Hà Đình Nguyên
Có nhiều nhạc sĩ sáng tác rất nhiều ca khúc nhưng chẳng ai biết đến hoặc nhớ ra một bài hát của họ. Lại cũng có những nhạc sĩ chỉ cần làm một bài mà người ta nhớ suốt đời. Đó là trường hợp của những “Làng tôi” (Chung Quân), “Gợi giấc mơ xưa” (Lê Hoàng Long), “Em tôi” (Lê Trạch Lựu)… Riêng “Em tôi” đã có một “số phận” kỳ lạ.
Ca khúc “Em tôi” được nhạc sĩ Lê Trạch Lựu sáng tác vào năm 1953 nhưng lại được xếp vào dòng nhạc tiền chiến (nếu hiểu khái niệm “nhạc tiền chiến” là sáng tác trước năm 1945), và nó đã mau chóng được người yêu nhạc ở cả hai miền Nam, Bắc yêu thích. Đến bây giờ chúng ta vẫn có thể nghe được giọng hát của tài tử Ngọc Bảo hát “Em tôi” trên Youtube.
Nhạc sĩ Lê Trạch Lựu nay đã 80 tuổi, và đang sống ở Pháp. Qua sự giúp đỡ của GS.TS Trần Quang Hải (con trưởng của GS.TS Trần Văn Khê), chúng tôi đã liên lạc được với lão nhạc sĩ này và có được những thông tin lý thú chung quanh ca khúc “Em tôi”.
Nhạc sĩ kể: “Mùa hè năm 1946, hướng đạo sinh Hà Nội gồm nhiều “đạo”(phiên đội) cả nam lẫn nữ, tập trung ở ga Hàng Cỏ để đáp tàu đi dự trại hè ở biển Sầm Sơn (Thanh Hóa). Tôi bỗng để ý thấy trong đoàn có một cô gái xinh xinh, dáng người phong nhã và đặc biệt có đôi mắt tuyệt đẹp. Nếu bảo rằng có “tiếng sét ái tình” thì quả thật tôi đã bị “đánh một quả” đến choáng váng…
Đến nơi, đoàn tôi gặp may là được ở trong những biệt thự nhìn ra bờ biển của khu nghỉ mát do người Pháp vừa rút khỏi. Phía sau ngôi nhà bọn tôi ở có một giếng nước và không hiểu vô tình hay cố ý mà trưa nào tôi cũng thấy cô gái ấy ra giếng giặt áo. Lúc nào tôi cũng ngồi bên cửa sổ ngắm cô ấy. Thỉnh thoảng cô ấy ngước mắt nhìn về phía tôi, mỉm cười khiến tôi xuyến xao quá đỗi…
Trở về Hà Nội, gần như ngay lập tức tôi đi tìm nhà cô ấy. Hóa ra chúng tôi ở khá gần nhau. Và ơn trời, tôi phát giác ra: Thằng Mỹ – đứa “đệ tử” vẫn đi theo tôi bấy lâu nay lại chính là em ruột của nàng. Và qua thằng Mỹ, tôi biết nàng tên là Phượng.
Từ đó, mỗi chiều, tôi thường xuất hiện trước cổng nhà nàng với một lý do rất ư chính đáng: Rủ thằng Mỹ đi chơi. Và như hiểu được tình cảm của tôi, những buổi chiều nàng cũng thường ra hiên nhà hóng mát hoặc rũ tóc bên thềm. Tôi nảy ra ý định viết thư cho Phượng, nhưng nghĩ đến tình huống nàng cầm bức thư và… xé tan tành, hoặc quẳng xuống đất thì có mà… độn thổ! Cách đơn giản nhất là nhờ chú Mỹ làm “giao liên”.
Vậy là suốt 70 ngày, mỗi ngày một bức thư được Mỹ chuyển đến cô chị, nhưng tuyệt nhiên chẳng có hồi âm. Tôi nghi thằng Mỹ “diếm” những bức thư đi, nó thề “bán sống, bán chết” đã chuyển rồi, còn tại sao không có thư trả lời thì “anh đi mà hỏi chị Phượng”. Tôi đau khổ, hoang mang…
Cho đến một chiều trước ngày Toàn quốc kháng chiến một tuần, Mỹ háo hức tìm tôi với bức thư hồi âm đầu tiên của nàng. Tôi run run mở bức thư có những con chữ tròn tròn, đều đều. Trong thư Phượng nói là cũng đã “để ý” tôi từ hôm gặp đầu tiên. Sở dĩ nàng không hồi âm là muốn thử xem tôi có phải là người đứng đắn không?
Sau đó gia đình nàng tản cư về Hà Đông. Hai hôm sau, tôi đi bộ từ Hà Nội đến thăm nàng. Ngạc nhiên trước “nhiệt tình” của tôi, bố mẹ nàng đã cho phép chúng tôi đi chơi suốt một buổi dọc bờ sông Nhuệ (dưới sự giám sát của… thằng Mỹ!). Đó là một lần bên nhau duy nhất, một ngày hạnh phúc ngập tràn. Chỉ một điều khiến tôi ân hận đến mãi bây giờ là đã không dám cầm tay Phượng, dù chỉ một lần…
Rồi khói lửa chiến tranh, chúng tôi bặt tin nhau. Ba năm sau, tôi qua Pháp. Ở bên đó, trong những ngày tháng quay quắt nhớ về quê cũ – nơi có thấp thoáng hình dáng Phượng, tôi đã sáng tác ca khúc Em tôi: “Em tôi hay đứng nhìn trời xanh xanh, mang theo đôi mắt buồn vương giấc mơ. Vu vơ đắm đuối theo ngàn áng mây. Bao đêm thầm đếm trên trời đầy sao sáng…”.
Thế rồi tôi chép vào giấy, gởi về nước cho NXB Tinh Hoa. Ít lâu sau, “Em tôi” được hát trên cả 2 Đài phát thanh Hà Nội và Sài Gòn. Lúc đó tôi vẫn còn đang ở bên Pháp, không cảm nhận được ở quê hương công chúng đón nhận “Em tôi” ra sao, nhưng qua thư từ trao đổi với bạn bè trong nước, “Em tôi” đã khá nổi tiếng. Và cũng qua bạn bè, tôi liên lạc được với Mỹ, cậu ấy thư cho tôi: “… Chị Phượng đợi anh suốt mấy năm, mà anh vẫn bặt tin. Tưởng anh đã chết, chị để tang anh 3 năm (nhiều người đi hỏi, chị vẫn lắc đầu). Nhưng… hôm qua là ngày cưới của chị ấy, ba me thúc giục mà chị ấy đã 26 tuổi rồi…”.
Muốn cho nàng yên phận với chồng con. Từ đó tôi không còn liên lạc gì với quê nhà.”
Lê Trạch Lựu rời quê hương năm 1951, và từ đó ông chưa một lần trở về. Tốt nghiệp ngành điện ảnh và truyền thông. Dạo đó có người bạn rủ ông về miền Nam Việt Nam hành nghề. Một hãng thông tấn của Pháp cũng đề nghị ông làm phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhưng ông từ chối. Ông lập gia đình với Danica – một phụ nữ Pháp gốc Ba Lan mà theo ông là rất đẹp, rất đoan trang…
Mãi đến 60 năm sau (cuối năm 2009), từ Pháp ông bắt liên lạc được với một người bạn học cũ ở Hà Nội và ông này đã tìm ra số phone của bà Phượng.
Thế là ông gọi. Đầu dây bên kia, từ Hà Nội, bà Phượng trả lời. “Tôi xưng tên, cô ấy cứ nhắc đi nhắc lại 3 lần: anh Lê Trạch Lựu hả? anh Lê Trạch Lựu hả? như không tin là có thật. Khi tôi xác nhận là tôi, cô ấy òa ra khóc…
Sau những ân cần hỏi han, Phượng nói: “Anh ấy đeo đẳng Phượng trong 4 năm trời. Phượng nói Phượng đã có người, anh ta cứ đeo đẳng. Phượng kể thật với anh ấy chuyện Phượng và anh, anh ấy chịu là trong lòng Phượng có một người…”.
Tôi xin thành thật cám ơn Phượng về tình yêu của Phượng dành cho tôi, cả trong những ngày tháng đợi chờ, đau khổ… Rồi tôi hỏi: “Phượng còn giữ những bức thư không?”- Tôi muốn tìm hiểu lúc tôi 16 tuổi viết văn ra sao, chắc lủng củng lắm! Phượng bảo: “Em để vào một chiếc hộp chung với tập ảnh chụp hồi đó. Nó theo em đi tất cả mọi nơi, nhưng chồng em thấy em lúc nào cũng buồn, nói với em nên giấu nó vào một chỗ, lúc nào vui hãy mở ra. Thế là ông ta bỏ vào đâu không rõ. Mấy năm sau ông ấy mất, tìm cái hộp khắp nơi mà không ra! Em nhớ anh viết dài… dài lắm… Hôm nọ muốn tìm cái hình anh ngày đó mà chẳng thấy. Tủi thân, em lại ngồi khóc, may mà con cháu bữa đó không có ở nhà…”
(Trích trong “60 BÓNG HỒNG TRONG THƠ NHẠC” – Hà Đình Nguyên)