Sunday, November 24, 2024
No menu items!
spot_img
HomeThế GiớiXung đột vì nguồn nước

Xung đột vì nguồn nước

Nguồn cung cấp nước từ sông Helmand chảy từ Afghanistan sang Iran đang bị thu hẹp từng ngày, đẩy 2 quốc gia vào tình thế đối đầu

Bạo lực đã bùng lên dọc biên giới Afghanistan và Iran trong những tuần gần đây bắt nguồn từ tranh chấp về nguồn nước sông Helmand.

Theo đài CNBC ngày 19-6, Tehran cho rằng chính quyền Taliban của Afghanistan đang cố tình tước đoạt nguồn nước của Iran để củng cố nguồn nước của chính họ thông qua hoạt động của đập thủy điện Kajaki ở tỉnh Helmand. Đáp lại, Taliban nói rằng hồ chứa hiện không đủ nước do lượng mưa và mực nước sông giảm mạnh.

Căng thẳng về nước giữa Iran và Afghanistan đã bắt đầu từ những năm 1950, khi 2 đập thủy điện lớn, trong đó có đập Kajaki, được xây dựng, làm hạn chế dòng nước từ sông Helmand chảy vào Iran.

Sự việc cuối cùng được giải quyết tạm thời bằng việc ký kết một hiệp ước vào năm 1973, theo đó Afghanistan phải phân bổ cho Iran 850 triệu mét khối nước sông Helmand hằng năm.

Lực lượng biên phòng Iran và Afghanistan đã đấu súng hôm 27-5, khiến 2 binh sĩ Iran và 1 binh sĩ Taliban thiệt mạng, nhiều người khác bị thương.

Hai bên đều đổ lỗi cho đối phương đã khơi mào cuộc đụng độ đang khiến vấn đề nước thu hút sự quan tâm trở lại ở khu vực này.

Chuyên gia Torbjorn Soltvedt của Công ty Tư vấn Verisk Maplecroft (Anh) nhận định Iran không thể xem nhẹ cuộc tranh chấp nguồn nước với Afghanistan bởi căng thẳng về nước là nguyên nhân gây bất ổn ở nước này trong những năm gần đây.

Theo tờ Jerusalem Post, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi hồi tháng 5 đã cảnh báo giới lãnh đạo Taliban rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu không cung cấp cho tỉnh Sistan-Baluchenstan – Iran phần nước công bằng từ sông Helmand.

Đập thủy điện Kajaki trên sông Helmand ở Afghanistan Ảnh: KHAAMA PRESS

Trong cuộc gặp với người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan vào tuần rồi, quyền Thủ tướng Afghanistan Mawlawi Abdul Kabir cho biết họ đang đàm phán với Iran về chuyện nguồn nước và nhấn mạnh Afghanistan không đòi hỏi những gì vượt quá quyền lợi hợp pháp của mình. Ông Mawlawi Abdul Kabir cho biết nếu Iran có lo ngại về vấn đề này, Taliban có thể giải quyết thông qua đối thoại và hiểu biết.

Trong khi đó, Đại sứ Iran tại Afghanistan, ông Hassan Kazemi Qomi, gần đây cho biết Taliban đã đồng ý để các chuyên gia Iran đến thăm đập Kajaki, đồng thời bày tỏ kỳ vọng đôi bên tìm cách giải quyết các vấn đề về nước và hợp tác vì một tương lai bền vững.

 “Nếu có nước trong các con đập, phía Taliban phải cung cấp phần của Iran, còn nếu không có thì vấn đề này phải được làm rõ” – Bộ trưởng Bộ Nội vụ Iran Ahmad Vahidi nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm một ủy ban chung sẽ được thành lập để giải quyết vấn đề.

Khủng hoảng nước không chỉ khiến quan hệ Afghanistan – Iran căng thẳng mà còn phủ bóng lên thế giới. Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh về nước của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 3, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới Petteri Taalas cảnh báo khủng hoảng nước đang là một trong những thách thức cấp bách nhất mà thế giới phải đối mặt ngày nay.

Hạn hán ngày càng kéo dài, sự gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của lũ lụt tàn phá, thời tiết cực đoan và các hiện tượng hỗn hợp đang gây áp lực rất lớn đối với tài nguyên nước. Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) chỉ rõ biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nước cũng như làm ô nhiễm các nguồn cấp nước. 

Giải pháp mưa nhân tạo

Hiện tượng thời tiết El Nino bắt đầu ảnh hưởng đến Malaysia trong tháng này, dự kiến mạnh lên vào tháng 11 tới và có thể kéo dài đến tháng 4-2024. Bộ trưởng Môi trường Malaysia Nik Nazmi Nik Ahmad gần đây cảnh báo do tác động của El Nino, lượng mưa sẽ giảm 20%-40% vào cuối năm và nhiệt độ dự kiến tăng từ 0,5 – 1 độ C.

Đối mặt nguy cơ nguồn dự trữ nước bị cạn kiệt, chính phủ Malaysia đã đẩy mạnh hợp tác với các bang để ứng phó nguy cơ thiếu nước khắp cả nước. Vào tuần rồi, theo tờ South China Moning Post, Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Malaysia tiến hành làm mưa nhân tạo trong 2 ngày ở khu vực phía Bắc bang Penang.

Truyền thông địa phương cho biết nỗ lực này giúp gia tăng mực nước tại đập Air Itam. Đây là lần thứ hai công nghệ làm mưa nhân tạo được sử dụng tại khu vực nói trên theo yêu cầu của nhà chức trách Penang. Lần đầu tiên diễn ra hồi tháng 5.

Giới chức bang Penang nhấn mạnh bước đi trên nhằm đối phó với thách thức kép gồm lượng mưa thấp và mức tiêu thụ nước đang gia tăng. Trong 5 tháng đầu năm nay, 2 con đập tại Penang nhận được lượng mưa ít hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, mức tiêu thụ đạt 876 triệu lít/ngày trong quý đầu tiên, cao hơn nhiều so với mức 868 triệu lít được sử dụng hằng ngày trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 12-2022.

Bà Ili Nadiah Dzulfakar, người đồng sáng lập nhóm hoạt động về biến đổi khí hậu Klima Action Malaysia, cho rằng các lĩnh vực và cơ quan chính phủ liên quan đã có nhiều kế hoạch giải quyết vấn đề thiếu nước do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bà cho rằng những nỗ lực này cần được hợp nhất thành một kế hoạch hành động quốc gia. “Chúng ta sẽ phải đối mặt một cuộc khủng hoảng nước… Rõ ràng là biến đổi khí hậu đang diễn ra ngay lúc này và nó càng làm trầm trọng thêm những tác động do El Nino gây ra” – bà Ili Nadiah Dzulfakar cảnh báo.

Hoàng Phương

ANH THƯ  (NLĐ).

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments