(Kalynh Ngô)
Sau 40 năm kể từ ngày dòng người Việt Nam tỵ nạn đóng dấu ấn vào từ điển lịch sử thế giới, có một thế hệ trẻ gốc Việt đang dần khẳng định vị trí đặc biệt của họ trong thế giới văn chương Hoa Kỳ. Trong số đó, có những tên/họ thuần Việt được vinh danh tại các giải thưởng văn chương cao quí của nước Hoa Kỳ và thế giới, như: Nhà văn, Giáo sư Nguyễn Thanh Việt đoạt giải Pulitzer với tiểu thuyết “The Sympathizer” năm 2016; nhà thơ Ocean Vương với giải Thiên tài “Genius Grant” của MacArthur Foundation; nhà văn Eric Nguyễn giải The 2022 Crook/s Corner Book Prize cho tiểu thuyết đầu tay “Things we lost to the water.”
Nguyễn Thanh Việt – ‘The Sympathizer’
Tác phẩm của những tác giả này có một điểm chung, đó là sự ẩn chứa nhiều trăn trở về cuộc sống của một trong những dân tộc thiểu số ở Hoa Kỳ. Đâu đó trong những trang sách của họ, là những cám cảnh về quá khứ, về chiến tranh, là tiếng chuông vọng về truyền thống gia đình, dân tộc. Mãnh liệt hơn nữa, ẩn chứa trong nội dung, câu chữ, là cuộc hành hương thầm lặng, khát khao tìm về nguồn cội.
Năm 2016, tiểu thuyết đầu tay “The Sympathizer” – Cảm tình viên, của nhà văn Nguyễn Thanh Việt được trao giải Pulitzer, giải thưởng dành cho những tác phẩm được xem là có giá trị nhất trong lãnh vực báo chí, văn học. Ông là nhà văn Hoa Kỳ gốc Việt đầu tiên nhận giải thưởng này. Sau đó, Tháng Chín năm 2020, một lần nữa, ông được vinh dự mời vào hội đồng giám khảo Pulitzer 2020. Với sự kiện này, Nguyễn Thanh Việt trở thành người Hoa Kỳ gốc Á đầu tiên có mặt trong hội đồng chấm giải. Với ông, đây không chỉ là vinh dự cá nhân hay của dân tộc, mà là ý nghĩa của một giải thưởng được ghi nhận bởi nhiều tiếng nói và quan điểm đa dạng.
Nhà văn, Giáo sư Nguyễn Thanh Việt từng nói: “Việc trở thành người Hoa Kỳ gốc Việt đầu tiên và người Hoa Kỳ gốc Á đầu tiên trong hội đồng chấm giải cũng rất quan trọng. Bởi vì chúng ta đều biết rằng các giải thưởng thường không chỉ được trao trong một môi trường trung lập mà trong một môi trường, nơi đó các giám khảo với những thành kiến của họ, nguồn gốc của họ, quan điểm của họ sẽ định hình quyết định của họ. Vì vậy, nếu chúng ta muốn có giải thưởng ghi nhận những tiếng nói đa dạng và những trải nghiệm đa dạng, chúng ta cần có những ban giám khảo và hội đồng giải thưởng đa dạng.”
Nói về cuốn tiểu thuyết đầu tay làm nên “lịch sử” của mình, nhà văn Nguyễn Thanh Việt giải thích vì sao ông chọn đề tài “khó nuốt” này:
“Tôi đã từng nghĩ về một cuốn tiểu thuyết đầy đủ hai yếu tố: Trinh thám và lịch sử, để vừa có thể là tác phẩm giải trí, vừa có thể trả lời tất cả những khía cạnh về chính trị. The Sympathizer là nội dung thích hợp cho điều tôi mong muốn.”
Những nhân vật chính, chính phụ trong tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Việt đều được ông đặt tên theo tiếng Việt, như Mẫn, Bốn. Cho dù đó là những nhân vật hư cấu nhưng đều có xuất phát điểm từ những tài liệu lịch sử ông đã nghiên cứu. Họ mang nội tâm, tư duy của những người sống giữa hai chế độ, hai quốc gia. Nội dung của truyện cũng được lấy cảm hứng từ chính lịch sử chiến tranh Việt Nam.
Ocean Vương – ‘On Earth We’re Briely Gorgeous’
Năm 2019, một cái tên xuất hiện làm nức lòng giới văn học, thi ca Hoa Kỳ– Ocean Vương, tức Vương Quốc Vinh, hay còn gọi là Vương Hải.
Có thể gọi Ocean Vương là một “hiện tượng văn chương” không? Hoàn toàn có thể. Vì hơn thế nữa, anh là “một thiên tài” – theo đúng như tên của giải thưởng Ocean đã nhận được năm 2019: Genius Grant.
Ngày 25 Tháng Chín năm 2019 đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Ocean Vương. Anh là trở thành nhà thơ, nhà văn gốc Việt trẻ tuổi duy nhất nhận được giải Thiên tài “Genius Grant” của MacArthur Foundation. Từ đó, Ocean được giới báo chí gọi là “thiên tài văn chương của nước Hoa Kỳ.”
Ocean Vương như con sóng ngầm trỗi lên từ đại dương, mang theo những từ ngữ tuyệt đẹp chứa đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố của con người – người gốc Á.
Ngày 20 Tháng Sáu, cuốn tiểu thuyết đầu tay “On Earth We’re Briely Gorgeous” của Ocean ra mắt và nhanh chóng có tên trong bảng xếp hạng sách bán chạy nhất của tờ The New York Times. Tờ New Yorker từng bình luận: “Ocean Vương là người sửa lại ngôn ngữ tiếng Anh.” Tạp chí Foreign Policy của Hoa Kỳ bình chọn Ocean là một trong 100 nhà tư tưởng hàng đầu của nhân loại.
Tập thơ “Night Sky With Exit Wounds” (tạm dịch Trời đêm với những vết thương xuyên thấu) của Ocean được đăng quang giải thưởng Whiting Award, Thom Gunn Award và Forward Prizes – giải thưởng thơ cao quí của Anh quốc vào Tháng Chín năm 2017 (tương tự giải Oscars).
Tất cả những danh xưng ấy, giải thưởng ấy không che lấp được “vết thương xuyên thấu” của anh. Những vết thương của Ocean là vết thương của người gốc Á, lạc trôi trong cuộc độc chiến để tìm lại chính mình và để hoà nhập vào xã hội mới, ngôn ngữ mới.
Cũng như Nguyễn Thanh Việt, Ocean Vương không sinh ra ở Hoa Kỳ. Anh sinh năm 1988 ở Gò Công, Việt Nam. Cả gia đình sáu người của anh vượt biên đến Mỹ năm 1990, năm Ocean hai tuổi. Tuổi thơ của Ocean là căn hộ có một phòng ngủ cho gia đình sáu người ở vùng Harford, Connecticut, một thành phố phần đông là người da đen. Khi ấy, tên của Ocean vẫn còn là Vương Quốc Vinh. Cho đến khi mẹ của anh muốn tuyệt giao với quá khứ, với hình ảnh của người chồng bạo hành dẫn đến tù tội, anh trở thành Vương Hải.
Thay cho những câu chuyện cổ tích một đứa trẻ thường được nghe, thì Ocean được bà và mẹ kể cho nghe về chiến tranh Việt Nam. Người mẹ mù chữ của Ocean dạy cho anh trí tưởng tượng và những khoảng trống chứa đầy sức mạnh – khoảng trống của người không biết đọc. Những khoảng trống đó là vũ khí cho Ocean suốt những năm anh bập bẹ học tiếng Anh đến năm 11 tuổi.
Ngày Vương Hải xuất hiện ở Hoa Thịnh Đốn trong buổi đọc thơ, đôi mắt ướt, giọng “nhẹ như mây, trong suốt” của anh nhấn chìm hết âm thanh, dù là nhỏ nhất trong khán phòng. Ocean hỏi: “Các bạn có nghe tôi nói được không? Không? Được rồi, bây giờ được rồi chứ? Tôi có thể nói to hơn khi tôi trở nên dũng cảm hơn.” Ngày đó, mẹ của Ocean vừa rời xa anh vĩnh viễn. Đó cũng là thời điểm Ocean hoàn thành tập thơ “Time Is a Mother.”
Chiến tranh, tình yêu, tình Mẹ, đặc biệt là hình ảnh về người phụ nữ bàng bạc khắp thơ văn của Ocean Vương. Đây là chất xúc tác cho một “thiên tài văn chương của nước Mỹ” và cũng là được “vết thương xuyên thấu trời đêm” của anh.
Khác với Nguyễn Thanh Việt và Ocean Vương, Eric Nguyễn, 33 tuổi, sinh ra và lớn lên thành phố Silver Springs, Maryland. Việt Nam trong ký ức của Eirc là con số 0. Từ nhỏ, ngôn ngữ chính của Eric là tiếng Anh. Đó là lý do mà cho đến tận bây giờ, hỏi về những lần trò chuyện với mẹ của mình, Eric nói: “Rất ít. Mẹ nói với tôi tiếng Việt, tôi hiểu bao nhiêu thì trả lời bấy nhiêu, bằng tiếng Anh. Tôi cố gắng nói cho mẹ hiểu.”
Từ nhỏ, Eric đã xác định mình muốn trở thành một nhà văn. Tác phẩm đầu tiên anh muốn viết là về câu chuyện của cha mẹ mình. Nhưng khả năng tiếng Việt của Eric không đủ để hiểu hết ý nghĩa làn sóng tỵ nạn của người Việt lúc đó.
“Tôi càng tò mò, tìm hiểu thêm về lịch sử vượt biển qua các tài liệu. Thời gian đó tôi đang học cao học về sáng tác văn chương ở New Orleans. Tôi có cơ hội gặp gỡ với cộng đồng người Việt ở đó. Từ những người ấy, tôi biết thêm nhiều câu chuyện vượt biển giống cha mẹ của mình,” Eric kể.
Sau ba năm tìm hiểu, trò chuyện, có thể nói là đi “khảo cổ” những câu chuyện vượt đại dương của 40 năm trước, Eric hoàn thành tiểu thuyết đầu tay của mình, “Things We Lost To The Water.” Đây cũng là một trong những tác phẩm trong danh sách “Summer Reading List 2021” của cựu Tổng thống Barack Obama.
Nếu tác phẩm của Nguyễn Thanh Việt là cuốn phim về cuộc chiến và nội tâm của những người sống giữa hai chế độ, của Ocean Vương là dòng chảy nhẹ nhàng, hoà quyện giữa quá khứ và tương lai, mờ ảo giữa thực và giả, thì của Eric Nguyễn là một lăng kính thực tế của một thế hệ sinh trưởng ở Hoa Kỳ. Những nhân vật trong truyện của Eric cũng là những cái tên Việt, như Hương, Tuấn, Bình. Tuy không nhìn nhận cuốn sách là câu chuyện từ chính gia đình mình, nhưng Eric nói, “tôi là một trong những nhân vật trong đó.”
“Trong tác phẩm này, tôi muốn nói ‘nước’ rất quan trọng, đặc biệt với người Việt Nam. Như cha mẹ của tôi, những người vượt đại dương, họ đã sống còn vì nhờ có nước. Nhưng cũng chính đại dương đã giết chết biết bao người vượt biển không may mắn. Họ không may mắn như cha mẹ của tôi. Nước vô cùng quan trọng cho trái đất, nhưng cũng chính nước đã lấy đi biết bao sinh mạng từ những trận bão kinh hoàng,” Eric nói.
Tôi hiểu, trong ký ức của Eric vẫn còn nguyên vẹn những gì xảy ra trong trận bão Katrina ở thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana 16 năm trước.
“Thêm nữa, ngoài sinh mạng, có phải chúng ta đã đánh mất rất nhiều thứ khác vốn thuộc về mình trong những chuyến vượt biển chạy trốn cộng sản đó không?” Eric đặt câu hỏi, và cũng chính anh đưa ra câu trả lời: “Như nhân vật người cha trong câu chuyện của tôi. Dù ông được đoàn tụ với gia đình, nhưng ông không còn là người chồng, người cha như trước khi rời Việt Nam. Gia đình của họ vĩnh viễn không thể như xưa.”
Nguyễn Thanh Việt, Ocean Vương, Eric Nguyễn hay các nhà văn Hoa Kỳ gốc Việt khác nữa, họ đã bước vào dòng chính của văn học Hoa Kỳ như thế đó.
(Kalynh Ngô)