Bối cảnh lịch sử phức tạp và không ngớt xung đột.
Trụ sở Công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur. Đồ họa: Tùy Phong/ Luật Khoa
Vụ tấn công vào các trụ sở công quyền tại tỉnh Đắk Lắk ngày 11/6/2023 chỉ cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 20 phút, cách sân bay hơn 10 phút đi xe.
Tây Nguyên nổi tiếng là nơi bị giám sát an ninh gắt gao nhất cả nước. Tuy nhiên, vì sao ngay sát trung tâm của một tỉnh thuộc Tây Nguyên lại xảy ra vụ việc gây chấn động đến như vậy?
Huyện Cư Kuin, đọc là “Chư Quynh”, nơi có hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur nằm trong phạm vi vụ tấn công, có tình hình dân cư, an ninh, tôn giáo rất phức tạp.
Từng là địa bàn hoạt động của FULRO
Ông Y Luyện Niê Kđăm, từng giữ chức bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết vào năm 1977 ông được cử về công tác tại xã Ea Tiêu, khi đó nơi này là địa bàn hoạt động mạnh mẽ của FULRO.[
FULRO là một mặt trận dân tộc thành lập năm 1964 nhằm đòi chính quyền Sài Gòn khôi phục quyền tự trị, tín ngưỡng, văn hóa, đất đai cho người dân Tây Nguyên sau khi chế độ Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách đồng hóa.
Sau năm 1975, chính quyền mới tiếp tục trấn áp FULRO. Cho đến những năm 2000, chính quyền cáo buộc các cựu thành viên FULRO cài cắm người vào các tỉnh Tây Nguyên nhằm tổ chức biểu tình đòi tự do tôn giáo, giải quyết vấn đề đất đai.
Vụ tấn công vào trụ sở xã Ea Tiêu và Ea Ktur có thể nói là rất táo bạo, vì hai nơi này nằm ngay sát trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột.
Nhưng cũng vì khoảng cách gần trung tâm như vậy nên trong quá khứ những địa bàn này thường là nơi phát động các cuộc biểu tình nhằm gây áp lực lên chính quyền tỉnh.
Tình hình sắc tộc phức tạp
Huyện Cư Kuin có 8 xã với khoảng 100.000 dân (2019), nhưng hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur chiếm đến 40% dân số của huyện.
Sắc dân đông nhất vẫn là người Kinh. Tuy nhiên, ngoài người Kinh đi theo diện khai phá vùng kinh tế mới, còn có các dân tộc miền núi phía Bắc di cư tự do trong những năm 1990.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019, Đắk Lắk có hơn 1,8 triệu người, trong đó người Kinh chiếm đến 66% với 1,2 triệu người, khoảng 12% là dân tộc phía Bắc với 221 nghìn người, và 22% còn lại là người bản địa Tây Nguyên.
Người bản địa Tây Nguyên đã chịu áp lực rất lớn, nhất là về đất đai và văn hóa, khi có một số lượng lớn người dân từ nơi khác đến cư trú tại khu vực của mình.
Điểm nóng về tôn giáo
Năm 2022, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đã tham dự “Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc” tại xã Ea Tiêu.
Trong bài phát biểu của mình, ông nhấn mạnh rằng chính quyền cần tiếp tục “đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch”.
Đối với chính quyền, tôn giáo là con đường chính mà các đối tượng thù địch lợi dụng để lôi kéo người bản địa Tây Nguyên chống chính quyền.
Năm 2009, toàn tỉnh Đắk Lắk có 171.661 người theo Công giáo và 149.526 người theo đạo Tin Lành. Nếu so sánh ở quy mô toàn quốc, số người theo đạo Tin Lành chỉ bằng một phần sáu số tín đồ Công giáo vào năm 2019. Điều này có nghĩa, tỉnh Đắk Lắk có tỷ lệ người dân theo đạo Tin Lành rất lớn.
Huyện Cư Kuin là điểm nóng về tự do tôn giáo. Huyện này là nơi có nhiều nhóm tôn giáo mới hoạt động. Bên cạnh các nhóm Tin Lành tự phát, còn có các nhóm tôn giáo khác mà chính quyền cho là bất hợp pháp, chống nhà nước như “Hệ Phục Hưng”, “Giáo hội Tin Lành Đấng Christ”, v.v.
Công an huyện Cư Kuin thường xuyên bắt bớ các tín đồ Tin Lành độc lập, thẩm vấn, tịch thu đồ đạc của họ.
Vào tháng 10/2020, một mục sư bị lục soát nhà, tịch thu kinh thánh.Tháng 7/2021, công an cưỡng bức một thầy truyền đạo tại huyện này lên trụ sở làm việc. Tháng 5/2022, một người dân tộc khác tại huyện này bị tuyên 4 năm tù giam vì tội tuyên truyền sai sự thật, tàng trữ tài liệu lên án chính quyền về vấn đề dân tộc và tôn giáo.
Cơn sốt bất động sản đi liền với tranh chấp đất đai
Do vị trí tiếp giáp với thành phố Buôn Ma Thuột và gần sân bay, cộng thêm việc chính quyền đang thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông, đã khiến đất đai tại hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur lên cơn sốt.
Nhiều dự án đất nền, khu dân cư, khu du lịch sinh thái được lập ra tại hai xã này.
Tháng 11/2022, một nhà đầu tư đã bị xử phạt vì xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp để rao bán khu biệt thự không có thật tại xã Ea Ktur.
Xã Ea Ktur cũng là nơi mà một nhà báo của Tiền Phong bị dọa giết khi đến đưa tin về việc múc trộm đất của một hộ dân. Chính quyền xã này cũng né tránh làm việc với nhà báo.
Đặc biệt, dự án khu đô thị mới Trung Hòa nằm trong hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu theo quy hoạch cũng gây ra tình trạng đầu cơ đất đai lớn tại khu vực này.
Tới tháng 6/2022, chính quyền đã tiến hành cưỡng chế xong 64 công trình trái phép, dự kiến có khoảng 500 công trình nữa cũng sẽ bị cưỡng chế.
Người dân xung đột với công ty cà phê của nhà nước
Người dân hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur có nhiều xung đột với các công ty cà phê của nhà nước mà tiền thân là các nông trường cà phê quốc doanh.
Năm 2011, nhiều hộ dân đã tố cáo về việc giao khoán sản lượng cà phê ở mức quá cao, làm trái quy định về sử dụng đất nông nghiệp. Công ty cà phê của nhà nước còn cho lực lượng bảo vệ đến vườn của người dân nhằm gây áp lực để người dân giao nộp cà phê.
Năm 2013, người dân huyện Cư Kuin vẫn tiếp tục tố cáo các công ty cà phê này vi phạm về sử dụng đất đai, giao khoán sản phẩm không công bằng, trong đó có Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Ktur thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam.[18]
Việc tố cáo này vẫn tiếp tục diễn ra vào các năm 2015, 2016.
Từng có thiếu tá công an chĩa súng vào đồng nghiệp
Tháng 11/2014, thiếu tá công an Võ Ngọc Quang, đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Cư Kuin, đã chĩa súng vào đoàn làm việc khi đến khám xét nhà của ông. Ông Quang khi đó bị tố cáo là buôn bán, tàng trữ gỗ trái phép và nhận tiền chạy án.[21]
Đến tháng 3/2015, 11 cán bộ công an của huyện Cư Kuin đã bị kỷ luật, trong đó có bốn người liên quan đến vụ việc của thiếu tá Võ Ngọc Quang (LKTC).