như TSKH Nguyễn Quang A nói, có báo Tin Sáng của ông Ngô Công Đức. Thú thật, tôi ở Hà Nội thời đó, nhưng luôn cố gắng tìm đọc Tin Sáng, vì đa dạng về chủ đề, phong phú về cách thể hiện. Phong cách đó sau này phần nào được một số tờ ở Sài Gòn tiếp nối như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Phụ nữ, Sài Gòn Tiếp thị. Vấn đề các báo tư nhân được tồn tại cũng đã từng được nêu, kể cả ở Quốc Hội, song không bao giờ được thảo luận một cách nghiêm chỉnh, bởi đơn giản báo chí luôn được coi là một công cụ tư tưởng, công cụ tuyên truyền của đảng cầm quyền, của ‘nhà cầm quyền’.

Bà Võ Thị Hảo: Theo tôi, nguyên nhân cơ bản là do chế độ độc tài toàn trị độc đảng đã cấm đoán, vi phạm Hiến pháp Việt Nam và đàn áp tự do ngôn luận kể từ khi thành lập chính quyền cộng sản tại Việt Nam đến nay. Nơi đâu trên trái đất này có chính quyền cộng sản, nơi đó không thể có tự do ngôn luận và báo chí tư nhân mà bằng chứng thấy rõ ở Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba v.v…

RFA: Có ý kiến cho rằng, hiện nay đã có mạng xã hội, và truyền thông mạng xã hội trong đó có tin tức mạng xã hội (social media news) phát triển, nên nhu cầu có báo chí tư nhân đã được khỏa lấp, và không còn bức thiết như xưa, ý kiến của quý vị?

Ông Nguyễn Quang A: Tôi hoàn toàn không đồng ý với ý kiến đó. Theo tôi mạng xã hội không phải là báo.

Ông Trần Tiến Đức: Đúng là ngày nay mạng xã hội và truyền thông qua mạng xã hội đã phát triển, nhưng làm sao có thể thay thế được báo chí tư nhân với những nhà báo lành nghề, giỏi nghiệp vụ và có bản lĩnh.

Bà Võ Thị Hảo: Mạng xã hội và truyền thông mạng xã hội là “cây đũa thần” từ những tài năng khoa học và công nghệ thế giới, làm quà tặng miễn phí cho mọi cá nhân trên toàn cầu nhưng hiện trạng này không thể khỏa lấp nhu cầu có báo chí tư nhân. Vì báo chí tư nhân là quyền đương nhiên, phải được hiến định. Chấp nhận hay chối bỏ báo chí tư nhân thể hiện nhân cách và thái độ của nhà cầm quyền đối với các công dân của họ. Không chấp nhận báo chí tư nhân, đó là sự đàn áp tự do ngôn luận và không bao giờ có thể biện minh.

Đã có tự do báo chí thực sự hay chưa?

RFA: Cũng có ý kiến cho rằng ở Việt Nam đã có tự do báo chí, mà bằng chứng chẳng hạn người dân được quyền sử dụng mạng xã hội, và tỷ lệ người dân sử dụng mạng internet thuộc mức cao, nếu chỉ xét riêng ở châu Á; trên cả nước có hàng trăm đầu báo và tạp chí các loại; ngoài ra, các chuyên gia quốc tế, nước ngoài và khu vực về báo chí và trao đổi kinh nghiệm báo chí vẫn được nhà nước Việt Nam mời tới Việt Nam, kể cả tham gia hội thảo và đào tạo, chuyển giao công nghệ, chưa kể phóng viên, đại diện nhiều cơ quan truyền thông, báo chí nước ngoài được quyền làm việc thường trú hay tới Việt Nam tác nghiệp theo kỳ cuộc. Ý kiến của quý vị?

Ông Nguyễn Quang A: Hiện nay ở Việt Nam không có báo chí tư nhân, như tôi đã khẳng định. Tự do báo chí là báo chí nói sự thực và không bị nhà cầm quyền đàn áp dù cho sự kiện hay dữ kiện (facts) đó nghịch tai những người cầm quyền. Xét như thế thì Việt Nam không có tự do báo chí.

Ông Trần Tiến Đức: Những con số về số người sử dụng Internet và tham gia mạng xã hội là rất ấn tượng. Phóng viên nước ngoài được đến Việt Nam tác nghiệp, việc trao đổi nghiệp vụ được thực hiện, song tôi cũng tự hỏi liệu đó có phải là thước đo thật sự về tự do báo chí, tự do ngôn luận?

Bà Võ Thị Hảo: Tôi cho rằng cách quản lý của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay cũng tương tự cách ông đánh cá mở ra một lỗ hổng trong bờ ao cho nước và cá tràn ra một ao tù khác. Những con cá hân hoan tưởng rằng từ nay mình có thể bơi lội thỏa sức. Nhưng không, miệng giỏ đã chờ sẵn đằng kia. Đó là Điều 331, điều 117… của Bộ luật Hình sự và Luật An ninh mạng vân vân, này khác, cùng “một rừng” điều tra viên, kiểm sát viên, các phiên tòa bất công sẽ đón bắt, vu cáo, giam cầm những “con cá” yêu tự do đó…

RFA: Đầu tháng trước, nhân ngày Tự Do Báo Chí (03/05/2023), tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) công bố bảng xếp hạng hàng năm về điều kiện hành nghề báo chí của 180 nước trên thế giới, theo đó Việt Nam tụt bốn hạng trong nhóm cuối bảng, đứng thứ 178, chỉ trước Trung Quốc và Bắc Triều Tiên; vẫn theo RFS, ở châu Á, hoạt động báo chí bị cản trở nhiều nhất tại các nước độc đảng. Chính quyền Việt Nam qua truyền thông nhà nước đã lên tiếng phản đối công bố này liên quan Việt Nam và coi đó là một cái nhìn thiếu khách quan, thiếu xây dựng, còn quan điểm của quý vị thế nào?

Ông Nguyễn Quang A: Theo tôi các tổ chức quốc tế ấy đã đưa ra đánh giá đúng, còn phản bác của chính quyền Việt Nam cho thấy là họ không hiểu tự do báo chí.

Ông Trần Tiến Đức: Những gì tôi đã nói qua ý kiến của tôi ở trên, phần nào cũng giải đáp cho các hỏi đặt ra thêm. Tôi nghĩ đã có những nhà báo bị cầm tù bởi cái gọi là “lạm dụng quyền tự do dân chủ để chống phá nhà nước”?! Và tôi cho rằng đấy là một điều khoản dễ bị lạm dụng của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

Bà Võ Thị Hảo: Tôi nghĩ sự phản đối đó của chính quyền là không hữu hiệu. Đánh giá của RSF không phải là cảm tính, vu cáo mà là dựa trên số liệu và chứng cứ không thể phản bác. Chỉ cần nhìn vào riêng vụ oan sai chấn động thế giới, lưu danh thiên cổ là vụ giết ông Lê Đình Kình và những cuộc bắt bớ giam cầm sau đó tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội là đã rõ.

Báo chí dưới thời của Thủ tướng Dũng và thời TBT Trọng?

RFA: Quý vị có so sánh hay nhận xét gì về tình hình ‘tự do báo chí, trong đó có ‘báo chí độc lập’, ‘báo chí công dân’, ‘báo chí mạng xã hội’… ở Việt Nam, trong đó có các nhà báo, phóng viên, nhà hoạt động truyền thông tin tức, được/bị ứng xử dưới thời của Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng vài nhiệm kỳ trước, và thời Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng nắm quyền thời gian gần đây, bên cạnh một số nhiệm kỳ của Bộ trưởng Bộ Công an trong các giai đoạn tương ứng?

Ông Nguyễn Quang A: Tôi không bình luận về hai thời kỳ đó, nhưng tôi có được đề nghị đưa ra bình luận về việc trong dịp này có một quan chức lãnh đạo ‘báo chí’ chính thống và tuyên giáo ở Việt Nam phát biểu rằng “thời gian tới, các cơ quan báo chí sẽ bị mất 50% lượng truy cập đến từ công cụ tìm kiếm, mất truy cập có nghĩa là mất tiền, không còn nguồn thu từ hệ thống quảng cáo tự động…”, rồi rằng “lâu nay chúng ta hiểu tự chủ là bỏ mặc cho báo chí tự bơi là chưa đúng, bởi khi tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thì sẽ có cơ chế đặt hàng cho báo chí,” và rằng “nếu nắm bắt được xu hướng công nghệ mới và áp dụng nhiều cách thức tạo nguồn thu, báo chí sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”. (*)

Ý kiến của tôi là ngân sách chi cho ‘báo’ như thế sẽ hỏng thôi! Nhưng nếu các ‘báo’ có thể huy động nguồn tài trợ đa dạng thì được (như từ các hội đoàn, người dân…), tôi nghĩ chắc chắn nên siết quảng cáo, nhưng không cấm. Còn báo chí là ‘cơ quan tuyên truyền’ ở Việt Nam và bây giờ quan chức lãnh đạo, người ta đã không ngần ngại nói toẹt ra như vậy! Dân ở các nước khác nghe tới từ ‘tuyên truyền’ là người ta phát ớn nhưng dân Việt Nam thì coi như bình thường. Báo và xuất bản sách ở Việt Nam khác nhau ở chỗ xuất bản sách ít khi hay không phụ thuộc vào quảng cáo; và không có nhà xuất bản tư nhân nhưng lại có các công ty sách tư nhân mà thật sự là các nhà xuất bản tư nhân.

Bà Võ Thị Hảo: Tôi làm báo thời ông Đỗ Mười, Nguyễn Tấn Dũng, Nông Đức Mạnh, Phan Văn Khải. Thời đó báo chí đã bị cấm đoán o ép rất nhiều nhưng cũng chưa đến mức bị cấm đoán, đàn áp khắc nghiệt như từ khoảng 2014 đến nay. Thời trước, Phóng viên chúng tôi còn chặn đường được cả Thủ tướng, Tổng Bí thư và các vị khác để phỏng vấn hoặc chất vấn tại nghị trường Quốc hội. Dân oan bạo gan liều chết còn có thể đến tận cổng, chầu chực ngoài hàng rào hội trường Quốc hội để xõa tóc lăn khóc kêu oan… Chúng tôi đã làm được nhiều phóng sự chấn động để cứu dân oan và chất vấn quan chức tiêu cực, dù cũng phải dấn thân nguy hiểm, có lúc còn bị dọa giết. Nhưng không thể ngờ là càng sau này, đặc biệt dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng, báo chí và tự do ngôn luận càng bị cấm đoán và đàn áp nặng nề.

‘Què quặt, chạy quảng cáo, không phải là báo tư nhân’

RFA: Cũng có người cho rằng đã có những hình thức không chính thức của báo chí tư nhân ở Việt Nam trong nhiều năm qua, qua các dạng thức như liên kết, với các nhóm cá nhân đứng đằng sau ‘làm báo’, cơ quan chủ quản nào đó đứng tên, nếu đó là sự thật, bên cạnh các dạng thức không chính thức khác nếu có, thì đó có thực sự đã là báo chí tự do hay chưa, hay không phải?

Ông Nguyễn Quang A: Có một số nỗ lực núp bóng tổ chức này tổ chức kia để làm báo “tư nhân” thậm chí đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này nhưng đó đều là què quặt cả hoặc chỉ chạy kiếm quảng cáo mà thôi.

Bà Võ Thị Hảo: Theo tôi, chưa thể gọi là một đất nước có báo chí tự do, khi chính quyền còn ngang nhiên không cho phép báo chí và nhà xuất bản tư nhân hoạt động:  Điều 16,17,18 Luật Báo chí Việt Nam 2016 quy định rõ những nội dung này, chưa kể những cấm đoán nằm trong một số luật khác…

RFA: Theo nhà báo, tự do báo chí và báo chí tư nhân thực sự có thể đem lại điều gì lợi ích cho quốc gia, cộng đồng, xã hội, cho mỗi cá nhân, khán thính, độc giả và cho ngay cả giới nhà báo, làm báo nếu được thừa nhận và tôn trọng?

Ông Nguyễn Quang A: Xã hội là đa dạng và báo chí phản ánh xã hội chỉ có thể tốt khi nó đa dạng, đa nguyên. Còn nếu không có nó, việc luôn chỉ nghe điều mình muốn nghe rất nguy hiểm cho việc làm chính sách, dễ ngu dân, làm nghèo văn hóa và xơ cứng tư tưởng.

Ông Trần Tiến Đức: Tôi nghĩ tự do báo chí và báo chí tư nhân, nếu được thừa nhận và tôn trọng, sẽ giúp cho độc giả có cái nhìn đa chiều, khách quan và trung thực hơn về các sự kiện đa dạng của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội trong nước và quốc tế. Người làm báo cũng sẽ phải có bản lĩnh và nghiêm túc hơn trong hành nghề của mình, nâng cao hơn nữa trách nhiệm công dân của mình.

Bà Võ Thị Hảo: Nếu thống kê, thì tôi e là quá dài. Nhưng tôi chỉ có thể nói rằng nơi nào không có những quyền ấy, nơi đó công dân chỉ là nô lệ của nhà cầm quyền và đất nước sẽ bị dìm trong ngập ngụa bất công của sự lạm dụng, của những “nhóm quyền lực mafia”, những nhóm “tham nhũng quyền lực” mà thôi.

‘Nên ban hành luật cấm cản trở quyền đã Hiến định’

RFA: Cuối cùng, điều 25 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (phiên bản do Quốc Hội thông qua ngày 28/11/2013) quy định rằng “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, riêng về tự do báo chí, theo nhà báo đã đến lúc nhà nước và Quốc hội Việt Nam ban hành luật về báo chí tư nhân hay chưa? Nếu có sự ban hành đó, thì cần ưu tiên quan tâm (những) nội dung gì trong luật đó, cũng như việc đảm bảo để luật đó thực sự hữu hiệu, có giá trị và ý nghĩa thực sự trên thực tế, chứ không phải là hình thức, hoặc bị giới cầm quyền tùy tiện vi phạm, khiến tự do báo chí và các quyền về tự do báo chí, trong đó có các quyền về báo chí tư nhân, bị ngăn cản, xâm phạm?

Ông Trần Tiến Đức: Mọi công dân và mọi tổ chức chính trị ở Việt Nam có Nghĩa Vụ Tôn Trọng và Thúc Đẩy việc thực thi Hiến Pháp, trong đó có Điều 25. Quốc Hội cần và người dân, tôi nhấn mạnh: có Quyền Đòi Hỏi là quyền tự do ngôn luận, quyền xuất bản và phát hành báo chí tư nhân sớm được bàn thảo và ban hành. Có như vậy mới thúc đẩy được “consensus” tức là đồng thuận về những vấn đề trọng đại của đất nước.

Bà Võ Thị Hảo: Theo tôi biết, nhà nước Việt Nam chưa từng ban hành về luật báo chí tư nhân, chỉ cấm đoán nó một cách tinh vi bằng Luật báo chí và những điều vi hiến trong các luật khác, bằng tầng tầng lớp lớp ccs cơ quan, cá nhân quản lý tùy tiện răn đe, trừng phạt bằng lời và hành động…

Thực ra, khi Hiến pháp Việt Nam đã quy định về quyền tự do ngôn luận và báo chí, báo chí tư nhân đương nhiên được quyền hoạt động, không phải xin phép bất kỳ ai. Không cần bất kỳ một luật nào nữa và ai cấm đoán vi hiến thì phải bị trừng phạt theo pháp luật quy định về sự vi hiến. Và tôi cho rằng tất cả mọi cấm đoán vi hiến, trái quyền con người đều là phản lại tiến bộ xã hội.

Ông Nguyễn Quang A: Theo tôi thì Quốc hội Việt Nam nên ban hành luật cấm gây trở ngại cho việc thực hiện các quyền tự do đó hơn là ban hành các luật về biểu tình, báo chí tư nhân v.v… (mà thực ra lại là các ‘luật’ hạn chế các quyền tự do đó).

RFA: Xin chân thành cảm ơn quý vị đã trả lời cuộc phỏng vấn này (RFA).

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments