Dân thủ đô vốn có thói quen chen lấn, vì không muốn thua kém bất kỳ ai.
Tidoo Nguyễn
Để có chỗ ngồi vào lớp 1 trường điểm cho con, phụ huynh Hà Nội phải chen lấn nộp hồ sơ từ chiều tối đến rạng sáng – Ảnh cắt từ video của VnExpress
Cộng đồng mạng từng nhiều phen tức cười khi nhìn thấy cảnh dân Hà Nội chen lấn mua bánh Trung thu; chen lấn xin ấn ở đền Trần; chen lấn mua vé xem đá banh; chen lấn chích vaccine; chen lấn mua hồ sơ cho con dự tuyển vào lớp 10 v.v. Lần này hạng mục “chen lấn nộp hồ sơ cho con vào lớp 1” được bổ sung vào danh sách phải chen lấn của người Hà Nội.
Trong hạng mục chen lấn mới này ít nhiều cũng cho thấy thực trạng bất ổn của xã hội Việt Nam nói chung và của ngành giáo dục nói riêng. Đó là người dân hiện thiếu thông tin rõ ràng về chính sách; tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng trong cả nước; chất lượng đào tạo học sinh ở các trường cùng cấp hiện không đồng đều, ngay từ tiểu học.
Từ trưa ngày 13 Tháng Sáu 2023, hàng loạt các trang báo mạng đưa tin về tình trạng hàng trăm phụ huynh chen lấn xô đẩy nhau để nộp hồ sơ cho con vào lớp 1 ở trường tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông, Hà Nội.
Trong đó, báo mạng VnExpress đã cung cấp thông tin về cảnh chen lấn hãi hùng rõ nhất bằng cách đăng tải video, với đám đông đàn ông đàn bà gồng mình xô đẩy, la hét: “Đẩy ra! Đẩy ra!” và những âm thanh chửi bới khác. Có đoạn hàng trăm bậc phụ huynh đồng loạt quẩy tay hét lớn “Đi ra! Đi ra! …” kiểu như biểu tình. Và trong đám đông hỗn loạn đó, có sự xuất hiện của công an (hay “công an vào cuộc” như cách nói của báo mạng Việt).
Theo báo mạng Thanh Niên, trường tiểu học Vạn Bảo là trường công lập chất lượng cao được thành lập năm 2020. Mức học phí dự định niên khóa 2023 – 2024 của trường này là 3,300,000 đồng – tương đương $140/tháng/học sinh (chưa bao gồm tiền bán trú, đồng phục, xe đưa đón học sinh, học câu lạc bộ ngoài giờ… là những khoản thu sẽ được thỏa thuận giữa phụ huynh và trường).
Thanh Niên cũng dẫn lời bà Phạm Thị Lệ Hằng, trưởng phòng Giáo dục Đào tạo, quận Hà Đông, Hà Nội, rằng bà khá bất ngờ với việc hàng trăm phụ huynh xếp hàng từ đêm để nộp hồ sơ cho con vào lớp 1 tại trường tiểu học Vạn Bảo. Sau đó bà lại cho hay năm nay trường này chỉ tuyển 200 học sinh lớp 1, nhưng nhu cầu phụ huynh quá lớn nên mới có cảnh chen lấn xô đẩy để nộp hồ sơ.
Sự thiếu thông tin của người dân
Cũng trong video trên báo mạng VnExpress, chị Trần Thị Trang, quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết mọi người bắt đầu xếp hàng từ 5 giờ chiều ngày hôm trước, đến 9 giờ tối đã rất đông, và có nhóm người tự làm số để phát với nhau. Sáng ngày 13 Tháng Sáu, vào lúc 4 giờ kém 15 phút, chị Trang đã có mặt ở địa điểm nộp hồ sơ tại nhà trường, và số của chị là 225. Chị cũng cho biết rằng có rất nhiều nhóm thanh niên không có hồ sơ, cố tạo ra hàng rào chen lấn, xô đẩy luôn bà bầu, phụ nữ, người già. Chị Trang cũng nói thêm những năm qua không có tình trạng này nhưng năm nay đông đột biến, mà chị không hiểu tại sao.
Ông Đặng Việt Tuấn (Hà Đông, Hà Nội), một người dân khác, than thở: Nếu có kế hoạch thì nhà trường phải căng dây để phụ huynh cứ canh theo dây mà xếp hàng, chứ để mọi người tự ý thì quá vất vả.
Có thể thấy người dân địa phương cũng hoàn toàn bất ngờ trước sự đông đúc đến mức hỗn loạn khi đến nộp hồ sơ xin vào học lớp 1 cho con.
Bà trưởng phòng Giáo dục Đào tạo quận Hà Đông cũng “bất ngờ”?
Nếu các bậc phụ huynh không hiểu lý do tại sao lại có cảnh chen lấn xô đẩy khi nộp hồ sơ cho con vào lớp 1 năm nay thì còn dễ hiểu vì họ thiếu thông tin, còn bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo, quận Hà Đông lấy làm “bất ngờ” trước cảnh này thì cũng thật là bất ngờ!
Vì bà từng phát biểu trong bản tin của báo Hà Nội Mới ngày 26 Tháng Tư 2023 rằng “việc thực hiện tinh giản biên chế theo quy định trong bối cảnh số lượng học sinh, quy mô trường, lớp ngày càng tăng là một bài toán khó” trước thực trạng được bản tin đề cập về tình trạng Hà Đông là quận hiện có số lượng học sinh dẫn đầu thành phố Hà Nội, với khoảng 117,000 em và liên tục tăng trong vài năm gần đây.
Niên khóa 2023-2024, ngành giáo dục Hà Nội đứng trước thách thức lớn trong việc bảo đảm đủ số lượng giáo viên trong bối cảnh học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp tăng gần 51,000 em, trong đó tăng mạnh nhất là ở lớp 6 với khoảng 38,800 em, còn lớp 1 tăng khoảng 11,600 em.
Tại Sài Gòn, một phụ huynh gần nhà chia sẻ với tôi năm nay chị có con vào lớp 1 trường điểm của quận. Dù gia đình có hộ khẩu ở quận khác, nhưng nhờ quen biết với ông chủ tịch phường ở quận chị tạm trú, nên việc chị xin cho con vào lớp 1 trường điểm là không khó mấy. Dĩ nhiên đằng sau việc giúp đỡ này của ông chủ tịch phường thì chị phải có chút đỉnh gọi là “bồi dưỡng”.
Giáo viên thiếu, còn học sinh lại tăng
Tình trạng thiếu giáo viên không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn là vấn đề chung của Việt Nam hiện nay. Như VnExpress đưa tin vào ngày 13 Tháng Năm 2023 rằng tình trạng thiếu giáo viên là vấn đề nan giải của ngành giáo dục từ đầu năm học mới đến nay. Hồi đầu năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết cả nước có 1.6 triệu giáo viên, thiếu khoảng 100,000 người.
Dù có chỉ tiêu tuyển thêm giáo viên, các trường vẫn bất lực vì thu nhập của giáo viên quá thấp. Cũng theo VnExpress, thu nhập bình quân của giáo viên mầm non sau năm năm đạt 4.5 đến 4.7 triệu đồng/tháng ($191- $199/tháng), đã gồm phụ cấp và thâm niên. Còn giáo viên mới chỉ nhận lương khoảng 3 triệu đồng/tháng ($127/tháng) trong 2-3 năm đầu.
Trong chín tháng của năm 2022, khoảng 16,000 giáo viên bỏ việc, nguyên nhân cũng vì lương quá thấp khiến ngành này không thu hút được nguồn nhân lực bổ sung.
Trong khi số lượng giáo viên ngày càng thiếu, số học sinh lại tăng. Theo VietnamNet ngày 28 Tháng Tám 2022, trong 6 năm qua, cả nước giảm 48,100 giáo viên trực tiếp đứng lớp ở bậc phổ thông, nhưng số học sinh lại tăng hơn 2.5 triệu!
Trước tình trạng này, niên khóa 2022-2023, Sở Giáo dục Đào tạo ở Sài Gòn buộc lòng phải hướng dẫn tất cả các trường trực thuộc chủ động liên kết, để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn, đối với các vị trí giáo viên thiếu nguồn tuyển dụng, như các môn Công nghệ, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật.
Phẩm chất đào tạo ở các trường cùng cấp học không đồng đều
Quay trở lại việc phụ huynh phải chen lấn xô đẩy từ lúc rạng sáng để nộp hồ sơ cho con vào lớp 1 ở trường tiểu học Vạn Bảo, tại sao như vậy? Tại sao không cho con vào lớp 1 trường khác mà cứ nhất định phải xin vào trường này cho khổ?
Thì ra, trường tiểu học Vạn Bảo được tiếng là trường công lập “chất lượng cao”. Và nỗi khổ chen lấn của phụ huynh bắt nguồn từ thực trạng phẩm chất đào tạo của các trường tiểu học tại Hà Nội không đồng đều. Nên bằng mọi giá, tìm cho con một chỗ ngồi trong trường chuyên, trường điểm vẫn là cái đích phải với tới của các bậc phụ huynh Hà Nội.
Như vậy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã thất bại vì không đi đúng hướng với mục tiêu “bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học”. Vì nếu các trường có phẩm chất đào tạo khác nhau, có chỗ cao, có chỗ thấp, thì không thể bảo đảm được việc phát triển phẩm chất và năng lực một cách đồng đều!
Để loại bỏ hạng mục chen lấn nộp hồ sơ cho con vào lớp 1 trông rất thảm ra khỏi danh sách phải chen lấn bằng được của người Hà Nội thì ngành giáo dục trước tiên phải bảo đảm phẩm chất giảng dạy tại các trường tiểu học, tuyển dụng đủ số lượng giáo viên đứng lớp và về cơ sở vật chất phải đáp ứng kịp với tốc độ gia tăng số lượng học sinh đầu mỗi niên khóa.
Xem ra, lời giải thì đã có, nhưng giải được hay không lại tùy thuộc vào cái đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo!
(Văn hóa-Giáo dục-Đời sống)