RFI – Báo chí đưa tin, ngày 29/03/2023, tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm, nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Ngày 31/03, giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc đưa ra những nhận định về sự kiện này và vai trò của Mỹ bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội.
Giáo sư C. Thayer: Việc tổng thống Biden nói chuyện trực tiếp với tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng rất có ý nghĩa bởi vì nguyên thủ Mỹ đã thừa nhận vai trò trung tâm của ông Trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam. Theo thông lệ bình thường, tổng thống Mỹ nói chuyện với đồng cấp nước ngoài, tức là với tổng thống, chủ tịch nước hoặc người đứng đầu chính phủ.
Hai lãnh đạo đã mời nhau tới thăm nước mình và cả hai đã nhận lời. Các chuyến thăm qua lại này nhằm kỷ niệm 10 năm Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023). Các chuyến thăm cấp cao như vậy chắc chắn sẽ mang lại những bước tiến vững chắc trong quan hệ.
Đồng thời, theo báo Nhân Dân, « hai lãnh đạo sẽ giao các cơ quan chức năng của hai bên trao đổi các nội hàm cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới ». Như vậy, có thể cho rằng nếu đạt được một sự đồng thuận trong các cuộc trao đổi này thì lãnh đạo hai nước sẽ nâng quan hệ song phương lên mức cao nhất là quan hệ đối tác chiến lược.
Trong tháng 12/2022, Việt Nam tổ chức một cuộc triển lãm quốc tế lớn về vũ khí. Các quan chức quân sự cao cấp Việt Nam đã công khai nói tới sự cần thiết đa dạng hóa các nguồn mua của Việt Nam. Sau khi kết thúc triển lãm, các công ty quốc phòng của Mỹ như Lockheed Martin, Boeing, Raytheeon và Textron đã có các cuộc thảo luận với các nhà chức trách quốc phòng của Việt Nam về việc bán caxc thiết bị quân sự cho Việt Nam.
Trong cuộc điện đàm với tổng thống Biden, điều quan trọng là tổng bí thư Trọng đã nêu vấn đề hợp tác về quốc phòng và an ninh trong danh sách các lĩnh vực mà hai bên có thể mở rộng. Quốc phòng và an ninh đứng hàng thứ 7 trong 9 lĩnh vực hợp tác được nêu trong bản tuyên bố chung năm 2013 do tổng thống Barrack Obama và chủ tịch Trương Tấn Sang ký, thông báo quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước
Vào lúc tổng thống Biden và tổng bí thư Trọng điện đàm, một phái đoàn bao gồm 52 lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ có mặt tại Hà Nội để thảo luận về những cơ hội thương mại và đầu tư. Đây là phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước tới nay. Các đại diện tập đoàn Boeing có mặt trong phái đoàn này.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của Hàn Quốc trong việc bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á ? Ông có nghĩ rằng Hàn Quốc sẽ có vai trò ngày càng lớn trong việc hiện đại hóa quân sự của Việt Nam nói riêng và của khu vực này nói chung hay không ?
Giáo sư C. Thayer: Trong thập niên vừa qua, Hàn Quốc đã bán vũ khí và các thiết bị quân sự cho 6 nước Đông Nam Á : Indonesia, Malaysia, Miến Điện, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Những thiết bị lớn bao gồm tàu chiến, tàu ngầm, máy bay huấn luyện và tiêm kích, các loại pháo và tiên lửa địa đối không và chống tàu chiến.
Trong giai đoạn 2016-2020, Hàn Quốc đứng hàng thứ 4 trong số 10 nước chủ chốt bán vũ khí và thiết bị quân sự cho Việt Nam. Tổng giá trị các vũ khí thiết bị mà Hàn Quốc bán cho Việt Nam lên tới 120 triệu, trong đó có cả việc chuyển giao hai hộ tống hạm lớp Pohang trong năm 2017 và 2018. Từ đó đến nay, không hề có một thương vụ nào nữa.
Hàn Quốc chắc chắn nằm trong số các nước mà Việt Nam có thể trong tương lai quay sang mua vũ khí, có thể cả tiêm kích (T-50 Golden Eagle hoặc KF-21 Boramae).