Saturday, September 28, 2024
No menu items!
spot_img
HomeBình LuậnLẠM PHÁT THÚC ĐẨY SỰ SỤP ĐỔ CỦA XÃ HỘI

LẠM PHÁT THÚC ĐẨY SỰ SỤP ĐỔ CỦA XÃ HỘI

(Sơn Nghị)

Lạm phát là một hiện tượng tất yếu trong nền kinh tế tư bản. Vì nền kinh tế được tự do hoạt động nên giá cả của hàng hóa và dịch vụ có khuynh hướng tăng dần. Dựa theo quy luật cung cầu, có những nguyên nhân dẫn đến giá cả tăng:

1. Nhu cầu của người tiêu thụ tăng, trong khi hàng hóa không đủ cung ứng

2. Chi phí tạo ra hàng hóa tăng. Dó đó giá thành của sản phẩm tăng

3. Chính sách tiền tệ của quốc gia; chẳng hạn ngân sách chi tiêu của chính phủ quá mức hạn định, nợ công nhiều hơn tổng sản lượng quốc gia, in tiền để trang trải chi tiêu, bù đắp ngân quỹ…

Nhiệm vụ của Quỹ Dự trữ Liên bang (Federal Reserve) là theo dõi và can thiệp mỗi khi mức lạm phát vượt quá hạn định. Nhưng hạn định là bao nhiêu? Thưa, khoảng 2%. Hiện nay, mức lạm phát là 8.3% tính đến tháng 8/2023 (1). Nhìn biểu đồ bên dưới, hai năm 2021 & 2022 vừa qua, mức lạm phát tăng vọt.

Một khi lạm phát tăng vọt, Quỹ Dự trữ Liên bang lập tức tăng lãi suất nhằm kềm hãm sức tăng trưởng của nền kinh tế. Vì lãi suất tăng – ít người dám vay vốn để kinh doanh – nên sức đầu tư giảm và như thế mức cầu sẽ giảm theo (nguyên nhân 1 trên). Và khi nhu cầu của người dân giảm (thắt lưng buộc bụng, bớt chi tiêu) thì giá cả sẽ dừng lại không tăng hoặc tăng chậm.

Lạm phát khiến mãi lực (sức mua) của đồng tiền giảm sút và ảnh hưởng trầm trọng đến nồi cơm của từng gia đình. Ví dụ, $12 thường ăn được một tô phở; vì lạm phát (lấy mức 8.3% tháng 8/22), giá tô phở sẽ tăng lên $13 hoặc cao hơn. Có người dễ tính cho rằng tăng thêm $1 có là bao, nhưng nên nhớ tô phở chỉ là một ví dụ về thức ăn, và các khoản tiêu dùng khác đều tăng theo vì lạm phát. Tính rợ, mỗi người dân phải trả thêm 8.3% cho toàn bộ chi tiêu hoặc đơn giản hơn, giá trị tài sản giảm đi 8.3%. Nếu mức lạm phát cứ tăng vọt như thế trong vài năm (đã qua 2 năm), giá trị của toàn bộ tiền để dành, tiền hưu dưỡng, và tiền lương của người dân sẽ vơi hụt đi rất nhiều. Đời sống của từng gia đình sẽ trở nên khó khăn hơn.

Gs. Ludwig Von Mises (1881–1973), nhà kinh tế lỗi lạc Áo, cảnh báo về nguy cơ của lạm phát, “…nếu lạm phát không được loại bỏ sớm, tất cả những cải tiến về công nghệ và khoa học sẽ không tránh khỏi một thảm họa tài chính to lớn, và sẽ phá hủy tất cả những gì nền văn minh đã tạo ra trong vài trăm năm qua.” (2). Nhà triết học George Santayana cho rằng, “Những ai không nhớ những bài học trong quá khứ có khuynh hướng sẽ phạm cùng một lỗi lầm,” và thời nay, chính quyền tiếp tục đề ra những chính sách kinh tế sai lầm nghiêm trọng gây xáo trộn và rối loạn trong xã hội. Các ngân hàng trung ương vẫn in tiền giấy vô trách nhiệm và đổ tiền tệ vào thị trường vô tội vạ để đáp ứng nhu cầu tiêu pha của chính phủ. Điều này có thể dẫn đến sự sụp đổ nền kinh tế và có nguy cơ kéo theo nền văn minh tuột dốc không phanh.

Một bài học trong quá khứ, nền văn minh Rôma, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá những hậu quả tai hại và nghiêm trọng qua chính sách lạm phát.

Ts. William Ophuls, nhà khoa học chính trị, phân tích sự nguy hại của lạm phát, “Cho dù trông có vẻ khiêm tốn hoặc vô hại đến mức nào, thì một chính sách lạm phát… luôn luôn [gây tai họa] về lâu về dài. Các chính sách lạm phát đã được thử nghiệm nhiều lần và luôn luôn đưa đến thất bại. Nó không giải quyết được các vấn đề của xã hội; nó làm tình trạng kinh tế suy sụp thêm và cơ nguy dẫn đến sự tự hủy hoại là điều không thể tránh khỏi.” (3)

Lạm phát được hiểu theo một số quan điểm như sau. Có người nhìn vào sự gia tăng của mức giá chung, và gọi là lạm phát giá cả. Có kẻ nhận thấy sự phát hành tiền giấy tăng vọt và bơm vào thị trường do chính phủ hoặc ngân hàng trung ương, được gọi là lạm phát tiền tệ. Chúng ta tập trung vào hiện tượng thứ hai vì lạm phát tiền tệ dễ dàng dẫn đến lạm phát giá cả và vì lạm phát tiền tệ mang tầm vóc hệ trọng hơn. Như Ludwig von Mises giải thích: “Giá cả tăng vì trong thị trường có thêm một lượng tiền lưu thông, mà không có một lượng hàng hóa tăng tương xứng. Và báo chí hay các nhà lý thuyết gọi giá cả cao là “lạm phát”. Nhưng lạm phát ở đây không phải là giá cả cao hơn; nhưng do lượng tiền mới được bơm vào thị trường. Chính lượng tiền mới này đã làm giá cả tăng lên.” (4)

Trong thời kỳ đầu của Cộng hòa Rôma, Nhà nước Rôma mở rộng lãnh thổ bằng cách đem quân xâm lăng các vùng lân cận. Sau khi đánh thắng, Rôma cướp hết tài sản của các nước bại trận sung vào quỹ của Nhà nước Rôma. Tuy nhiên, khi thất bại trước quân Đức vào năm 9 CN, Hoàng đế Augustus thu quân về và chấm dứt chính sách bành trướng; do đó, của cải từ các vùng lân cận cũng ngưng chảy về công quỹ của Rôma. Augustus, và các hoàng đế sau đó, vì quen thói tiêu pha phung phí, thường xuyên đối diện với tình trạng thiếu hụt công quỹ. Thuế má không dám tăng vì sợ dân chúng nổi loạn, và Joseph Tainter giải thích các hoàng đế Rôma giải quyết sự thiếu hụt đó thế nào: “Khi các khoản chi phí bất thường quá nhiều, nguồn cung cấp tiền đúc thường xuyên không đủ. Để giải quyết vấn đề này, bắt đầu vào năm 64 CN, hoàng đế Nero đề ra một chính sách mang lại lợi ích nhất thời nhưng gây hại cho nền kinh tế mà về sau các hoàng đế kế vị vẫn tiếp tục đi theo vết xe đổ của Nero.” (5)

Lợi bất cập hại. Đó là chính sách làm giảm giá trị của đồng bạc (silver) Rôma, đồng denarius (6), bằng cách trộn lẫn bạc với các kim loại rẻ tiền như đồng, đồng thời “cắt xén” trọng lượng của đồng xu nguyên chất vàng và bạc; hay nói cách khác, giảm kích thước của đồng xu. Kim loại quý dư thừa thu được từ việc cắt xén đồng xu được dùng để đúc ra nhiều đồng xu hơn, và với những đồng tiền mới này, Nhà nước Rôma trang trải các khoản nợ và chi phí xa hoa, đồng thời bơm đầy túi tiền của những chính khách và đám nội chính.

Chính quyền hiện nay cũng làm như vậy vì luôn có sẵn giấy và máy in. Thời xưa Rôma trộn lẫn bạc với đồng để đúc denarius, hoặc xén bớt kích thước của đồng xu để đủ kim loại quý đúc nhiều đồng xu hơn, so với thời nay in thêm tiền giấy để có nhiều con số không đàng sau những con số đã có sẵn nằm trong tài khoản được giữ tại ngân hàng trung ương, đều đưa đến một kết quả giống nhau – lạm phát tiền tệ. Một khi số lượng tiền trong lưu thông tăng lên và tất cả những yếu tố khác trong thị trường đều giữ nguyên, thì chắc chắn sẽ dẫn đến lạm phát và dĩ nhiên giá cả sinh hoạt sẽ tăng theo.

Trong thời kỳ lạm phát tiền tệ, lượng tiền mới được tạo ra không đi vào nền kinh tế một cách đồng nhất. Trước tiên, nó đi vào nền kinh tế thông qua bàn tay của các tổ chức có mối liên hệ chính trị chặt chẽ với chính quyền. Khi những người và các tổ chức này có thể chi tiêu số tiền mới được “ban phát” từ chính quyền trước khi giá cả tăng vọt, thì rõ ràng họ được hưởng lợi từ tình trạng lạm phát. Vì món tiền họ trang trải chi tiêu giữ được nguyên giá trị trước khi lạm phát (lúc này giá trị giảm). Như Ts. Jesus Huerta de Soto viết: “Tiến trình [lạm phát tiền tệ] làm phát sinh sự tái phân phối thu nhập mang lợi ích cho lớp người đầu tiên nhận được lượng tiền tệ mới bơm vào lưu thông, gây tổn hại cho phần còn lại của xã hội, những người nhận ra rằng với cùng một thu nhập, giá cả hàng hóa và dịch vụ bắt đầu tăng lên.” (7)

Vào thời Rôma cổ đại, Nhà nước lợi dụng khoảng thời gian giữa việc giảm giá trị đồng denarius và việc thị trường nhận ra giá trị của đồng tiền đang giảm dần để thanh toán các khoản nợ và chi phí bằng những đồng tiền mới được đúc, với giá trị cũ. Bằng cách thanh toán các món nợ bằng đồng tiên lúc chưa bị mất giá, giới tinh hoa chính trị Rôma tìm ra một phương pháp để thỏa mãn sự chi tiêu phung phí, bất cứ khi nào họ muốn, mà không cần tăng thuế. Và vì vậy, theo phương cách của Nero, bất cứ khi nào thiếu ngân quỹ, hoặc tăng cường quân đội, hoặc lập một dự án mới, hoặc chỉ đơn giản là tích trữ làm giàu kho bạc của Nhà nước, các hoàng đế kế vị Nero đều trộn lẫn bạc với các kim loại rẻ và xén bớt kích thước của đồng xu và dùng số kim loại quý thặng dư để đúc thêm tiền mới. Và như Gs. Ludwig Von Mises viết: “Nếu quý vị muốn nghiên cứu về [lạm phát], hãy đến một viện bảo tàng nơi họ lưu giữ các đồng xu và nên quan sát kỹ những đồng xu đúc bằng bạc của Đế chế Rôma thời cổ đại… Và rồi quý vị sẽ hiểu ra chính phủ cố ý làm để trục lợi bằng cách làm sai lệch hệ thống tiền tệ, bằng cách tăng số lượng tiền tệ bất hợp pháp, đi ngược lại ước muốn của người dân.” (8)

Đến năm 200 CN, hàm lượng bạc của đồng denarius đã giảm xuống chỉ còn 58% so với ban đầu, và hậu quả dẫn đến giá cả tăng vọt là điều dễ hiểu. Tính ra trải qua 16 triều đại, từ Nero đến Septimius, trong vòng 136 năm các hoàng đế Rôma đã thay phiên hủy hoại nền kinh tế bằng phương cách trộn với kim loại rẻ và cắt xén kích thước của đồng xu. Vào thời điểm đó, Nhà nước Rôma, theo cách nói của Harold Mattingly (9), “đang ngả theo hướng phá sản không thể nào tránh khỏi”. Tuy thế, bất chấp giá cả tăng cao, Nhà nước vẫn duy trì ảo tưởng về sự thịnh vượng bằng cách tiếp tục chính sách trộn lẫn kim loại và cắt xén trọng lượng. Và kết quả là: “Vào cuối thế kỷ thứ ba, tiền tệ vô giá trị đến mức Nhà nước phải dùng đến lao động cưỡng bức… Nhà nước không thể dựa vào tiền để đáp ứng các nhu cầu xa hoa nên đã thu thuế dưới hình thức cung ứng và trả trực tiếp cho quân lính và các ngành khác của chính phủ, hoặc dưới dạng thỏi kim loại quý để tránh phải nhận những đồng tiền vô giá trị.” (10)

Điều gì xảy ra với một xã hội khi hệ thống tiền tệ bị hủy hoại do lạm phát, nhà sử học Otto Friedrich giải thích: “Nếu tất cả tiền bạc trở nên vô giá trị, thì tất cả chính phủ, xã hội và mọi tiêu chuẩn cũng trở nên vô giá trị.”

Khi tiền tệ trở nên vô giá trị, trật tự xã hội dễ dàng bị xáo trộn, cấu trúc xã hội sụp đổ, và tạo nên một xã hội hỗn mang. Trong khoảng thời gian từ năm 235 đến 284 CN, nhiều nhóm quân đào ngũ mà Nhà nước Rôma không đủ khả năng trả lương, đi lang thang khắp vùng nông thôn, cướp phá các thị trấn nhỏ và trang trại. Họ man rợ cướp bóc và đốt phá các thị trấn, phá hủy mùa màng, trộm cắp gia súc và bắt cóc dân Rôma bán làm nô lệ. Thời gian trị vì trung bình của một Hoàng đế là vài tháng, nhiều hoàng đế Rôma bị xử tử, và có lúc 30 người đàn ông khác nhau tuyên bố lên ngôi. Các cuộc nội chiến diễn ra khắp nơi. Dân số giảm sút. Tình trạng xã hội vô luật pháp lan rộng.

Ts. Will Durant, nhà sử học, xác định: “Từ man rợ đến văn minh cần cả thế kỷ; từ văn minh đến man rợ chỉ cần một ngày.” (11)

Trong nỗ lực đối phó với tình trạng giá cả tăng nhanh, vào năm 301 CN, Hoàng đế Diocletian mắc phải sai lầm mà rất nhiều chính trị gia thời nay mắc phải trong thời kỳ lạm phát. Không thừa nhận giá cả tăng chính là do các chính sách tiền tệ gây ra lạm phát của Nhà nước, Diocletian cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách thực hiện các biện pháp kiểm soát giá đối với hàng hóa như lúa mì và các nhu yếu phẩm khác. Tuy nhiên, những biện pháp kiểm soát giá này lại dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa, phá nát hệ thống buôn bán của thương gia và phá hủy hệ thống giao thương giữa các vùng miền trong Rôma. Lactantius, cố vấn của Hoàng đế Constantine, giải thích: “Nhu yếu phẩm dẫn đến việc bãi bỏ luật.” Đã có lúc Diocletian cân nhắc việc tái khôi phục giá trị của tiền đúc, nhưng Nhà nước lại không có đủ lượng vàng và bạc. Đối mặt với những khoản chi tiêu khổng lồ và nợ nần ngày càng lớn, Diocletian và các hoàng đế kế vị, cảm thấy bất lực và cứ thế, tiếp tục dùng các chính sách lạm phát.

Gs. Ludwig Von Mises nhận định, “Cũng giống như khi người ta uống một số loại thuốc nhất định mà không biết khi nào nên ngưng, cũng như không biết làm thế nào để ngưng, điều này cũng giống như in hàng loạt tiền giấy rồi ném vào lưu thông gây ra lạm phát, các chính phủ không biết khi nào và làm thế nào để chấm dứt việc in tiền.”  (12)

Do chính sách lạm phát kéo dài của Nhà nước, trong nửa đầu của thế kỷ thứ 4, lạm phát phi mã bắt đầu sải bước. Joseph Tainter viết: “Vào thế kỷ thứ hai, một modius lúa mì (khoảng chín lít), trong thời gian bình thường, bán ra với giá 1/2 denarius… cùng một loại lúa mì bán ra năm 335 với giá hơn 6000 denarii và vào năm 338 với giá hơn 10.000. Vào năm 324, đồng tiền vàng trị giá 4250 denarii, nhưng đến năm 337, trị giá 250.000. Đến năm 363, giá trị vọt lên đến 30.000.000 (30 triệu) denarii.”  (13)

Tất cả tiền tiết kiệm của người dân Rôma từ năm 324 đến 363 bỗng chốc tan thành mây khói. Nhưng Nhà nước Rôma vẫn buộc dân đóng thuế và nếu người dân không đủ tiền trả thuế, lập tức bị bỏ tù. Vì vậy một số gia đình đã bỏ nhà cửa ruộng vườn đi tha phương cầu thực, hoặc bán con cái làm nô lệ. Gs. Von Mises đã cảnh báo về nguy cơ thất thoát tài sản của dân chúng, đặc biệt giới trung lưu trong xã hội hiện đại ngày nay, “Khi nói đến lạm phát, chúng ta đừng bao giờ quên rằng… chính là tước đoạt (trắng trợn) hàng loạt một khoản tiền tiết kiệm rất lớn của người dân và khiến họ tuyệt vọng…”  (14)

Đời sống nông dân hoàn toàn phụ thuộc vào vụ thu hoạch năm kế tiếp. Bất kỳ ngũ cốc nào vừa gặt hái xong đều được bán ngay lập tức để trang trải thuế má. Nếu bị bọn thổ phỉ quấy rối đánh phá, hoặc hạn hán, hoặc nạn châu chấu phá hoại mùa màng, họ đành phải vay mượn hàng xóm, bị bỏ đói, hoặc bị Nhà nước bỏ tù. “Trong hoàn cảnh đói kém, chính những người nông dân, thật đáng kinh ngạc, là những kẻ đầu tiên phải chịu thiệt thòi, thường đổ xô đến các thành phố có trữ lượng ngũ cốc.”  (15)

Do tình trạng vô luật pháp, tình trạng bất ổn và các cuộc nổi dậy bạo động ngày càng gia tăng. Giới tinh hoa chính trị cảm thấy quyền lực vuột dần khỏi tầm tay và trở nên tuyệt vọng. Bất chấp tình trạng nghèo khổ và nạn đói lan rộng, Nhà nước ngày càng độc đoán hơn và tiếp tục tăng thuế và lạm phát tiền tệ. Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ 5, tầng lớp nông dân quá bất mãn dưới sự thống trị của Nhà nước, và do đó, như Joseph Tainter giải thích: “May mắn là nhiều nông dân tỏ ra thờ ơ trước sự tàn lụi của đế chế Rôma, chỉ có một số ít quá bất mãn nên bắt tay với những kẻ xâm lược, đẩy nhanh tiến trình tan rã… Đế chế Rôma đánh mất cả tính hợp pháp nên không thể duy trì ngai vàng thêm một thời gian nào nữa… Rôma hoàn toàn không đủ năng lực để giải quyết các vấn đề xã hội và kinh tế.”  (16)

Lịch sử Rôma hầu như ít ai để ý, nhưng quan trọng vẫn là những bài học về sự suy tàn và diệt vong của một đế chế hùng mạnh nhất một thời. Một trong những bài học này là khi chính phủ, hoặc giới ưu tú ngân hàng, tự ban cho họ cái quyền – không giới hạn – cung ứng tiền tệ đổ vào thị trường, thì cũng giống như đùa với lửa. Đốm lửa ban đầu tưởng là vô hại nhưng sẽ bùng cháy và nhanh chóng trở thành cơn hỏa hoạn dữ dội. Một khi thần lửa lây lan vượt khỏi tầm kiểm soát thì luôn kết thúc bằng sự hủy hoại kinh tế, một dịp để một cuộc cách mạng nào đó hình thành, hoặc thậm chí toàn bộ cấu trúc xã hội sụp đổ.

Cách duy nhất để tránh khỏi những nguy cơ của chính sách lạm phát tiền tệ là không nên giao việc kiểm soát tiền tệ cho chính phủ và ngân hàng trung ương. Sự tương tác giữa người dân, tự nguyện trao đổi trên thị trường, phải mang lại các hình thức tiền tệ được mọi người công nhận và sử dụng rộng rãi. Nhất là không thể để thị trường tiền tệ bị thao túng bởi bất kỳ ai hoặc bất cứ tổ chức nào. Vì như Gs. Mises viết:

“Qua một quá trình phát triển lâu dài, các chính phủ, hoặc một số nhóm chính phủ, luôn cổ võ ý tưởng rằng tiền không chỉ đơn thuần là tác động thị trường, mà là do chính phủ mặc định gọi là tiền. Nhưng tiền tệ không phải do chính phủ đặt tên… Tiền là phương tiện trao đổi được chấp nhận và sử dụng rộng rãi; tiền không phải là công cụ do chính phủ tạo ra; đó là phương tiện được tạo ra bởi những người mua và bán trên thị trường.” (17)

  1. https://www.usinflationcalculator.com/inflation/current-inflation-rates/
  2. Bettina Bien Greaves. Ludwig von Mises on Money and Inflation. Ludwig von Mises Institute 2010. Ch. 20: Conclusion, tr. 85.
  3. William Ophuls. Immoderate Greatness: Why Civilizations Fail. CreateSpace, North Charleston, SC. 2012. Ch. 6: Practical Failure, tr. 69-70.
  4. Bettina Bien Greaves. Ludwig von Mises on Money and Inflation. Ludwig von Mises Institute 2010. Ch. 6: Inflation, tr. 22.
  5. Joseph A. Tainter. The Collapse of Complex Societies. Cambridge University Press 1988. Ch. 5: Evaluation: Complexity and Marginal Returns in Collapsing Societies, tr. 133-134.
  6. Denarius, (số nhiều là denarii) đơn vị tiền tệ thời Rôma cổ đại. Đồng tiền đúc bằng bạc, và một đồng tiền đúc bằng vàng ròng trị giá 25 denarii.
  7. Jesus Huerta de Soto. Money, Bank Credit, and Economic Cycles. Ludwig von Mises Institute 2nd Ed. 2002. Ch. 6: Additional Considerations on the Theory of the Business Cycle, tr. 409.
  8. Bettina Bien Greaves. Ludwig von Mises on Money and Inflation. Ludwig von Mises Institute 2010. Ch. 12: Currency Debasement in Olden Times, tr. 51.
  9. Học giả người Anh (1923–2015), chuyên nghiên cứu về lịch sử cổ đại Rôma, đặc biệt về hệ thống tiền tệ của nền văn minh Rôma.
  10. Bettina Bien Greaves. Ludwig von Mises on Money and Inflation. Ludwig von Mises Institute 2010. Ch. 6: Inflation, tr. 21.
  11. Joseph A. Tainter. The Collapse of Complex Societies. Cambridge University Press 1988. Ch. 5: Evaluation: Complexity and Marginal Returns in Collapsing Societies, tr. 143.
  12. Bettina Bien Greaves. Ludwig von Mises on Money and Inflation. Ludwig von Mises Institute 2010. Ch. 7: Inflation Destroys Savings, tr. 28.
  13. Joseph A. Tainter. The Collapse of Complex Societies. Cambridge University Press 1988. Ch. 5: Evaluation: Complexity and Marginal Returns in Collapsing Societies, tr. 146.
  14. Joseph A. Tainter. The Collapse of Complex Societies. Cambridge University Press 1988. Ch. 5: Evaluation: Complexity and Marginal Returns in Collapsing Societies, tr. 139.
  15. William James Durant. The Reformation: The Story of Civilization Vol. VI. Simon and Schuster New York 1957. Ch. IX: The Ottoman Tide, tr. 190.
  16. Joseph A. Tainter. The Collapse of Complex Societies. Cambridge University Press 1988. Ch. 5: Evaluation: Complexity and Marginal Returns in Collapsing Societies, tr. 188.
  17. Bettina Bien Greaves. Ludwig von Mises on Money and Inflation. Ludwig von Mises Institute 2010. Ch. 3: The Role of the Courts and Judges, tr. 6.
RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments