Các nhà lập pháp Hạ viện Hoa Kỳ đã đồng loạt bỏ phiếu hủy bỏ vị thế “quốc gia đang phát triển” của Trung Quốc. Các chuyên gia về Trung Quốc cho rằng việc thông qua dự luật này sẽ khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khó tiếp tục các thông lệ thương mại gian dối của mình trong cộng đồng quốc tế.
Hôm 27/03, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật chấm dứt vị thế là một quốc gia đang phát triển của Trung Quốc với số phiếu 415–0. Dự luật này sẽ yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gây ảnh hưởng đến các tổ chức quốc tế để thêm Trung Quốc vào danh sách các quốc gia có thu nhập cao, thu nhập trung bình-cao, hoặc quốc gia phát triển và đình chỉ sự đối xử đặc biệt mà Trung Quốc được hưởng với tư cách là một quốc gia đang phát triển trong các tổ chức quốc tế khác nhau.
Bà Young Kim, chủ tịch Tiểu ban Ngoại giao Hạ viện về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là một trong những người bảo trợ cho dự luật này. Bà Kim chỉ ra rằng Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm 18.6% nền kinh tế toàn cầu, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ được coi là một quốc gia phát triển vì thế Trung Quốc cũng nên như vậy.
Bà cũng chỉ trích ĐCSTQ vì đã sử dụng vị thế là một quốc gia đang phát triển của mình để “đánh lừa hệ thống,” tước đoạt quyền tiếp cận tài nguyên của các quốc gia cần giúp đỡ.
Những biện pháp dối trá của ĐCSTQ
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu giáo sư thuộc Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 31/03 rằng việc thông qua dự luật sẽ khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) gặp khó khăn trong việc sử dụng địa vị “quốc gia đang phát triển” của mình để gian lận trong các tổ chức quốc tế và vay tiền hoặc nhận tiền viện trợ.
Ông Lý nói, “Tôi nghĩ thế giới sẽ một lần nữa hiểu được bản chất thực sự của Trung Cộng. Trung Cộng đã gian lận trong các tổ chức quốc tế dưới danh nghĩa một quốc gia đang phát triển. Họ đã sử dụng các phương thức mờ ám để làm tha hóa các tổ chức quốc tế nhằm kiếm lời từ các tổ chức này.”
Hoa Kỳ đã dẫn đầu hành động, và ông Lý hy vọng phần còn lại của thế giới sẽ làm theo.
Ông nói, “Sau khi dự luật này được thông qua, chúng ta sẽ thấy rằng ĐCSTQ không thể chỉ thu lợi mà không thực hiện trách nhiệm của mình. Họ sẽ không thể làm bất cứ điều gì họ muốn như họ đã làm trong quá khứ.”
“Hoa Kỳ thực sự đang buộc Trung Cộng phải chơi theo luật quốc tế. Là một chính quyền bất hảo, họ không thể tuân theo các quy tắc, nhưng tôi nghĩ rằng họ sẽ ngày càng có ít cơ hội hơn để làm như vậy. Điều này thực sự sẽ trừ đi tham vọng thống trị thế giới cũng như việc sử dụng bạo lực và tiền bạc để kiểm soát thế giới của ĐCSTQ.”
Ông Lý chỉ ra rằng ĐCSTQ luôn dùng phương pháp lừa dối để đạt được các mục tiêu của mình, bao gồm cả dùng lợi nhuận để dụ dỗ và đưa ra những lời hứa giả tạo.
Ông cho rằng, nếu các quốc gia khác nhận ra bản chất thật của Trung Cộng và không còn bị những mánh khóe lừa bịp của đảng này đánh lừa, thì cuộc sống của ĐCSTQ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và chính quyền lưu manh này sẽ không còn đất dụng võ.
Tiến sĩ Tạ Điền (Frank Tian Xie), Giáo sư được nhận tài trợ từ Quỹ John M. Olin Palmetto thuộc Khoa Kinh doanh và Tiếp thị tại Đại học South Carolina Aiken, nói với The Epoch Times hôm 31/03 rằng nếu tư cách là một quốc gia đang phát triển của Trung Quốc bị thu hồi, thì nhiều chính sách, khoản cho vay, viện trợ ưu đãi mà Trung Quốc được hưởng sẽ bị chấm dứt.
Ngoài ra, nhiều hiệp ước quốc tế có quy định miễn trừ cho các quốc gia đang phát triển. Mất đi vị thế của một “quốc gia đang phát triển” có nghĩa là Bắc Kinh sẽ buộc phải đảm nhận các nghĩa vụ theo yêu cầu của các hiệp ước quốc tế giống như tất cả các quốc gia khác.
Ông Tạ cũng lưu ý rằng mặc dù các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ thường bị chia rẽ theo đảng phái, nhưng đã có sự đồng thuận đáng chú ý ở cả hai đảng về vấn đề chính phủ Hoa Kỳ nên đối phó với ĐCSTQ như thế nào.
Ông nói: “Họ đã gạt bỏ những khác biệt đảng phái của mình sang một bên và đồng lòng trong việc đối phó với Trung Cộng nhằm buộc Trung Cộng phải tuân theo các quy tắc quốc tế.”
20 năm là thành viên WTO
Năm 1979, khi Trung Quốc cộng sản và Hoa Kỳ chính thức thiết lập mối bang giao, hai nước đã ký một hiệp định quan hệ thương mại tại Bắc Kinh, trao cho nhau quy chế tối huệ quốc (MFN) bắt đầu từ tháng 02/1980.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, quy chế MFN của Trung Quốc phải được tổng thống Hoa Kỳ gia hạn hàng năm và Quốc hội có thể bác bỏ việc gia hạn MFN của tổng thống bằng cách thông qua một nghị quyết chung về việc không chấp thuận.
Nhiều năm sau, bất chấp vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, vào tháng 05/1994, Tổng thống Hoa Kỳ đương thời Bill Clinton đã tuyên bố tiếp tục quy chế MFN cho Trung Quốc và tách thương mại khỏi các vấn đề nhân quyền. Hơn nữa, vào tháng 10/2000, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông Clinton đã ký thành luật một dự luật cho phép quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Trung Quốc, kết thúc việc Quốc hội Hoa Kỳ xem xét hồ sơ nhân quyền hàng năm của Trung Quốc và mở đường cho việc Trung Quốc gia nhập WTO.
Ngày 11/12/2001, Trung Quốc đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là một trong những sự kiện địa chính trị quan trọng nhất trên thế giới kể từ Chiến Tranh Lạnh. Việc gia nhập WTO đã nâng cao vị thế kinh tế của Trung Quốc và nước này nhanh chóng trở thành “công xưởng của thế giới” nhờ tận dụng được nguồn lao động giá rẻ trong nước.
Tỷ trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới đã tăng từ 4% năm 2001 lên 18.5% vào năm 2021. Theo số liệu chính thức, xếp hạng GDP của Trung Quốc đã vượt qua Vương quốc Anh vào năm 2006, vượt qua Đức vào năm 2007, và vượt qua Nhật Bản vào năm 2010, cuối cùng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, ĐCSTQ đã không giữ lời hứa khi gia nhập WTO.
Năm 2015, Tổ chức Đổi mới và Công nghệ Thông tin Hoa Kỳ (ITIF) đã công bố một báo cáo mang tên “Những Lời Hứa Hão: Khoảng Cách Ghê Gớm Giữa Các Cam Kết Và Thực Tiễn Tại WTO Của Trung Quốc” (“False Promises: The Yawning Gap Between China’s WTO Commitments and Practices”).
Báo cáo nêu rõ, “Nhưng quá thường xuyên, một bước tiến sẽ gặp phải hai bước lùi, vì Trung Quốc đã dựng lên các hàng rào mới, thường là phi thuế quan (NTB) ở bên trong biên giới để bù đắp cho những nhượng bộ ở lĩnh vực khác. Những rào cản này đã lấy đi nhiều hơn cả phần bù đắp cho những nhượng bộ bề mặt của Trung Quốc.”
“Trong nhiều trường hợp khác — chẳng hạn như trong việc thực hiện hạn chế tiếp cận thị trường hoặc đặt điều kiện về quyền tiếp cận để được chuyển giao công nghệ hoặc tài sản trí tuệ, hoặc áp dụng các khoản trợ cấp liên tục của chính quyền cho các doanh nghiệp nhà nước (SOE) và các ngành xuất cảng — thì Trung Quốc đơn giản là đã không tuân thủ đầy đủ các cam kết gia nhập WTO và các yêu cầu về tư cách thành viên.”
Sau khi gia nhập, ĐCSTQ hứa sẽ dần loại bỏ các hạn chế tiếp cận thị trường, mở cửa đón nhận đầu tư ngoại quốc, và cho phép các loại hình doanh nghiệp tư nhân, liên doanh, hoặc các công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của ngoại quốc. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực cho phép đầu tư ngoại quốc, thì các công ty ngoại quốc buộc phải chuyển giao công nghệ theo quy định của ĐCSTQ. Hơn nữa, ĐCSTQ đã đánh cắp tài sản trí tuệ từ các quốc gia phát triển, bao gồm đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty ngoại quốc, và bán hàng giả và phần mềm vi phạm bản quyền.
Lỗ hổng của WTO
WTO không có định nghĩa rõ ràng về thế nào là các quốc gia “phát triển” và “đang phát triển” và cho phép các thành viên tự xác định tình trạng của riêng mình dựa trên mức phát triển kinh tế của họ. Việc Trung Quốc là một quốc gia phát triển hay đang phát triển là một chủ đề tranh luận do các bên khác nhau có ý kiến khác nhau, nhưng hầu hết đều đồng ý rằng đây là một lỗ hổng trong các quy định của WTO.
Sự khác biệt lớn nhất giữa hai vị thế này là các quốc gia đang phát triển được hưởng đối xử ưu đãi và khác biệt trong khuôn khổ WTO, trong đó có nới lỏng các hạn chế về trợ cấp thương mại, sự linh hoạt trong việc sử dụng các công cụ chính sách kinh tế và thương mại, thời gian chuyển đổi dài hơn, và việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên là quốc gia đang phát triển.
Các quốc gia đang phát triển thường phối hợp hành động để bảo vệ hoặc tối đa hóa lợi ích của mình khi bỏ phiếu trong WTO, vì họ nắm giữ tỷ lệ thành viên và quyền ra quyết định cao hơn.
Hồi tháng 12/2017, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đương thời Robert Lighthizer đã bày tỏ sự cần thiết phải làm rõ các định nghĩa về “phát triển” hoặc “đang phát triển” trong khuôn khổ WTO. Ông Lighthizer lưu ý rằng Hoa Kỳ không thể tiếp tục một tình huống mà trong đó các quy định mới chỉ áp dụng cho một số quốc gia trong khi những quốc gia khác có thể né tránh quy tắc bằng cách tự nhận mình là quốc gia đang phát triển.
“Theo quan điểm của chúng tôi, có điều gì đó không ổn khi năm trong số sáu quốc gia giàu nhất thế giới hiện nay tuyên bố vị thế là quốc gia đang phát triển,” ông nói. “Thật vậy, tất cả chúng ta nên lo lắng khi dường như có quá nhiều Thành viên tin rằng họ sẽ có lợi hơn nếu được miễn trừ các quy tắc này. Nếu theo ý kiến của đại đa số các Thành viên, tuân thủ các quy định hiện hành của WTO khiến việc đạt được tăng trưởng kinh tế trở nên khó khăn hơn, thì rõ ràng là cần phải nghiêm túc suy xét lại.”