Mất trí nhớ, gặp khó khăn trong suy nghĩ để giải quyết một vấn đề bình thường hay dùng ngôn ngữ không chính xác để giải thích một sự kiện,… là những triệu chứng của sa sút trí tuệ. Bệnh này thường gặp ở người lớn tuổi, trong y khoa, người ta gọi là “rối loạn thần kinh chức năng”. Bệnh phát triển khi não bị tổn thương do nhiều nguyên nhân.
Trong đó bệnh Alzheimer là thường gặp nhất, đứng thứ hai là do các bệnh lý mạch máu não. Phụ nữ sau 65 tuổi mắc Alzheimer nhiều gấp đôi so với nam giới. Các bệnh như: trầm cảm, tiểu đường, huyết áp cao, tai biến mạch máu não làm gia tăng nguy cơ gây sa sút trí tuệ.
Một số vấn đề thường thấy ở người mắc bệnh Alzheimer:
– Quên tên của vài người bạn xưa, bạn của cháu mình, quên từ và thay thế từ không phù hợp.
– Để quên đồ ở những nơi kì lạ, ví dụ như chìa khóa trong tủ lạnh, điện thoại trong máy giặt,…. Khóc lóc khi không tìm ra chúng.
– Quên đường đi tới những nơi quen đã từng đi nhiều lần trước đây.
– Ngồi trước TV hàng giờ, ngủ nhiều hơn bình thường.
– Tự cảm thấy khó khăn trong việc thực hiện các công việc đơn giản như copy giấy tờ, thanh toán hóa đơn, điền đơn, khai thuế hàng năm,…
– Kể lại câu chuyện đã nói ở 1,2 tuần trước đó.
– Vấn đề lớn nhất là thay đổi cảm xúc nhanh chóng, từ khóc lóc đến giận dữ, kích động, không có lý do rõ ràng.
Càng về sau các triệu chứng càng trở nên nặng hơn và có thể xuất hiện các triệu chứng khác. Một số người bắt đầu tin những điều không có thật (hoang tưởng) ví dụ như tin rằng mọi người đang nói xấu và tìm cách hại mình, hoặc ai đó muốn lấy trộm đồ của mình.
Chính những thay đổi này khiến cho không chỉ bản thân người bệnh mà cả người chăm sóc cũng cảm thấy trở nên mệt mỏi. Chỉ có những người con có tấm lòng hiếu thảo mới có thể giúp đỡ cha mẹ già lâu dài được.
Não cũng chứa các chất hóa học quan trọng giúp gửi tín hiệu giữa các tế bào. Những người mắc bệnh Alzheimer có ít hơn các chất này hơn so với người bình thường, vì vậy các tín hiệu cũng không được truyền đi.
Cho đến hiện tại chưa có một loại thuốc trên thị trường có thể điều trị khỏi bệnh Alzheimer hoàn toàn. Chỉ có thể làm giảm tạm thời các triệu chứng hoặc làm chậm tiến triển của bệnh mà thôi. Người chăm sóc đóng vai trò quan trọng nhất, vì họ có thể giúp đỡ bệnh nhân ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, động viên họ tập thể dục, đi bộ, khơi chuyện để bệnh nhân luyện trí óc nhớ lại những việc xưa.
Khi về già, không mắc bệnh này cũng mắc bệnh kia, bởi vì tuổi càng cao các tế bào sẽ không còn hoạt động tốt và không thể chống chọi bệnh tật dễ dàng giống như hồi còn trẻ. Vì vậy, người cao tuổi có thể chết vì các thương tổn hoặc bệnh tật mà những người trẻ hơn có thể dễ dàng vượt qua.
Sinh lão bệnh tử là quy luật tự nhiên của cuộc sống mà không ai có thể thay đổi được. Đến một lúc nào đó, ai cũng phải rời bỏ cuộc sống hiện tại để “sang thế giới bên kia”, bằng nhiều cách khác nhau. Điều mong muốn nhất là được chết trong lòng bàn tay thương yêu của gia đình mình.
Để được vậy, hãy thương yêu thật nhiều người bạn đời của mình và hãy đối xử thật tốt đối với anh chị em trong gia đình? Bởi vì “Cuối cùng vẫn chỉ có tình cảm gia đình là thứ tình yêu vô điều kiện duy nhất trong cuộc đời mỗi con người”
(Ngô Khôn Trí)