Lê Ngọc Luân
Tôi đã quan sát thật kỹ và cố gắng chắt lọc các thông tin để nhận thấy rằng phán quyết của TAND tỉnh Nghệ An tuyên giảm từ 5 năm tù xuống 15 tháng tù nó hiện rõ mồn một bức tranh nền tư pháp Việt Nam hiện nay. Vì sao? Xin đặt ra các giả thiết để các bạn tự cho mình nhận định vậy!
1) Giả sử nếu sau khi toà sơ thẩm tuyên 5 năm tù và dư luận, báo chí truyền thông không lên tiếng kịch liệt thì có khả năng xảy ra bản án phúc thẩm giảm sâu như vậy không?
2) Sau khi toà sơ thẩm tuyên, trước áp lực dư luận, Chánh án toà Hưng Nguyên cho rằng chúng tôi cũng trăn trở, đã tuyên thấp nhất của khung hình phạt (5 năm tù) do cô Dung không có các tình tiết giảm nhẹ đủ theo Điều 51 và 54 BLHS nên không thể tuyên thấp hơn. Vậy câu hỏi đặt ra tại sao phiên toà phúc thẩm cô Dung vẫn kêu oan nhưng toà cấp phúc thẩm vẫn chuyển khung và giảm sâu mức án, chỉ còn mấy ngày nữa ra tù?
3) Nếu cô Dung có tội (đầy đủ chứng cứ căn cứ pháp lý thuyết phục) chúng ta có tin rằng toà phúc thẩm sẽ tuyên án 15 tháng tù (khung hình phạt cao nhất là 10 năm)? Và giả sử nếu như cô Dung không bị bắt giam thì toà có tuyên miễn hình phạt như cô Hương (do không bị giam ngày nào)? Có phải do cô Dung bị bắt giam nên tuyên gần bằng mức tạm giam để phù hợp hay đó là mức án hợp tình hợp lý? Dư luận có đặt câu hỏi tuyên án gần bằng mức tạm giam để tránh bồi thường oan ai như bà Lê Thị Thu Ba – Phó trưởng ban chỉ đạo cải cách Tư pháp từng phát biểu mang tính thời sự rằng “có trường hợp lỡ bắt rồi nên phải xử, phải tuyên phạt cho tương xứng”?
4) Trong vụ việc này, toà Hưng Nguyên hoặc toà tỉnh Nghệ An một trong hai toà có toà sai, chắc chắn! Vậy nếu sai thì trách nhiệm của những người thẩm phán xét xử sẽ thế nào? Tiếng kêu thấu trời xanh của thân phận con người đối với những người cầm chiếc búa có đặt trái tim của mình vào đó trước khi giáng xuống số phận đồng loại không?
5) VKS tỉnh Nghệ An kháng nghị (ai đọc cũng hiểu là điều tra để làm rõ số tiền lớn hơn, nếu vậy cô Dung sẽ chịu án nặng hơn 5 năm). Tuy nhiên, toà bác kháng nghị, vậy VKS kháng nghị đúng không? Nếu đúng thì có đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm để tránh bỏ lọt tội phạm không? Nếu sai thì VKS có ý kiến hay trách nhiệm gì với yêu cầu kháng nghị sai của mình?
6) Sẽ có bao nhiêu vụ án như cô Dung? Và có bao nhiêu thân phận con người trên đất nước này vướng lao lý có được “may mắn” dư luận lên tiếng? Vậy những thân phận không may mắn ấy giờ sẽ phải thế nào?
P/S: Bài viết này, không chỉ chia sẻ riêng với những người đọc trên Facebook mà tôi còn mong muốn lớn hơn những người đứng đầu Quốc Gia hãy nhìn xuống phía nhân dân để thấu hiểu rằng – còn có rất nhiều tiếng kêu ai oán!
Cô Dung là một hạt cát bé nhỏ có “chút may mắn” trong hàng tỷ hạt cát “không may mắn” giữa đại dương mênh mông này.
Cuối cùng, tôi gửi lời chúc mừng đến các đồng nghiệp của mình đã nỗ lực, tận hiến bảo vệ tốt nhất cho Thân chủ! (TD).