Saturday, November 23, 2024
No menu items!
spot_img
HomeUncategorizedHenry Kissinger: 100 tuổi tay chưa khô máu

Henry Kissinger: 100 tuổi tay chưa khô máu

Di sản đáng nhớ nhất của Kissinger là vô số núi xác người và một bàn tay nhuốm máu.

Mai Vũ Phạm

Ngày 27 Tháng Năm, năm 2023, Henry Kissinger chính thức bước sang tuổi 100, và được nhận những lời chúc tốt đẹp nhất từ giới ngoại giao khắp nơi. Tuy nhiên, đối với khá nhiều người, Kissinger lại là một tội đồ chiến tranh và một kẻ đáng nguyền rủa, vì những tội ác mà ông đã gây ra ở nhiều quốc gia, như Chile, Bangladesh, Argentina, và Campuchia.

Nhằm đánh dấu sinh nhật 100 tuổi của Kissinger, Cục Lưu trữ An ninh Quốc gia, một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận, đã phát hành lại 38 tài liệu và liên kết đến hàng chục tài liệu khác, từ thời Kissinger làm cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng cho các cố Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford. Những tài liệu này phơi bày được tội ác kinh tởm của Kissinger. Từ 1969–1976, những chính sách ngoại giao của Kissinger để lại nhiều vết máu khó rửa cho cả Hoa Kỳ và thế giới dân chủ.

Henry Kissinger trong một lần gặp Vladimir Putin – Moscow ngày 29 Tháng Tư 2015 (ảnh: Sasha Mordovets/Getty Images)

Chile

Chile được đánh giá là nỗi ô nhục lớn nhất trong di sản của Kissinger, khi ông là kiến trúc sư trưởng của chính sách gây bất ổn cho chế độ Salvador Allende. Kissinger đã bày tỏ sự ủng hộ đối với tướng Augusto Pinochet, người đã thực hiện cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống được bầu cử dân chủ là Salvador Allende vào Tháng Chín năm 1973.

Điều đáng nói, Kissinger thậm chí nhắm mắt làm ngơ trước sự đàn áp tàn bạo của tướng Pinochet đối với những người ủng hộ Allende, bao gồm cả vụ đánh bom xe của một nhà phê bình nổi tiếng đang sống lưu vong ở Washington DC, Orlando Letelier, và khiến một đồng nghiệp trẻ người Mỹ, Ronni Moffitt, thiệt mạng.

Vào thời điểm đó, cố Tổng thống Richard Nixon đang xem xét đề xuất của một trong những phụ tá của Kissinger để đạt được một thỏa thuận tạm thời với chính quyền Allende. Tuy nhiên, Kissinger đã hoãn cuộc họp tại Nhà Trắng giữa Nixon với người phụ tá và thuyết phục Nixon tiêu diệt chính phủ mới của Chile. Sau khi tiến hành cuộc đảo chính thành công, Tướng Augusto Pinochet thiết lập một chính quyền quân sự. Pinochet thiết lập chế độ quân trị khắc nghiệt, từ đó bắt đầu quá trình “tái cấu trúc quốc gia”, nhưng thực chất là các cuộc đàn áp, bắt bớ những nhân vật đối lập.

Viện cớ chống lại mối đe dọa của cộng sản, Pinochet thiết lập một chế độ độc tài toàn trị, giải thể Quốc hội và các đảng phái chính trị, lập ra tổ chức mật thám DINA. Tổng cộng trong thời kỳ độc tài Pinochet, có khoảng 30 nghìn người bị tù đầy tra tấn vì lý do chính trị, và có khoảng 3,000 người bị bắt chết, ám sát, hay mất tích. 200,000 người Chile cũng phải bỏ chạy khỏi đất nước.

Nhân viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lúc đó đã kêu gọi Kissinger tố cáo Pinochet vì những vi phạm nhân quyền của ông ta, nhưng Kissinger gạt những lời thỉnh cầu này sang một bên. Kissinger thậm chí còn nói với Pinochet trong một cuộc họp riêng rằng: “Chúng tôi muốn giúp đỡ anh, và không muốn làm tổn hại đến anh.”

Đông Timor

Tháng 12 năm 1975, Tổng thống Suharto của Indonesia đang dự tính xâm lược Đông Timor, trước đây là thuộc địa của Bồ Đào Nha và đang tiến tới độc lập. Vào ngày 6 tháng 12, Tổng thống Gerald Ford và Ngoại trưởng Kissinger đang đến thăm Bắc Kinh và đã dừng lại ở Jakarta để gặp Suharto.

Tổng thống Indonesia lúc đó đã báo hiệu rằng ông có ý định đưa quân vào Đông Timor và sáp nhập lãnh thổ này vào Indonesia. Tổng thống Ford và Kissinger không phản đối. Kissinger nói thêm, “Điều quan trọng là bất cứ điều gì bạn làm đều thành công nhanh chóng.”

Kissinger nhắc nhở Suharto hãy đợi cho đến khi cả Ford và Kissinger trở lại Hoa Kỳ thì hãy tiến hành cuộc xâm lược. Cuộc xâm lược tàn bạo của Suharto vào Đông Timor đã khiến 200,000 người thiệt mạng. Một Ủy ban Sự thật Đông Timor sau đó đã kết luận rằng sự hỗ trợ về chính trị và quân sự của Hoa Kỳ dành cho Suharto là “nền tảng cho cuộc xâm lược và chiếm đóng của Indonesia.”

Bangladesh (East Pakistan)

Năm 1970, một đảng chính trị ủng hộ quyền tự trị cho Đông Pakistan đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội. Tuy nhiên, vì lo sợ dân chủ, nhà độc tài quân sự cầm quyền Pakistan vào lúc đó là Tướng Agha Muhammad Yahya Khan đã bắt giữ thủ lĩnh của chính đảng này và ra lệnh cho quân đội tiêu diệt người Bengal. Một nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ ở Đông Pakistan đã gửi một bức điện trình bày chi tiết và chỉ trích hành động tàn bạo của quân đội Yahya đối với người Bengal và báo cáo rằng họ đang phạm tội “diệt chủng.”

Vào thời điểm đó, tướng Yahya đang giúp Kissinger và Nixon thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Vì thế, Nixon và Kissinger đã từ chối chỉ trích Yahya, nhắm mắt làm ngơ, thậm chí âm thầm chấp thuận cuộc tàn sát diệt chủng của Pakistan đối với 300,000 người Bengal. Vào mùa xuân năm 1971, sau cuộc đảo chính ở Đông Pakistan do Tướng Agha Muhammad Yahya lãnh đạo dẫn đến cái chết của hàng triệu thường dân, Kissinger đã gửi một bức điện nhắc nhở các nhân viên ngoại giao: “Đừng siết chặt Yahya vào lúc này.”

Campuchia

Ngay sau khi nhậm chức tổng thống đầu năm 1969, Nixon và Henry Kissinger đã lên kế hoạch bí mật ném bom Campuchia để truy đuổi các doanh trại địch. Theo cựu giám đốc Chương trình Nghiên cứu Diệt chủng tại Đại học Yale và là một trong những người có thẩm quyền hàng đầu trong chiến dịch không kích của Hoa Kỳ tại Campuchia, Kissinger phải chịu trách nhiệm đáng kể về các cuộc tấn công ở Campuchia giết chết 150,000 thường dân.

Các cuộc oanh tạc dữ dội bắt đầu vào Tháng Ba năm 1969 và kéo dài trong hơn một năm dưới sự chỉ đạo của Kissinger đã giết chết hàng trăm ngàn thường dân Campuchia. Nó cũng nhấn chìm đất nước Campuchia trong biển lửa, nước mắt, máu, và sự bất ổn, tạo tiền đề cho Pol Pot lên nắm quyền và sát hại ít nhất 2 triệu người nữa, gần một phần tư dân số của đất nước.

Trong suốt thời gian khi Kissinger sống cuộc đời xa hoa nhất của một chính khách thì những người sống sót sau sau các cuộc dội bom ở Campuchia đã phải vật lộn với mất mát, chấn thương, và hàng loạt câu hỏi chưa được trả lời. Ở một mức độ nào đó, Kissinger đã thừa nhận những hành vi này nhưng vẫn biện minh cho hành động là “lợi ích an ninh quốc gia.” Tuy nhiên, ai cũng hiểu rõ bản thất “thực dụng” và “máu lạnh” của Kissinger.

Đã có rất nhiều người chỉ trích sự nhẫn tâm, tàn ác của Kissinger. Tuy nhiên, có lẽ người diễn đạt một cách xúc tích và hùng hồn nhất về con người Kissinger là cố đầu bếp nổi tiếng của đài CNN, Anthony Bourdain”

“Một khi bạn đã đến Campuchia, bạn sẽ không bao giờ muốn ngừng đánh Henry Kissinger bằng tay không cho tới khi hắn chết. Bạn sẽ không bao giờ có thể mở một tờ báo và đọc về tên lưu manh phản bội, kẻ quanh co, giết người đó đang ngồi trò chuyện vui vẻ với Charlie Rose, hoặc tham dự một vài bữa tiệc trịnh trọng mà không bị nghẹt thở. Chứng kiến những gì Henry đã làm ở Campuchia – thành quả từ tài năng ngoại giao thiên tài của hắn – và bạn sẽ không bao giờ hiểu tại sao Kissinger lại không ngồi tại Tòa án The Hague, bên cạnh Milosevic.”

(Serbia Slobodan Milosevic, từng được mệnh danh là “đồ tể vùng Balkan, đã bị đưa ra xét xử ở tòa án quốc tế Hague năm 2002 vì những tội ác chiến tranh đã gây ra ở Croatia, Bosnia, và Kosovo. Milosevic đã chết trong tù trước khi phiên tòa kết thúc.)

Bàn tay nhuốm máu

Nhiều người mong một lời xin lỗi đến từ Kissinger trong dịp sinh nhật 100 tuổi này của ông ta. Nhưng có lẽ điều đó không bao giờ xảy ra. Tác giả David Corn nhấn mạnh, chúng ta nợ lịch sử và hàng trăm nghìn người chết vì “tài ngoại giao” “sống chết mặc bay” của Kissinger một lời xin lỗi. Di sản đáng nhớ nhất của Kissinger là vô số núi xác người và bàn tay nhuốm máu.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments