22 tổ chức quốc tế vừa gửi thư kêu gọi ông Filippo Grandi, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn bảo vệ cho người tị nạn Việt Nam và những người xin tị nạn nói chung tại Thái Lan khỏi bị bắt cóc và trả lại quê nhà, sau vụ mất tích của ông Đường Văn Thái vào tháng trước.
Trong bức thư chung gửi đi vào ngày 18/5, các tổ chức quốc tế bày tỏ mối quan ngại về sự an toàn và phúc lợi của những người tị nạn Việt Nam và người xin tị nạn tại Thái Lan, mà họ cho rằng “có nguy cơ bị các đặc vụ của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bắt cóc đem về nước”.
Vụ blogger Đường Văn Thái mất tích vào ngày 14/4/2023 là trường hợp người tị nạn Việt Nam thứ hai được biết đến có sự nhúng tay của các đặc vụ Việt Nam trong quá trình bắt cóc và đưa về Việt Nam để xử phạt vì những thông tin mà họ đưa ra.
Trước đó, vào tháng 1/2019, nhà báo Trương Duy Nhất cũng đột ngột mất tích khi đang xin tị nạn ở Thái Lan. Ông được cho là đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc đưa về nước, sau khi ông được báo chí đưa tin xuất hiện tại Việt Nam, rồi bị kết án 10 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Blogger Đường Văn Thái trốn sang Thái Lan vào năm 2018 và đã được cấp quy chế tị nạn. Ngay trước thời điểm mất tích, ông Thái được phỏng vấn và cho phép sang một nước thứ ba theo chương trình Tái định cư cho Người tị nạn của Liên Hiệp Quốc.
“Những vụ bắt cóc được báo cáo này, sau đó là giam giữ tùy tiện, là một sự vi phạm rõ ràng luật tị nạn quốc tế và luật nhân quyền”, bức thư chung của các tổ chức quốc tế viết. “Những hành động đàn áp xuyên quốc gia này cũng được tiến hành như một phương tiện để các chế độ đàn áp tiếp tục bịt miệng và đe dọa quyền tự do biểu đạt của những tiếng nói bất đồng chính kiến, thậm chí vượt ra ngoài biên giới quốc gia”.
Cho tới nay, sau hơn một tháng ông Đường Văn Thái mất tích, chính quyền Việt Nam chưa đưa ra thông tin gì về tình trạng của ông ngoài bản tin duy nhất được đăng hàng loạt trên báo chí chính thống ngay sau ngày ông Thái mất tích, rằng công an Hà Tĩnh vào ngày 14/4 phát hiện một đối tượng “không có giấy tờ tuỳ thân, xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới thuộc xã Sơn Kim 1” và “đối tượng khai nhận tên Đường Văn Thái”.
Trong thư chung, các tổ chức quốc tế kêu gọi Cao ủy Tị nạn LHQ chú ý hơn đến những trường hợp mất tích trên và thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tị nạn Việt Nam và những người xin tị nạn ở Thái Lan khỏi bị bắt cóc đem về nước.
Các tổ chức đề nghị cơ quan LHQ đánh giá rủi ro đối với những người xin tị nạn Việt Nam và các cá nhân được cấp quy chế tị nạn và thực hiện các biện pháp bảo vệ hiệu quả, đồng thời đẩy nhanh thủ tục tái định cư ở nước thứ ba cho họ nhằm tránh nguy cơ bị cưỡng chế trở về Việt Nam.
(VOA)