(VĨNH ANH)
Việc nội bộ của anh em nhà Tây Sơn bị rạn nứt, dẫn đến cảnh ” nồi da xáo thịt”, xâu xé lẫn nhau; thêm vào đó vua Quang Trung- Nguyễn Huệ đột ngột băng hà, là những nguyên nhân chính làm cho vương triều Tây Sơn bị suy yếu và cuối cùng đi đến chỗ phải diệt vong. Vậy, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những lý do chủ yếu góp phần làm nội bộ trong nhà Tây Sơn bị rạn nứt xuất phát từ đâu.
Thân thế của ba anh em nhà Tây Sơn:
Theo sử sách ghi chép lại ông tổ của ba anh em nhà Tây Sơn là họ Hồ và đồng thời cũng là ông tổ của Hồ Quý Ly, đã lưu lạc vào tới ấp Tây Sơn, phủ Quy Nhơn trong thời kỳ Trịnh, Nguyễn phân tranh. Về sau, từ họ Hồ đổi sang thành họ Nguyễn; việc đổi họ cũng có nhiều tài liệu ghi chép khác nhau. Có tài liệu ghi chép việc này xảy ra từ thời của ông Hồ Phi Tiễn ( ông nội của ba anh em nhà Tây Sơn); do muốn đổi sang họ Nguyễn để con mình được hưởng trọn gia sản và đời đời giữ hương hỏa bên ngoại, nên vợ của ông, bà Nguyễn Thị Đồng là con duy nhất của một phú thương buôn trầu đã bàn với chồng cho con mang họ Nguyễn. Vì thế, khi con của họ sinh ra đã được mang họ Nguyễn, tức là Nguyễn Phi Phúc ( thân phụ của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, và Nguyễn Lữ).
Các tài liệu sử sách khác thì cho rằng việc đổi từ họ Hồ sang họ Nguyễn xuất phát từ việc khởi nghĩa Tây Sơn do Nguyễn Nhạc đứng đầu. Sử sách cho rằng, việc anh em nhà Tây Sơn đổi sang họ của bà nội là họ Nguyễn nhằm mục đích tranh thủ cảm tình của nhân dân; bởi vì xứ Nam vẫn là đất của các chúa Nguyễn. Nhưng theo thiển ý của chúng tôi thì anh em của Nguyễn Nhạc muốn tránh tiếng họ Hồ, bởi vì họ Hồ, tiêu biểu là Hồ Quý Ly được các sử liệu từ thời Hậu Lê cho đến nhà Nguyễn ghi chép là nghịch thần, phạm tội thí quân (vua), và soán ngôi. Việc cải sang họ Nguyễn chỉ nhằm mục đích che dấu thân phận của mình; vả lại, họ Nguyễn lúc bấy giờ là một dòng họ lớn
Nguyễn Nhạc cùng với hai người em của mình là Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ chính thức đựng cờ khởi nghĩa ở Tây Sơn vào năm Tân Mão, tức năm 1771. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã nhanh chóng thu hút anh hùng hào kiệt và các kẻ sĩ gần xa hưởng ứng nhiệt liệt. Nhờ thế, chỉ trong thời gian ngắn nhà Tây Sơn đã có cơ sở vững chắc làm tiền đề xây dựng vương triều Tây Sơn sau này.
Tính cách khác biệt của ba anh em nhà Tây Sơn:
Ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, và Nguyễn Lữ ngay từ lúc còn nhỏ cho đến khi trưởng thành đều đối xử với nhau hết mực thương yêu. Từ khi ông Nguyễn Phi Phúc tạ thế, với vai trò quyền huynh thế phụ, Nguyễn Nhạc đối với hai em chẳng những yêu thương vì ruột thịt mà còn quý trọng về mặt tài đức. Còn hai ông Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ thì hết mực yêu kính anh như cha, mọi chuyện đều tuân theo sự sắp đặt và chỉ dẫn của người anh. Về mặt tình cảm thì như thế, nhưng về tính cách riêng của mỗi người thì khác. Cụ thể như sau:
– Nguyễn Nhạc phải nói là người ” táo bạo” và “có cơ trí”, đồng nghĩa với “dám làm và dám nghĩ”. Lấy một trường hợp điển hình là ông chưa bao giờ cầm quân nhưng vẫn mạnh dạn đánh nhau và cuối cùng chiếm được thành Quy Nhơn do tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên trấn giữ. Để rồi sau đó, ông đã bành trướng thế lực, tiến quân đánh chiếm dinh Quảng Nam, rồi lan rộng ra từ Quảng Ngãi cho đến Bình Thuận đều thuộc về nhà Tây Sơn. Cho đến 5 năm sau (1776), ông tự xưng là Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Đức, và cho sửa lại thành Đồ Bàn ( kinh đô cũ của Chiêm Thành) làm kinh đô của mình. Tuy nhiên, sau khi lên làm hoàng đế thì ông bỗng trở nên bảo thủ, không muốn và không thích xây dựng và phát triển đất đai, lãnh thổ nữa, ngoài những gì mình đã có.
Nguyễn Huệ thì có tầm nhìn và tài trí vượt hẳn anh. Khi ở dưới quyền của Nguyễn Nhạc thì triệt để phục tùng. Khi như con chim bằng đã có đủ sức gió để quạt cánh bay lên chín tầng mây thì không còn ai có thể kiềm chế. Và một khi, con chim bằng đã bay thì hướng đến tương lai chứ mấy khi chịu quay về dĩ vãng. Nói một cách dễ hiểu hơn, Nguyễn Huệ có tầm nhìn xa trông rộng, khác hẳn với người bình thường.
Lấy một trường hợp cụ thể như sau: Do Nguyễn Huệ nhận biết rất rõ, các hậu duệ của nhà Lê không có tài kinh bang tế thế mà lại còn bị dư đảng con cháu chúa Trịnh khống chế. Nếu nhà Tây Sơn không lưu ý hay lơ là thì chắc chắn Bắc Hà do ông cai trị sẽ bị nhà Thanh nuốt chửng. Nếu trường hợp đó xảy ra, thì vùng đất mà ông được phong Bắc Bình Vương làm thế nào có đủ nguồn nhân lực và tài lực chống đỡ. Đó cũng là lý do Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đem quân từ Phú Xuân vào thành Quy Nhơn định lật đổ vua anh.
– Riêng trường hợp của Nguyễn Lữ thì hoàn toàn khác so với hai người anh của mình. Ông là người hiền lành, đô lượng, không cầu danh vọng, địa vị mà chỉ muốn thỏa chí tự do tự tại. Ông đam mê tôn giáo và thường xuyên đi chữa bệnh cho người dân. Cụ thể như đầu năm 1776, Nguyễn Lữ nhận lệnh của Nguyễn Nhạc mang quân theo đường thủy tiến đánh Gia Định.
Chúa Nguyễn Phúc Thuần bị quân Tây Sơn đánh bất ngờ nên bỏ chạy về Trần Biên- Biên Hòa. Nguyễn Lữ tiến vào thành, kiểm điểm kho tàng và thu thập quân lương rồi chuyển về Quy Nhơn. Sau đó, ông điều quân truy kích quân Nguyễn, chúa Nguyễn Phúc Thuần sợ quá đã bỏ chạy về Bà Rịa. Nguyễn Lữ tiếp tục truy kích, chúa Nguyễn Phúc Thuần phải lẩn trốn vào nhà giáo sĩ người Tây Ban Nha. Do Nguyễn Lữ là một người sùng tôn giáo, nên ra lệnh cho quân Tây Sơn không được phép phạm tới những người đi theo Công giáo, nhờ vậy chúa Nguyễn Phúc Thuần mới thoát được nạn này.
Mối quan hệ bất hòa và rạn nứt:
Do đâu và khi nào hai anh em nhà Tây Sơn lâm vào cảnh bất hòa, dẫn đến nội bộ bị lục đục, mất đoàn kết, góp phần làm cho nhà Tây Sơn trở nên suy yếu. Chúng ta hãy cùng nhau quay lại từ ngày quân Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân, và sau đó Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ tiến đánh thành Thăng Long để dẹp tan thế lực nhà Trịnh. Đó là một trong những nguyên nhân chính khởi đầu cho sự rạn nứt giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ.
Đầu tiên là việc đánh chiếm Phú Xuân, sau khi dẹp yên Gia Định, Nguyễn Huệ đề nghị đem quân đánh Phú Xuân. Do không nắm bắt rõ thực hư tình hình của quân Trịnh, nên Nguyễn Nhạc không đồng ý. Về sau, khi được Nguyễn Hữu Chỉnh báo cáo rõ tình hình quân Trịnh, Nguyễn Nhạc mới đồng ý xuất chinh. Khi chiếm được thành Phú Xuân xong, Nguyễn Huệ tự ý dẫn binh ra đánh Bắc Hà.
Vua Thái Đức có ý không bằng lòng vì Nguyễn Huệ chưa có lệnh đã xuất quân; hơn nữa Nguyễn Nhạc e ngại Nguyễn Huệ thành công rồi thì khó lòng kiềm chế sau này. Vì vậy, Nguyễn Nhạc vội cử người ra Phú Xuân để đình chỉ việc Bắc tiến, nhưng khi ra đến nơi thì Nguyễn Huệ đã chiếm được Thăng Long và gần như toàn cõi Bắc hà. Cuối cùng, Nguyễn Nhạc đành phải bấm bụng ngự giá ra Bắc vì biết chắc rằng nếu có cử người ra gọi về cũng không được.
Kế đến, năm 1787, sau khi dẹp yên chúa Trịnh ở Thăng Long, đánh đuổi Chúa Nguyễn Ánh ra khỏi Gia Định, vua Thái Đức bèn sắc phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương thống trị đất Thuận Hóa từ Hải Vân Sơn đến Hoành Sơn. Sau khi được sắc phong Bắc Bình Vương và nắm quyền quản thủ đất Thuận Hóa, Nguyễn Huệ đã tự ý sửa sang thành quách, phong thưởng cho văn quan võ tướng mà không dâng sớ tấu trình theo đúng nghi pháp. Thêm vào đó, nhiều lần vua Thái Đức cho vời (mời) Nguyễn Huệ vào chầu kiến, nhưng tất cả đều bị ông lấy cớ thoái thác.
Nhận thấy Bắc Bình Vương đã coi thường tình thủ túc anh em, bốn phận bề tôi với quân vương, cho nên vua Thái Đức vội vã cất binh ra Phú Xuân hỏi tội. Khi nhận được tin cấp báo nói trên, Bắc Bình Vương nổi cơn thịnh nộ, đập án nói rằng: ” Ta có tội gì mà hỏi ? Đánh Nam dẹp Bắc để giữ vững ngôi báu cho anh, đó là tội à? Còn đất Thuận Hóa này là của ta lấy từ tay chúa Trịnh. Ta nhận thọ phong đỏ chẳng qua là vì tình cảm anh em mà thôi, chứ đâu phải anh ta cắt đất của mình phong cho ta mà bắt ta phải nhất nhất tuân theo mệnh lệnh ? Công thì lại quên, còn tội không có thì lại buộc! Sao lại bất công thế ? Ta không chịu nổi.
Nói xong, Bắc Bình Vương liền thân chinh dẫn quân ra chống cự. Vua Thái Đức thấy em ra mặt bất phục tùng, càng nổi giận thêm. Thế là không nói lời nào, hai bên lao vào giáp chiến kịch liệt. Quân của vua Thái Đức yếu thế phải rút về Quy Nhơn, Bắc Bình Vương thừa thắng dẫn quân truy kích, bao vây, và dùng súng đại bác bắn vào thành. Những nơi hiểm yếu trong thành đều bị phá, Vua Thái Đức liệu giữ thành không xong, hoảng sợ quá đành phải lên mặt thành mà khóc:
– ” Bì oa chử nhục, đệ tâm hà nhẫn” ( nghĩa là ” Nồi da xáo thịt, lòng em sao nở?”), có người lại dịch ra quốc ngữ: ” Lỗi lầm anh vẫn là anh. Nồi da xáo thịt sao đành hỡi em ?”.
Sau khi nghe tiếng gọi thống thiết của anh mình, Nguyễn Huệ thấy chạnh lòng, bèn thu binh quay trở về Thuận Hóa. Nhưng rõ ràng từ đây đã có sự rạn nứt trong mối quan hệ anh em và quan hệ vua tôi giữa họ. Chính vì mối bất hòa giữa hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ nêu trên, đã góp một phần không nhỏ làm cho thế lực vương triều Tây Sơn không được đoàn kết, lớn mạnh; nhất là sau này khi vua Quang Trung-Nguyễn Huệ mất sớm, vua Cảnh Thịnh (là Nguyễn Quang Toản, con của vua Quang Trung) còn quá nhỏ lên ngôi.
Mọi việc trong triều đều do Thái sư Bùi Đắc Tuyên quyết đoán, các quan đại thần chống đối, giết hại lẫn nhau, không biết đoàn kết để đương cự với Nguyễn Vương (Chúa Nguyễn Phúc Ánh), và cuối cùng phải bị diệt vong kết thúc một vương triều Tây Sơn tồn tại trong một thời gian ngắn 25 năm, từ năm 1778 đến năm 1802.
(Vĩnh Anh)