(Hải Di Nguyễn)
Năm 2016, sau tám năm lẩn trốn tại Việt Nam vì bị truy nã do hoạt động tôn giáo liên quan đến đạo Cao Đài 1926, ông Dương Xuân Lương sang Thái Lan tìm tỵ nạn.
Nay đã định cư sáu năm tại Hoa Kỳ và đã có quốc tịch Mỹ ông trở lại Bangkok tháng 4/2023, và trả lời phỏng vấn ngày 11/4 về đạo Cao Đài 1926 cũng như thời gian ở Thái Lan.
Đạo Cao Đài bị “ăn cắp căn cước”
“Tôi nghiên cứu về đạo Cao Đài, tôi thấy rằng nhà nước Việt Nam đã lập ra chi phái 1997 để thay thế cho đạo Cao Đài năm 1926. Đó là việc ăn cắp căn cước của đạo Cao Đài 1926 và ăn cướp Tòa Thánh Tây Ninh… để lừa dối thế giới”, ông Dương Xuân Lương nói.
“Việc nhà cầm quyền Việt Nam lập ra chi phái 1997 làm công cụ tiêu diệt đạo Cao Đài là một ván bài hết sức tinh vi, đã che giấu thế giới suốt 20 năm.”
Trước đây, cho một bài viết trên BBC News Tiếng Việt tháng 12/2022, tôi đã phỏng vấn Chính trị sự Nguyễn Xuân Mai về đạo Cao Đài, và bà nói “Đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926 là do Đức Thượng Đế khai mở tại … Tây Ninh, Việt Nam. Để phổ độ chúng sanh vào thời kỳ thứ 3 nên gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ với thông điệp là Công Bình và Bác Ái”.
“Nhưng hiện nay, chính quyền Việt Nam đã dựng lên một đạo Cao Đài giả, tức là [chi phái] 1997 đang dùng quyền lực chiếm giữ cơ ngơi của đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926 là Tòa Thánh Tây Ninh và 300 thánh thất các địa phương tại ba miền Bắc Trung Nam Việt Nam và đã được nhà nước công nhận là một chi phái Cao Đài.”
Ông Dương Xuân Lương giải thích “Chi phái 97 lừa dối được thế giới trong 20 năm là nhờ hình thức, họ làm y như đạo Cao Đài 1926 – cũng mặc đạo phục, cũng có những chức phẩm như đạo Cao Đài 26. Nhưng đi vào nội dung mới thấy sự khác biệt.”
Một khác biệt là đạo Cao Đài 1926 “có một phương tiện thông công với Thượng Đế, đó là Cơ bút tại Bát Quái Đài. Chi phái 97 hoàn toàn cắt đứt với Thượng Đế, hay nói rõ hơn, Thượng Đế của chi phái 97 là Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Ông nói việc quyết định chức sắc của chi phái 1997 hoàn toàn không đúng như đạo Cao Đài 1926, và “điểm then chốt nhất, dễ phân biệt nhất là họ không dùng Cơ bút mà dùng quan chức cộng sản bắc ghế ngồi trong đền thánh đó để chứng kiến cho họ bắt banh, nhận phái, hay quyết định để họ lên chức hay không được lên chức.”
“Về cách tổ chức, Đạo Cao Đài 1926 có Bàn Trị Sự, là tổ chức căn bản của đạo để người đạo hiểu thế nào là đạo, pháp luật của đạo, cũng như giúp người tín đồ khi có sự sai trái thì được hướng dẫn. Chi phái 1997 hoàn toàn bỏ Bàn Trị Sự và thay thế bằng Tổ Nghi Lễ.”
Vì sao đạo Cao Đài bị đàn áp?
Theo ông Dương Xuân Lương “Đạo có tam quyền phân lập, trong đó Bát Quái Đài nắm quyền lập pháp, Hiệp Thiên Đài nắm quyền tư pháp, Cửu Trùng Đài nắm quyền hành pháp. Đạo có Hiến pháp của đạo, đạo có quyền hành chánh của đạo, như một quốc gia, cho nên còn gọi là quốc đạo.”
Đạo Cao Đài 1926 có tổ chức và, theo ông, mọi nhà nước độc tài nào đều e ngại các tổ chức không phục tùng họ.
“Đạo Cao Đài 1926 có chủ trương 3 không: không chống chính quyền, không theo chính quyền, không tham gia chính quyền.”
Ông cũng nói “Đạo luôn luôn chủ trương hữu sản hóa, người đạo và người dân, về trí thức cũng như về tài sản. Chủ trương hữu sản hóa đối nghịch với chủ trương vô sản của cộng sản Việt Nam.”
Chính vì vậy nhà nước Việt Nam phải tiêu diệt đạo Cao Đài thông qua chi phái 1997.
Vì sao phải lẩn trốn và đi tỵ nạn?
Bà Nguyễn Xuân Mai, như đã viết trong bài báo BBC News Tiếng Việt, cho biết “mỗi lần chúng tôi đi thờ phượng cúng bái Đức Thượng Đế hoặc hành lễ cầu siêu đều bị chính quyền địa phương kết hợp với Cao Đài 1997 sách nhiễu, đàn áp và đánh đập, ngăn cản không cho hành lễ.”
Ông Dương Xuân Lương cho biết ông tranh đấu cho quyền hành đạo của tín đồ đạo Cao Đài 1926 và cũng “lập Khối Nhơn Sanh để đưa sự thật, đưa chân tướng của chi phái 1997 đến với người đạo Cao Đài, đến với công luận quốc tế.”
Được kết nối trong ngoài, ông thu thập chứng cứ hình ảnh và học cách làm báo cáo gửi LHQ về cách nhà nước Việt Nam đàn áp đạo Cao Đài, cách chi phái 1997 phối hợp với công an Việt Nam và côn đồ để lấn át, đập phá đồ đạc và hành hung người đạo.
“Do vậy, nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục gây khó dễ cho tôi trong công cuộc mưu sinh lẫn trong việc hành đạo.”
Từ năm 2009, ông bị nhà nước Việt Nam truy nã, và trốn tránh ở Việt Nam, và năm 2016 sang Thái Lan tìm đường tỵ nạn khi nghe tin nhà cầm quyền đang giăng bẫy bắt những người làm báo cáo.
Được trục xuất sang Hoa Kỳ
Sang Thái Lan, ông Dương Xuân Lương tiếp tục tham gia các khóa học để giúp đỡ những người đồng đạo trong nước cũng như các tôn giáo bạn bị đàn áp, như Phật giáo Hòa Hảo.
Ông cho biết mình có hai hồ sơ – hồ sơ xin tỵ nạn vì lý do tôn giáo, và hồ sơ đoàn tụ gia đình do con gái bảo lãnh, mà nhà cầm quyền Việt Nam trước đây không cho đi – BPSOS đưa luật sư tiến hành cả hai cùng lúc với chủ trương hồ sơ nào đến trước sẽ đi trước.
Tháng 3/2017, ông được sang Mỹ định cư theo diện đoàn tụ gia đình nhưng hãng hàng không không thể in vé máy bay vì, từ Việt Nam sang Thái Lan, ông không còn hộ chiếu cũng chẳng còn CMND. Một vị tướng của Thái Lan giúp bằng cách trục xuất ông sang Hoa Kỳ.
Đạo Cao Đài tại hải ngoại
Theo ông Dương Xuân Lương, chi phái 1997 cho ông Trần Quang Cảnh, đại diện của họ ở Hoa Kỳ, đăng ký độc quyền thương hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Toà Thánh Tây Ninh với Bộ Thương mại Hoa Kỳ và được cấp tạm giấy phép năm 2015. Nếu thành công và được công nhận chính thức, chi phái 1997 có thể hoàn toàn nắm chủ quyền đạo Cao Đài và độc quyền đạo Cao Đài không chỉ ở Việt Nam mà ở Hoa Kỳ, và nếu muốn, có thể đóng cửa mọi thánh thất Cao Đài không phục tùng họ.
Ông cho biết người đạo Cao Đài 1926 phối hợp với Thánh thất Mountain View và Khối Nhơn Sanh, với sự hỗ trợ của BPSOS, yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ hủy bỏ giấy phép độc quyền đó. “Và sau 14 tháng tiến hành, giấy phép tạm của ông Trần Quang Cảnh bị hủy bỏ.”
Nhìn về người Việt tại Thái Lan
Ông Dương Xuân Lương nói mình vô cùng may mắn vì có hai hồ sơ làm song song và sớm được sang định cư Hoa Kỳ. Sau khi đã qua Mỹ vài tháng, ông mới được LHQ gửi thư thông báo tới nhận kết quả phỏng vấn – nhưng không biết câu trả lời là được hay không vì đã sang Mỹ và hồ sơ vì vậy bị đóng.
Trở lại Bangkok để gặp thân hữu từ Việt Nam và thăm bạn tỵ nạn, ông nói người Việt tỵ nạn tại Thái Lan rất khó khăn – không được lao động và nếu làm chui thì lương thấp và luôn có nguy cơ bị bắt.
“Có những người đã có quy chế ở Thái Lan hơn 10 năm rồi, và vẫn không được đi định cư ở nước ngoài.”
Ông cũng nói “Tôi cũng được biết có một vài người… đã là thuyền nhân từ năm 80, mười mấy tuổi, đến bây giờ vẫn sống tại Thái Lan.”