Nhà tỷ phú, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra cho biết hôm thứ Ba 9/5 rằng ông sẽ hồi hương vào tháng 7 sau 17 năm tự đi sống lưu vong, chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử mà đảng của ông được dự báo sẽ giành chiến thắng.
“Tôi đang xin phép một lần nữa. Tôi đã quyết định sẽ về nhà để gặp các cháu của mình vào tháng 7, trước ngày sinh nhật của tôi”, ông nói.
“Tôi muốn được cấp phép”, ông nói thêm, nhưng không nói ông xin phép ai. “Đã 17 năm tôi xa gia đình. Tôi già rồi”, vẫn lời ông.
Ông Thaksin được nhìn nhận là vị cựu lãnh đạo có nhiều ảnh hưởng nhất và cũng gây chia rẽ nhất của Thái Lan. Cựu đại tá cảnh sát và ông trùm ngành viễn thông 73 tuổi này vẫn phủ bóng lên chính trường Thái Lan kể từ khi ông bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006. Ông ra đi sống lưu vong vào năm 2008 để tránh bị ngồi tù vì tội lạm quyền, một cáo buộc mà ông khẳng định là có động cơ chính trị.
Pheu Thai, một đảng do gia tộc của ông và các đồng minh kinh doanh kiểm soát, dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bỏ phiếu ngày 14/5, không khác gì sự ủng hộ mà đảng này đã nhận được trong quá khứ trước khi họ giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001.
Paetongtarn, con gái út của ông Thaksin, 36 tuổi, là ứng cử viên của đảng cho chức thủ tướng. Bà đã sinh con thứ hai hồi tuần trước.
Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy các đảng trong liên minh cầm quyền do quân đội hậu thuẫn có khoảng cách xa so với Pheu Thai, bao gồm đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, một vị tướng lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014 đánh đổ chính phủ của bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin.
Khi được các phóng viên hỏi về khả năng hồi hương của ông Thaksin, ông Prayuth nói: “Điều đó tùy thuộc vào ông ấy, tùy thuộc vào hệ thống tư pháp”.
Trong một bình luận trên Twitter sau đó, ông Thaksin nói rằng ông sẽ không hề “là gánh nặng cho Pheu Thai” và việc ông quay về sẽ tuân theo các quy trình pháp lý. Ông không đi sâu vào chi tiết.
Ông Thaksin đã dành phần lớn thời gian sống lưu vong ở Dubai hoặc London, nơi ông trở nên nổi tiếng với việc mua câu lạc bộ bóng đá Premier League Manchester City vào năm 2007.
Là thủ tướng từ năm 2001 cho đến khi bị lật đổ vào năm 2006, ông Thaksin đã xây dựng một đế chế chính trị bằng cách dùng các chính sách dân túy lôi kéo hàng triệu cử tri thuộc tầng lớp lao động yếu thế.
Nhưng gia tộc và nhóm vây cánh kinh doanh của ông bị một số gia tộc và định chế quyền lực nhất của Thái Lan, bao gồm cả quân đội, chống lại quyết liệt.
(Reuters)