Từ trái sang là Jeremy Hansen, Victor Glover, Reid Wiseman và Christina Hammock Koch, các phi hành gia được NASA tuyển chọn để tham gia sứ mệnh Artemis 2 thám hiểm Mặt Trăng.
RFI – Trung tâm Không gian Mỹ NASA, hôm qua, 03/04/2023, trước giới báo chí giới thiệu bốn phi hành gia, ba người Mỹ và một người Canada, sẽ tham gia Artemis 2, chương trình thám hiểm Mặt Trăng, dự kiến diễn ra vào cuối năm 2024.
Đây là kết quả một chu trình tuyển chọn bí mật và nghiêm ngặt. Ba người Mỹ gồm Reid Wiseman, cựu lãnh đạo Cơ quan Phi hành gia ; Victor Glover – một người Mỹ gốc châu Phi và Christina Hammock Koch – người phụ nữ đầu tiên được ghi vào sách kỷ lục ở lại trong không gian lâu nhất : 328 ngày liên tiếp.
Theo AFP, với sự tham dự của một người da mầu và một phụ nữ, NASA xem như đã có một bước tiến lớn khi hứa đưa lên Mặt Trăng một phụ nữ đầu tiên và một người da mầu đầu tiên. Cả ba người này đều đã thực hiện nhiều bay trongk hông gian.
Phi hành gia thứ tư là Jeremy Hensen, người Canada đầu tiên được tham gia vào phi hành đoàn của NASA. Sự kiện rất được nhiều người dân Canada theo dõi, làm hồi sinh mối quan tâm đối với chương trình không gian Mặt Trăng, bị từ bỏ vào năm 1972.
Từ Quebec, thông tín viên đài RFI, Pascale Guéricolas tường trình :
« Jeremy Hensen, một nhà vật lý Canada 43 tuổi sẽ bay quanh Mặt Trăng năm 2024 cùng với ba phi hành gia Mỹ. Viên phi công tiêm kích này đã được huấn luyện cùng với NASA khi thực hành nhiều bài tập trên máy, một chương trình đào tạo hơi khác so với chương trình đào tạo của những người khác tại Trạm Không Gian Quốc Tế.
Cần phải chuẩn bị để phi hành đoàn điều khiển được hệ thống phi thuyền ORION, được đặt trên quỹ đạo của Mặt Trăng cũng như là nhiều giai đoạn tế nhị khác của chuyến bay chẳng hạn như lúc phóng đi và trở về Trái Đất trên Thái Bình Dương.
Đối với Canada, đây không chỉ đơn giản là việc lần đầu tiên gởi một công dân của mình bay xung quanh Mặt Trăng. Đất nước còn tham gia vào Trạm Không Gian Mặt Trăng qua việc cung cấp một hệ thống rô-bốt thông minh. Nhiều doanh nghiệp và trung tâm nghiên cứu Canada tham gia vào công trình này, biến chuyến bay Artemis II thành một động lực phát triển cho chương trình không gian của đất nước. »