Vòng một bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 14/05/2023, khép lại với kết quả bất phân thắng bại. Tổng thống mãn nhiệm Recep Tayyip Erdogan dẫn trước, nhưng không đủ số phiếu 50% cần thiết để đắc cử ngay. Theo giới quan sát, trong cuộc bỏ phiếu vòng hai, diễn ra trong hai tuần nữa, cử tri Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải lựa chọn một trong hai ‘‘mô hình xã hội’’: hoặc tiếp tục ‘‘chế độ độc đoán’’ như hiện nay, hoặc trở lại với ‘‘nền dân chủ’’, ‘‘nhà nước pháp quyền’’.
Khác biệt giữa tổng thống mãn nhiệm 69 tuổi và đối thủ Kemal Kiliçdaroglu, 74 tuổi, không phải là khác biệt về thế hệ, mà về định hướng chính trị và phong cách cầm quyền. Tổng thống mãn nhiệm Erdogan chủ trương bảo vệ các giá trị gia đình và tôn giáo truyền thống, dựa vào đạo Hồi, và tập trung quyền lực trong tay cá nhân tổng thống. Đối thủ Kiliçdaroglu, đứng đầu đảng Nền Cộng hòa của Nhân Dân (CHP), được sự ủng hộ của một liên minh nhiều đảng phái từ tả sang hữu, đề cao sự hợp tác giữa các lực lượng chính trị, và chủ trương dựa vào thể chế thế tục.
Theo AFP, những lần hai ứng viên xuất hiện trước công chúng trước thềm vòng một cuộc bầu cử cho thấy rõ thế đối địch. Ông Erdogan chọn tổ chức kết thúc chiến dịch tranh cử trước công trình kiến trúc nhà thờ lớn Saint-Sophie ở Istanbul. Công trình kiến trúc nổi tiếng này, vốn là một giáo đường Thiên Chúa giáo thời cổ đại, đã trở thành một cơ sở Hồi giáo vào năm 2020, theo quyết định của tổng thống Erdogan. Giới quan sát coi quyết định này là một bước xa rời hơn nữa thể chế thế tục của nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được xác lập dưới thời Kemal Atatürk, cách nay hơn một thế kỷ.
Ngược lại, ứng viên đối lập Kemal Kiliçdaroglu tổ chức mít tinh tại Ankara, trước lăng mộ của Atatürk, cha đẻ của Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, thế tục. Trái ngược với tổng thống mãn nhiệm, thủ lĩnh đối lập phát biểu rất ít. Ông Kemal Kiliçdaroglu thường xuất hiện cùng với các lãnh đạo chính trị đồng minh, như thị trưởng Istanbul, chính trị gia Ekrem Imamoglu, đảng CHP, hay đô trưởng Ankara, Mansur Yavas…
Trong nhiều tuần lễ tranh cử, tổng thống mãn nhiệm Erdogan đã triệt để sử dụng hệ thống truyền thông Nhà nước, hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của ông, để lên án đối thủ là ‘‘kẻ khủng bố’’, đe dọa xã hội rơi vào hỗn loạn nếu đối lập lên cầm quyền, chỉ trích đối thủ ủng hộ những người đồng tính, chuyển giới… (LGBT+), tiếp tay cho phương Tây… Ngược lại, lãnh đạo đối lập dựa vào các mạng xã hội để chuyển đi các thông điệp về dự án xây dựng xã hội, thông qua các đoạn video ngắn, thường là được quay ngay tại nhà. Chống tham nhũng và lạm quyền là một trong những thông điệp chủ yếu của lãnh đạo đối lập, điều đã được ứng viên ‘‘Kemal’’ liên tục lên tiếng từ nhiều năm nay.
Từ nay đến vòng hai cuộc bầu cử, trong hai tuần tới, hai ứng cử viên sẽ tiếp tục cuộc vận động, để thuyết phục các cử tri.
(Trọng Thành – RFI)