Saturday, November 23, 2024
No menu items!
spot_img
HomeKiến ThứcLịch SửMùa Xuân cho những người lính cũ: ‘Anh không chết đâu Anh’...

Mùa Xuân cho những người lính cũ: ‘Anh không chết đâu Anh’ trong lòng một Việt Nam tự do, dân chủ

Vann Phan

Hiệu kỳ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa

(Tiếp theo)

Phần này không có mục đích đề cao vai trò của quân đội Miền Nam, tức Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, qua các trận đánh lớn hay các chiến tích lịch sử đã tạo nên những thiên anh hùng ca bi tráng trong quân sử của quân đội đó qua Cuộc Chiến Tranh Việt Nam vừa rồi. Phần này cũng không có dụng ý bào chữa cho cuộc thất trận bất ngờ của quân đội Miền Nam trước các lực lượng Cộng Sản từ Miền Bắc tràn xuống để thực hiện cuộc hành quân sau cùng của họ trong chiến dịch được gọi là “Chiến Dịch Hồ Chí Minh lịch sử” vào những ngày đầu của năm 1975. Các đề tài đó nằm trong nhiệm vụ của những nhà phê bình, những kẻ viết hồi ký chiến tranh, những học giả và những sử gia.

Phần này chỉ có mục đích nói lên sứ mạng bảo vệ chiếc vườn ươm mầm dân chủ và tự do của quân đội đó trong suốt hơn hai thập niên chiến tranh khốc liệt tại Miền Nam Việt Nam, để rồi khi những người lính Cộng Hòa kia phải buông súng thì đó cũng chính là lúc cái mầm dân chủ và tự do tại Miền Nam Việt Nam – mà họ từng xả thân bảo vệ – đã đủ sức mạnh mà đâm chồi, nảy lộc, mọc cành, ra lá để gây muôn vàn khó khăn và, sau cùng, có thể dẫn tới việc giải thể chế độ dộc tài, đảng trị của Cộng Sản Việt Nam trên cả hai miền Nam và Bắc, trước kia từng là hai thực thể chính trị và kinh tế hết sức khác biệt nhau mà các lãnh tụ Cộng Sản tại Hà Nội đã ra sức thống nhất làm một sau chiến thắng năm 1975 và gọi hai thực thể này dưới một cái tên chung là nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

……………………………………..

Một chút lịch sử: Bước thăng trầm của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Từ năm 1950 cho tới năm 1975, Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã có những thời điểm và giai đoạn lịch sử tưởng chừng như là nguy kịch đến nơi rồi, nhưng họ vẫn đứng vững cho tới năm 1975 để hà hơi, tiếp sức cho cái mầm dân chủ, tự do của đất nước mà giờ đây đang trở thành mầm sống và nguồn hy vọng của dân tộc Việt Nam thống nhất. Hồi năm 1954, sau khi quân đội Liên Hiệp Pháp (trong đó có Quân Đội Quốc Gia Việt Nam) bị bại trận tại Điện Biên Phủ, Quân Đội Quốc Gia Việt Nam đã có nguy cơ bị tan rã nếu Ông Ngô Đình Diệm không kịp thời về chấp chánh, nắm giữ quyền Thủ Tướng chính phủ.

Sau Hiệp Định Geneva, trong hai năm 1954 và 1955, Quân Đội Quốc Gia Việt Nam cũng đã gặp phải nguy cơ bị chia năm, xẻ bảy nếu chính quyền Ngô Đình Diệm không đánh dẹp được quân đội riêng của các lực lượng, phe nhóm bất hợp tác khác trong nước mà Thực Dân Pháp đã dung dưỡng nhằm thao túng chính trường Miền Nam sau khi họ phải rút về.

Kể từ cuộc khủng hoảng Phật Giáo vào mùa Hè năm 1962, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa cũng đã gặp phải nguy cơ suy sụp -nhưng rồi vẫn đứng vững- vì du kích quân thuộc cái gọi là Mật Trận Giải Phóng Miền Nam đã thừa lúc dân chúng tại các thành thị Miền Nam Việt Nam mải mê xuống đường đánh phá chính phủ Ngô Đình Diệm mà tăng cường những vụ tấn công trực diện vào các tỉnh lỵ, quận lỵ tại Miền Nam, tràn ngập nhiều chi khu và chiếm đóng nhiều quận lỵ trên toàn quốc.

Sau khi Tổng Thống Diệm bị các tướng lãnh trong quân đội Miền Nam – có sự giật dây của chính quyền Kennedy vì Mỹ vẫn đổ lỗi cho chính phủ của Ông Diệm là đã gây ra cuộc khủng hoảng Phật Giáo làm suy yếu cuộc chiến đấu chống Cộng tại Miền Nam Việt Nam – đảo chánh rồi ám sát vào cuối năm 1963, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa cũng đã thật sự phải đối diện với nguy cơ sụp đổ trước các cuộc tấn công gia tăng ác liệt của Cộng quân. Các bản tin chiến sự cho hay Cộng quân, lợi dụng tình trạng hỗn quan, hỗn quân tại Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, đã gia tăng các cuộc tấn công lấn chiếm trên toàn quốc, khiến cho lãnh thổ quốc gia tại Miền Nam Việt Nam ngày càng bị thu hẹp, với nhịp độ thất thủ có lúc lên đến chóng mặt là mỗi tuần mất đi một quân lỵ và mỗi tháng mất đi một tỉnh lỵ.

Nhưng, từ năm 1965 trở đi, sau khi mọi xáo trộn đã qua và kể từ lúc phe quân nhân thực sự nắm giữ quyền chính trị và quân sự tại Miền Nam Việt Nam – với danh xưng mới là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – thì quân đội Miền Nam Việt Nam đã phục hồi lại phần lớn năng lực đã mất để có thể mở các chiến dịch hành quân tảo thanh Việt Cộng và bình định nông thôn trên bốn vùng chiến thuật. Cũng trong khoảng thời gian này, Hoa Kỳ đã trực tiếp can dự vào cuộc Chiến Tranh Việt Nam qua việc các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến, không vận, bộ binh, không quân và hải quân Mỹ cùng quân đội các nước đồng minh khác như Đại Hàn Dân Quốc, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan,… tham gia chiến đấu chống lại Cộng quân bên cạnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Biến cố Tết Mậu Thân đầu năm 1968 là một đòn nữa giáng vào quân đội Miền Nam Việt Nam khi hằng chục sư đoàn Cộng quân gồm quân chính quy Cộng Sản Bắc Việt và quân du kích của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đồng loạt mở cuộc “tổng tấn công, tổng nổi dậy” bất ngờ trong thời gian hưu chiến nhân dịp Tết, đánh vào nhiều tỉnh lỵ và thành phố tại Miền Nam Việt Nam, kể cả thủ đô Sài Gòn và cố đô Huế. Nhưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã đứng vững và lần lượt tái chiếm hết những phần đất bị Cộng quân tạm chiếm, kể cả cố đô Huế, và xóa tên nhiều đại đơn vị của Cộng quân.

Quân đội này lại còn hùng mạnh hơn lên khi đồng minh Hoa Kỳ quyết định tăng cường võ trang các chiến cụ tối tân cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để họ có thể tự mình chiến đấu bảo vệ Miền Nam Việt Nam đặng quân Mỹ có thể yên lòng và có thêm chính danh mà rút về nước trong một chiến lược mới được gọi là “kế hoạch Việt Nam Hóa chiến tranh” do Tổng Thống Richard Nixon và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia lúc bấy giờ là Tiến Sĩ Henry Kissinger đề xướng.

Rồi cuộc tổng tấn công Mùa Hè năm 1972 của Cộng quân lại diễn ra sau khi Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam tại Hà Nội quyết định rằng Cộng quân phải lấn cho bằng được càng nhiều đất càng tốt, giành cho bằng được càng nhiều dân càng hay để họ có thể chiếm lợi thế trên bàn hội nghị bốn bên lâm chiến đang diễn ra tại Paris, Pháp, nhằm “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình” tại Miền Nam Việt Nam. Dù bị tấn công bất thình lình và bước đầu bị mất đi thành phố Quảng Trị tại Vùng 1 Chiến Thuật và quận (chi khu) An Lộc tại Vùng 3 Chiến Thuật, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một lần nữa, lại cả thắng trong “mùa Hè đỏ lửa” ấy, lấy lại hầu hết những đất đai và dân chúng đã mất vào tay Cộng quân trước đó.

Hội nghị hòa bình tại Paris kết thúc với Hiệp Định Paris (Ba Lê) 1973, theo đó chính quyền Nixon, vì quá nóng lòng muốn lấy lại các tù binh đang bị Cộng Sản Bắc Việt giam giữ cũng như để thỏa mãn đòi hỏi phải chấm dứt chiến tranh và rút quân đội về nước của các nhóm phản chiến đang lên cao tại Mỹ, đã ép buộc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa phải nhân nhượng nhiều điều hết sức thất lợi cho sự sống còn của Miền Nam Việt Nam sau này qua bản văn chung cuộc của Hiệp Định Paris 1973.

Cái chết của Miền Nam Việt Nam và cái chết của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là hậu quả tất yếu của một cuộc chiến tranh trong đó cả hai bên lâm chiến đều không ai có đủ điều kiện -quân sự và chính trị- một mình đứng ra đảm đương cuộc chiến mà phải nhờ đến các thế lực bên ngoài. Rồi khi một trong hai bên nào đó thình lình bị đồng minh bỏ rơi -như trường hợp của Việt Nam Cộng Hòa- thì kẻ bị bỏ rơi đương nhiên phải thua trận.

Vì bị Hoa Kỳ bỏ rơi nửa chừng sau khi dân chúng và chính phủ của nước đồng minh này không chịu đựng nổi những tổn thất kéo dài về nhân mạng và tiền bạc trong cuộc chiến, Việt Nam Cộng Hòa – hay Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – đành phải chết đi một cách tức tưởi. (Ở đây, người viết thấy cần phải nói lên cảm nghĩ rằng phần đông những người lính Cộng Hòa cũ, sau nhiều năm suy nghĩ về sự bỏ rơi kia, đã thôi không còn oán hận gì người bạn chiến đấu Mỹ năm xưa. Đại đa số dân chúng Miền Nam Việt Nam bây giờ đều hiểu rằng một dân tộc giàu có và đáng sống như dân tộc Mỹ mà dám hy sinh cả trên 50,000 mạng người -hầu hết là những thành phần trẻ ưu tú- trong cuộc chiến tranh bảo vệ tự do, dân chủ cho Miền Nam Việt Nam thì ngần ấy những hy sinh là đã quá đủ rồi. (10)

Lẽ ra, những thanh niên Mỹ kia phải được quyền vui hưởng cuộc đời đầy ắp tương lai xán lạn nơi quê nhà thay vì phải rời bỏ mái ấm gia đình để rồi bỏ thân trên những chiến trường đèo heo, hút gió trong một cuộc chiến bị phần lớn thế giới vì lầm mê mà lên án như thế. Hơn nữa, như bức tượng tại đài kỷ niệm chiến binh Việt-Mỹ tại Little Sài Gòn ở Orange County, Miền Nam California, đã cho thấy, chính nhờ những hy sinh xương máu cao cả và sự yểm trợ đắc lực của hằng trăm nghìn chiến binh Mỹ trong hơn một thập niên dài chiến đấu mà người lính Cộng Hòa đã có thể giữ vững tay súng đặng bảo vệ cái mầm dân chủ, tự do kia cho được vẹn toàn). Nhưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – hay những người lính Cộng Hòa – khi chết đi, đã để lại một di sản vô giá cho toàn thể dân tộc Việt Nam, đó là mầm mống dân chủ, tự do ngay trong lòng người dân Việt và trên khắp các ruộng đồng, phố xá, vườn tược, đường sá, cầu cống, chợ búa, nhà thương, học đường, chùa chiền, thánh đường, nhà thờ… tại Miền Nam Việt Nam.

Chính cái nếp sống tự do, dân chủ của dân chúng Miền Nam Việt Nam đã làm cho người dân trong Nam, ngay từ những ngày đầu Sài Gòn sụp đổ, không ngần ngại bác bỏ chủ nghĩa Cộng Sản từ ngoài Bắc đem vào bằng cách hễ ăn gạo thì nói ăn gạo, ăn bo-bo thì nói ăn bo-bo, chứ không tìm cách dùng những mỹ từ để che đậy cái đói, cái khổ của mình cho vừa lòng quân thống trị. Chính cái nền kinh tế thị trường theo kiểu tư bản của Miền Nam Việt Nam đã đánh gục hầu hết những mô thức kinh tế theo kiểu công trường, hợp tác xã, xí nghiệp quốc doanh, bù lỗ, bao cấp… của Cộng Sản Việt Nam. (11) Và, trên một chừng mực nào đó, chính các sinh hoạt tự do, dân chủ đa đảng của Miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975 đã dạy cho một số không nhỏ cán bộ, viên chức Cộng Sản Việt Nam dần dần biết thản nhiên từ bỏ Đảng tịch, từ bỏ chức vụ để đứng về phía dân chúng đối kháng chế độ Cộng Sản độc đảng, đòi tự do, dân chủ đa nguyên trên cả hai miền Nam, Bắc như hiện nay.

“Mây ngậm ngùi xuống thấp, Hồn kiêu hãnh dâng cao.”

Các anh là những người chiến binh “bất tử.”

“Anh không chết đâu Anh” trong lòng một Việt Nam tự do, dân chủ

Những gì sẽ xảy ra nếu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và tiền thân của quân đội này không hiện hữu hay quân đội này phải bị tan rã ngay từ các thời điểm 1954, 1963, 1965, 1968, hoặc ngay cả vào năm 1972? Điều kỳ diệu là, ngay cả trong những giờ phút khó khăn nhất của Miền Nam Việt Nam khi cuộc chiến tranh xâm lược và phá hoại của Cộng Sản đang lên tới cao điểm với những cuộc tấn công liên tục ngoài chiến trường và những chiến dịch gây xáo trộn cùng bất ổn triền miên trong quần chúng ở hậu phương, dân chúng Miền Nam, dưới sự bảo vệ vững chắc và nhờ những hy sinh vô bờ bến của người lính Cộng Hòa nơi tuyến đầu khói lửa cũng như trên khắp các mặt trận khác, vẫn có được cái xa xỉ là tiếp tục sinh hoạt bình thường, tiếp tục mua bán, kinh doanh làm giàu, và tiếp tục ăn học thành tài để trở thành những chuyên gia rường cột của đất nước mai sau.

Và điều may mắn lớn lao nhất cho dân tộc là sự thể quân đội này đã thoát hiểm và sống còn đến trên hai thập niên, cũng vừa đủ thời gian cho mầm tự do, dân chủ đâm chồi và bén rễ trên quê hương Việt Nam khiến cho Cộng Sản Việt Nam ngày nay chỉ còn là một cái vỏ trống không, và tất cả những giáo điều cùng lý luận của chủ nghĩa Cộng Sản đều lâm vào ngõ bí khi các vị “thánh tổ” của chủ nghĩa này từ bên trời Âu lần lượt lăn đùng ra chết. Dĩ nhiên là Cộng Sản Việt Nam vẫn còn giữ lại một điều duy nhất, đó là nguyên tắc độc đảng, mà nếu họ lại bỏ đi nữa thì cái câu “trong bụng mỗi người dân An Nam đều có một ông quan” – vốn do một quan chức thực dân Pháp nham hiểm thốt lên từ hồi đầu thế kỷ trước – hóa ra chẳng có ý nghĩa gì hết hay sao?

Dẫu sao, ba thập niên sau ngày Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, khi nghĩ về Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và cái chết tuy đầy uất ức nhưng cũng đầy hào hùng của quân đội này vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975, người ta vẫn thấy rằng cái tinh thần mà quân đội đó mang theo vào mỗi trận đánh, mỗi chiến trường trên khắp các nẻo đường đất nước từ Nam chí Bắc – xin đừng quên những Phạm Phú Quốc, Trần Thế Vinh, Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Đình Bảo, Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Nguyễn Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn… – vẫn còn sống mãi trong lòng dân tộc và sẽ là mầm phục sinh cho một đất nước và một dân tộc đã trải qua gần hết mọi cuộc bể dâu trong đời. Hay, nói như Nhật Trường Trần Thiện Thanh, một người lính Cộng Hòa và cũng là một ca, nhạc sĩ tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại qua nhạc phẩm “Anh Không Chết Đâu Anh”: “Không, anh không chết đâu anh. Chưa, anh chưa chết đâu anh…” (Hết)

(Nguồn Người Việt)

(Lịch sử- Sự kiện)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments