Saturday, October 5, 2024
No menu items!
spot_img
HomeVăn HọcHồi Ký "THÁNG NGÀY QUA" của Nguyễn Tường Nhung (Phần 3)

Hồi Ký “THÁNG NGÀY QUA” của Nguyễn Tường Nhung (Phần 3)

(Tiếp theo)

BỐ TÔI

Bố tôi rất yêu tôi, tối nào sau khi ăn cơm xong bố tôi cũng gọi tôi vào phòng sách chỗ bố tôi ngồi hàng đêm để viết văn. Trên bàn viết của bố tôi ngoài những giấy, bút, đặc biệt có một lọ kẹo tây. Những viên kẹo đủ màu sắc hồng lạt, đỏ, xanh, trắng, đựng trong chiếc lọ bằng thủy tinh trông thật đẹp mắt và thật là muốn ăn. Bố tôi mở nắp lọ, mùi kẹo bay thật thơm. Bố tôi lấy ra cho tôi một cái, chỉ một cái thôi không bao giờ bố tôi cho thêm, tôi biết như vậy nên cũng không bao giờ dám xin thêm. Tôi ăn viên kẹo đó thật chậm, chỉ ngậm chứ không dám nhau, khi chất ngọt của kẹo đã tàn gần hết bên trong có một hạt hạnh nhân tôi cắn tan và nhai thật kỹ, vừa ròn vừa bùi.

Ngày tôi còn bé bố tôi bảo mẹ may một cái yếm dãi cho tôi lúc nào cũng đeo ở trước ngực có thêu chữ “Đừng hôn tôi”. Chắc bố tôi sợ mọi người thấy tôi mũm mĩm dễ thương thì hay hôn lên má tôi như vậy không vệ sinh và có thể lây bệnh. Khi trời trở lạnh mẹ tôi nói để mua mũ cho tôi đội thì bố tôi bảo tóc con nó dầy và đen nhánh không cần đội mũ trông xấu xí. Khi mẹ tôi có thai tôi thì bố đã chọn tên sẵn con đầu lòng thì đặt là Bạch kế là Đằng rồi Giang, lấy tên một dòng sông. Đến khi tôi chào đời là gái bố tôi ngại khi lớn lên tôi đen đúa cho nên đổi tên khác cho tôi, nhưng sau vẫn giữ hai tên đã chọn sẵn cho hai em tôi. Có lẽ cũng là số mệnh đã định sẵn cho nên bố tôi đã chỉ chọn có ba tên.

Bố tôi không thích tiếp khách ở nhà, ngay cả bạn thân cũng vậy. Chỉ có chú Đinh Hùng và bác Thế Lữ thỉnh thoảng đến có một lần. Chú Đinh Hùng có lần uống rượu say nôn mửa tung tóe, mẹ tôi lấy vôi rồi bôi vào gan bàn chân của chú. Chú trẻ hơn bố tôi vài tuổi, người thấp và bé nhỏ, tóc để dài và chải ngược về phía sau và lúc nào cũng bôi brillantine bóng mướt.

Khi còn sinh thời (sống) bố mẹ tôi ở tại đầu làng Yên Phụ trong một căn nhà nhỏ nhưng rất thơ mộng. Nhà ở ngay cạnh hồ Tây có cây liễu rủ, tàn liễu xà xuống gần mặt nước hồ có cái cầu bằng gỗ đưa ngoài xa. Tôi hay ra cầu đó ngồi thả đôi chân xuống nước rồi đung đưa đôi chân dưới lần nước thật mát. Đường từ ngoài vào làng toàn lót bằng gạch đỏ, trên đường đi chỗ nào cũng nhìn thấy nước hồ, đi qua một cái đình lớn là tới nhà bố tôi. Đi sâu vào trong làng rất đẹp, hai bên là những dàn hàng rào trồng bằng cây duối, được cắt thật bằng phẳng khi tới mùa quả duối chín vàng trông xa như những sợi tơ tằm óng ánh, ăn thì thật thơm và ngọt. Trừ một vài gia đình từ xa đến ở thuê phần đông làng Yên Phụ sống bằng nghề trồng hoa, đủ các loại từ thược dược tím, đỏ, tía, cúc vạn thọ vàng ươn, đại đóa vàng mơn, lay ơn trắng hồng, huệ trắng thơm ngào ngạt, v.v… Buổi sáng sớm các tay buôn hoa từ các nơi đều đến vườn hoa để mua buôn về bán lẻ lại tại chợ hoa và các chợ trong thành phố. Một số gia đình có đông người thì họ tự cắt hoa rồi đem ra chợ bán như vậy họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Sau khi bố tôi mất, bà nội tôi đã đón mẹ tôi và chị em chúng tôi về lại Cẩm Giàng ở với bà. Từ đó tôi chưa có dịp trở về lại làng Yên Phụ nữa.

Thấm thoát bố tôi đã ra đi hơn chục năm rồi, hàng năm đến ngày giỗ bố khi mẹ tôi còn sống năm nào bà cũng làm giỗ thật trang trọng dù lúc đó nhà nghèo bà cũng xoay xở để có đủ tiền mua gà, vịt, xôi chè, và các thứ cần thiết cho việc cúng bái, nhất là hoa sen và hoa cẩm chướng hai thứ hoa mà bố tôi thích nhất và thạch trắng thái nhuyễn thả vào trong chén nước đường có thả hoa nhài màu thạch long lanh trông như những mảnh vụn thủy tinh và mùi thơm của hoa nhài, cộng thêm mùi trầm hương của cúng tỏa ra từ trên bàn thờ, tôi có cảm tưởng qua làn khói mỏng đó, bố tôi đã hưởng được và ẩn hiện đâu đây để vui cùng con cháu. Mẹ tôi mất cũng đã hơn hai chục năm qua, chị em chúng tôi cũng vẫn cúng giỗ bố tôi y như hồi mẹ tôi còn sống, năm nào cũng có cô tôi và các cháu của bố tôi tham dự. Năm nay lại sắp đến ngày giỗ của bố tôi, tôi viết bài này để dâng lên hương hồn của bố tôi và để tưởng niệm một nhà văn đã được khen là người viết truyện ngắn hay nhất của đầu thế kỷ thứ 20.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments