Phi Hồng
Nước tiểu có bọt là dấu hiệu của tình trạng protein niệu, xảy ra do nhiều bệnh lý, nếu không điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng.
TS.BSCC Mai Thị Hiền, Phó khoa Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, protein niệu là thuật ngữ dùng để mô tả hàm lượng protein trong nước tiểu tăng cao vượt mức bình thường, hơn 150 miligam mỗi ngày.
Đi tiểu thường xuyên, nước tiểu sủi bọt, mệt mỏi, chán ăn, sưng ở mặt, bụng, bàn chân hoặc mắt cá chân… là những dấu hiệu đặc trưng cho thấy tình trạng protein niệu đang phát triển.
Protein niệu cảnh báo một số bệnh lý như:
Mất nước
Đây là nguyên nhân phổ biến và tạm thời của tình trạng protein niệu. Khi cơ thể thiếu nước sẽ làm sụt giảm lượng dinh dưỡng đưa tới thận, gây rối loạn tái hấp thu protein của thận, dẫn tới protein bị bài tiết qua nước tiểu, xuất hiện tình trạng protein niệu tạm thời.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hiện tượng mất nước, người bệnh có thể sẽ có những biểu hiện khác nhau như mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, liên tục khát nước, lượng nước tiểu giảm và sẫm màu, khô miệng, khô da…
Huyết áp cao
Huyết áp cao gây tăng áp lực lọc trong cầu thận, lâu dài có thể làm tổn thương các mạch máu tại đây. Điều này làm giảm khả năng tái hấp thu protein, dẫn đến hiện tượng protein chảy vào nước tiểu.
Tình trạng này thường phát triển chậm nên người bệnh có thể không cảm nhận được triệu chứng trong nhiều năm. Tuy nhiên, khi xuất hiện các dấu hiệu dễ nhận biết như đau đầu, khó thở hoặc chảy máu cam,… chứng tỏ tăng huyết áp đã phát triển nghiêm trọng.
Đa số các trường hợp huyết áp cao không có nguyên nhân cơ bản nhưng ở một số người bệnh, tình trạng này có thể do: bệnh thận, rối loạn tuyến giáp, khối u tuyến thượng thận, khó thở khi ngủ hoặc tác dụng phụ từ một số loại thuốc…
Tiểu đường
Tiểu đường là một dạng rối loạn chuyển hóa làm cho lượng đường trong máu tăng cao. Điều này buộc thận phải hoạt động nhiều hơn, đồng thời việc kiểm soát không tốt đường huyết còn dẫn đến tổn thương các mạch máu trong thận và rò rỉ protein vào nước tiểu.
Các triệu chứng của bệnh có thể thay đổi tùy theo mức độ nghiêm trọng và loại tiểu đường như: tăng cảm giác khát và đói, đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi, mờ mắt, sụt cân không rõ nguyên nhân…
Bệnh thận mạn tính
Bệnh thận mạn tính là tình trạng mất dần chức năng thận, có thể có protein niệu trong giai đoạn đầu, nhưng không biểu hiện thành triệu chứng rõ rệt. Khi bệnh tiến triển, sẽ xuất hiện thêm một số dấu hiệu, bao gồm: hụt hơi, mệt mỏi, khó ngủ, buồn nôn, đi tiểu thường xuyên, da khô ngứa, sưng bàn tay và bàn chân…
Bệnh tự miễn
Hệ thống miễn dịch thực hiện chức năng tạo ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập của các vi sinh vật lạ. Tuy nhiên khi mắc bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, hội chứng goodpasture…, các kháng thể do hệ thống miễn dịch sinh ra lại tấn công chính các mô khỏe mạnh của cơ thể. Điều này có khả năng làm tổn thương, viêm cầu thận dẫn đến hiện tượng protein niệu, nếu không được điều trị có thể gây suy thận.
Bác sĩ Hiền cho biết, tùy thuộc vào nguyên nhân gây protein niệu, người bệnh sẽ được chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau. Ngoài ra, để phát huy hiệu quả điều trị, trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, người bệnh nên xây dựng chế độ ăn ít chất đạm, tăng cường chất xơ để làm giảm cholesterol và điều chỉnh lượng đường trong máu, hạn chế lượng muối tiêu thụ để kiểm soát huyết áp ở mức hợp lý. Trong sinh hoạt, người bệnh cũng cần thường xuyên vận động vừa sức, từ bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc tự ý dùng các loại thuốc chống viêm không steroid…