Các nhà phân tích cho rằng khi sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ ngày càng chú trọng đến an ninh của chính mình, điều này có thể mở ra một kỷ nguyên khiến nước này bị cô lập khỏi phương Tây và đối mặt với nguy cơ sụp đổ.
Hãng tin Reuters chỉ ra rằng ĐCSTQ đã thực hiện một loạt các động thái ngoại giao và thương mại dường như trái ngược nhau trong những tháng gần đây, điều này khiến các nhà quan sát phải suy đoán về động cơ đằng sau đó.
Những biện pháp này bao gồm: tuyên bố thúc đẩy hòa bình ở Ukraine, nhưng đàm phán với kẻ xâm lược Nga; hoan nghênh các nhà lãnh đạo phương Tây đến thăm Trung Quốc, nhưng gia tăng đe dọa sử dụng vũ lực đối với Đài Loan; áp dụng các biện pháp bóp nghẹt môi trường kinh doanh tại Trung Quốc.
Các nhà phân tích tin rằng các thông điệp đầy mâu thuẫn của Bắc Kinh có thể là do ĐCSTQ ngày càng lo ngại về an ninh của chính mình.
Ông Alfred Wu, Phó Giáo sư tại Trường Chính sách công Lee Kwan Yew tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Thực tế phũ phàng mà ĐCSTQ đang phải đối mặt là an ninh hiện nay vượt trội hơn so với mọi lĩnh vực, từ kinh tế cho đến ngoại giao”.
Ông Wu lập luận rằng việc quá tập trung vào an ninh đã bắt đầu làm tổn hại đến các mối quan hệ ngoại giao và kế hoạch phục hồi kinh tế của nước này, đồng thời biến thành trở ngại ngăn Bắc Kinh đóng vai trò địa chính trị quan trọng hơn trong cuộc chiến Nga – Ukraine.
“Mặc dù ĐCSTQ nói rằng họ muốn mở cửa với thế giới bên ngoài, nhưng thực chất là họ đang dần dần tự đóng cửa”, ông Wu cho hay.
ĐCSTQ lo sợ thách thức từ Hoa Kỳ
Trong báo cáo của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ (Đại hội 20) vào năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh khái niệm an ninh quốc gia, từ “an ninh” xuất hiện 89 lần xuyên suốt bài phát biểu. Ông cũng thừa nhận rằng ĐCSTQ sẽ phải đối mặt với những thử thách lớn hơn, sóng gió lớn hơn và thậm chí là những cơn bão tố.
Sau đó, trong kỳ họp lưỡng hội, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng các nước phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã “bao vây, ngăn chặn và trấn áp toàn diện” đối với Bắc Kinh, điều này đã mang lại “những thách thức nghiêm trọng chưa từng có”.
Tờ Reuters chỉ ra rằng mặc dù an ninh quốc gia là một trong những mối quan tâm hàng đầu của ông Tập Cận Bình kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2012, nhưng hai nhiệm kỳ trước đó của ông tập trung nhiều hơn vào các vấn đề trong nước như các nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động nhân quyền, các dân tộc thiểu số ở Tân Cương, v.v.
Trong bài phát biểu vào tháng 10 năm ngoái, ông Tập đã thảo luận thêm về “an ninh bên ngoài”, “an ninh toàn cầu” và “an ninh quốc tế”. Động thái này cũng báo trước những nỗ lực toàn diện của Trung Quốc nhằm đối phó với thách thức của Hoa Kỳ, củng cố nỗi ám ảnh của Bắc Kinh về vấn đề an ninh.
Lập trường ‘An ninh là trên hết’ của ĐCSTQ gây tổn hại cho Ngoại giao và Kinh tế
Các nhà phân tích chỉ ra rằng lập trường “an ninh là trên hết” của ĐCSTQ đã ảnh hưởng đến một số biện pháp ngoại giao và kinh tế gần đây. Ví dụ, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình Nga – Ukraine đã thu hút sự hoài nghi toàn cầu vì nước này từ chối lên án Nga, một đồng minh thân cận và nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc.
Ông Charles Parton, một thành viên tại Hội đồng Địa chiến lược Anh, một tổ chức nghiên cứu chính sách của Anh, nói rằng việc ĐCSTQ thúc đẩy kế hoạch hòa bình Ukraine là nhằm cạnh tranh với Hoa Kỳ.
“Bắc Kinh không quan tâm việc hòa giải của họ có mang lại hiệu quả hay không. Đối với họ, đây chính cơ hội để bôi nhọ người Mỹ”, ông nói và đề cập đến tuyên bố của Trung Quốc rằng Mỹ và các đồng minh của họ đang thổi bùng ngọn lửa chiến tranh bằng cách trang bị vũ khí cho Ukraine.
Các nhà phân tích cho rằng ĐCSTQ cũng cố gắng lôi kéo các nước châu Âu để tiếp tục chống lại ảnh hưởng của Washington, nhưng hiệu quả không rõ ràng.
Các nhà phân tích viện dẫn cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tháng trước. Đây có vẻ là một cuộc gặp gỡ thân thiện, nhưng vài giờ sau khi ông Macron rời đi, Bắc Kinh bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan, làm suy yếu nghiêm trọng kết quả của cuộc gặp.
Điều đó kết hợp với những lời hoa mỹ của ông Macron về Đài Loan đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu chỉ trích rằng ông Macron đang cố gắng lấy lòng Bắc Kinh. Sau đó, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đã có đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Sự chú trọng của Bắc Kinh vào an ninh cũng có nguy cơ cô lập Trung Quốc về kinh tế.
Bất chấp việc các quan chức Trung Quốc liên tục nhấn mạnh đến sự cởi mở của Trung Quốc sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa đại dịch COVID-19, trong những tuần gần đây, chính quyền Trung Quốc đã sửa đổi Luật Chống Gián điệp, mở rộng đáng kể định nghĩa về hoạt động gián điệp và thực hiện điều mà Mỹ gọi là hành động “trừng phạt” đối với một số công ty nước ngoài tại Trung Quốc.
Một loạt các biện pháp này kết hợp với sự vắng mặt của cái gọi là “sự phục hồi hình chữ U” trong nền kinh tế Trung Quốc đã phá vỡ sự lạc quan hàng thập kỷ của các công ty nước ngoài đối với thị trường Trung Quốc. Thay vào đó, các nhà đầu tư lo ngại hơn về cạnh tranh Mỹ – Trung và rủi ro địa chính trị.
Ông Ray Dalio, người sáng lập công ty đầu tư Bridgewater Associates, một trong những quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới, là một ví dụ điển hình. Đầu năm nay, ông Dalio đã viết trên tài khoản LinkedIn cá nhân của mình rằng: “Nếu (Mỹ và Trung Quốc) vượt qua lằn ranh đỏ, điều đó sẽ đẩy họ đến bờ vực của một cuộc chiến tranh nào đó”.
Ông đặc biệt nhấn mạnh đến môi trường chính trị của Trung Quốc, nói rằng sự quản lý hiện tại của ĐCSTQ là “độc đoán hơn”.
“Trung Quốc hiện là một môi trường được kiểm soát chặt chẽ. Đó là một môi trường chống tinh hoa và thân vô sản”.
Đề cập đến tình trạng của tầng lớp doanh nhân trẻ Trung Quốc, ông Dalio lập luận rằng, một số người bày tỏ rằng “sự đánh mất ước mơ”, những người khác nói “thời kỳ hoàng kim đã qua”, “rất nhiều người Trung Quốc đang rời đi hoặc tự hỏi làm thế nào họ có thể đến các nước khác”, “giới tinh hoa Trung Quốc thì tìm mọi cách để bảo vệ tài sản và sự an toàn của chính họ”.
Trung Quốc hạn chế quyền truy cập của nước ngoài vào các nguồn dữ liệu của mình
Theo bài báo của tờ Wall Street Journal, vì cảnh giác với các tổ chức tư vấn của Mỹ, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế quyền truy cập của nước ngoài vào cơ sở dữ liệu của Trung Quốc, điều này sẽ khiến Trung Quốc ngày càng khép kín hơn với thế giới bên ngoài.
Những nguồn thạo tin tiết lộ rằng sau khi một số báo cáo dựa trên thông tin công khai thu hút sự chú ý của các quan chức ĐCSTQ, ĐCSTQ bắt đầu thắt chặt quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu của Trung Quốc, tiến thêm một bước để kiểm soát diễn ngôn về Trung Quốc, bao gồm cả nhà cung cấp dữ liệu tài chính hàng đầu Trung Quốc Wind information có trụ sở tại Thượng Hải.
Do quá trình ra quyết định của ĐCSTQ không rõ ràng và thiếu khả năng tiếp cận trực tiếp với các công ty Trung Quốc và các bộ phận liên quan, nhiều viện nghiên cứu chính sách phương Tây đã phải sử dụng dữ liệu nguồn mở để khai thác thêm thông tin về mua sắm, quyền sở hữu công ty và chính sách. Nhưng khi sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, chính quyền Trung Quốc ngày càng lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu.
Một số báo cáo đã sử dụng dữ liệu nguồn mở để tập trung vào chiến lược “quân dân dung hợp” Trung Quốc. Chiến lược “quân dân dung hợp”, tức là hợp nhất quân sự – dân sự (Military-Civil Fusion, viết tắt là MCF) của Trung Quốc nhằm tăng cường sự liên thông giữa hai khối quân sự và dân sự trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất các công nghệ tiên tiến, nhằm hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.
Một số quan chức ĐCSTQ nói rằng các nghiên cứu do các viện nghiên cứu chính sách của Mỹ thực hiện sử dụng dữ liệu nguồn mở đã củng cố các chính sách cứng rắn của Washington đối với Bắc Kinh, chẳng hạn như tăng cường hạn chế bán các sản phẩm công nghệ cao của các công ty Trung Quốc.
Tờ Wall Street Journal chỉ ra rằng vào tháng 3 năm nay, Cơ quan Quản lý Không gian mạng (CAC) của ĐCSTQ đã thông báo cho một số nhà cung cấp dữ liệu Trung Quốc nhằm yêu cầu hạn chế quyền truy cập ở nước ngoài. Các cơ sở dữ liệu này liên quan đến thông tin đăng ký kinh doanh, bằng sáng chế, tài liệu mua sắm, tạp chí khoa học và niên giám thống kê chính thức.
Cơ sở hạ tầng tri thức quốc gia Trung Quốc (CNKI), một cơ sở dữ liệu học thuật đã phục vụ hơn 5.500 trường đại học, thư viện công cộng, doanh nghiệp, bệnh viện cùng nhiều tổ chức trong và ngoài Trung Quốc, đã thông báo cho các trường đại học nước ngoài và các tổ chức nghiên cứu khác rằng: quyền truy cập của họ vào Cơ sở hạ tầng tri thức quốc gia Trung Quốc (CNKI) sẽ bị hạn chế từ ngày 1/4/2023.
(Theo Epoch Times – Huyền Anh biên dịch)