Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen (P) và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (G) tại Bruxelles, Bỉ ngày 13/10/2022.
RFI – Ngày 30/03/2023, với việc Nghị Viện Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary lần lượt bật đèn xanh, Phần Lan, quốc gia nằm sát cạnh Nga chính thức gia nhập khối NATO – Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương nhưng không có Thụy Điển. Việc kết nạp thêm quốc gia Bắc Âu này sẽ giúp cho NATO tăng cường năng lực phòng thủ chung ở sườn phía đông, dễ bị tấn công, và có thêm một quân đội hùng mạnh, được huấn luyện cho một cuộc xung đột cường độ cao.
Chiến tranh Ukraina do Nga phát động đã làm đảo lộn diện mạo quân sự từ vùng biển Baltic đến Bắc Cực. Trả lời AFP, ông Jamie Shea, một cựu quan chức cao cấp của NATO, giờ là nhà nghiên cứu, cộng tác viên cho nhóm cố vấn Chatham House, nhận định khi có thêm Phần Lan, « phòng thủ tập thể chống Nga giờ sẽ dễ dàng hơn nhờ vào việc tiếp cận được lãnh thổ Phần Lan và khả năng hỗ trợ từ nước Bắc Âu này ».
Từ nhiều năm qua, mối lo chính của NATO tập trung vào hành lang Suwalki, một dải đất dài có 65 km, nối Kaliningrad, vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga nằm lọt thỏm giữa các nước Baltic, với Belarus. Đây cũng là điểm yết hầu đối với ba nước Baltic là Estonia, Latvia, Litva, thành viên của NATO. Nếu Suwalki bị Nga chiếm đánh, liên lạc giữa ba nước này với Ba Lan và các nước thành viên còn lại sẽ bị cắt đứt.
Do vậy, sự hiện diện của Helsinki, ở phía bên kia bờ biển Baltic và chỉ cách thủ đô Tallinn của Estonia 70 km, cho phép mở thêm một con đường mới để có thể chi viện nhanh chóng. Tuy nhiên, theo bộ trưởng Quốc Phòng Estonia, Hanno Pevkur, dù việc có thêm thành viên thứ 31 sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe, thì mối lo hành lang Suwalki vẫn còn đó, bởi vì, « Belarus trên thực tế giờ là một vùng quân sự của Nga ».
Ở phía bắc, một mặt, Phần Lan có thể giúp Na Uy bảo vệ dải đất hẹp Kola, sát biên giới với Nga, và mặt khác, theo nhà phân tích, Jan Kallberg, European Policy Analysis, trong khi cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát vùng Bắc Cực giữa Nga, Trung Quốc và phương Tây tăng mạnh, thì việc củng cố vị trí của NATO trong khu vực này sẽ là một lá chủ bài.
Nhưng việc Phần Lan gia nhập NATO cũng đồng nghĩa với việc có thêm một đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga. Điều này đặt ra những thách thức lớn về phòng thủ cho các chiến lược gia của NATO. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhật báo La Croix, việc chia sẻ một đường biên giới dài với Nga, quốc gia Bắc Âu này, tuy chỉ có 5,5 triệu dân lại là một trong số các nước có một quân đội chính quy được đào tạo bài bản, và kỹ lưỡng có thể đối phó với một cuộc xung đột cường độ cao.
Tờ La Croix nhắc lại, sau cuộc chiến gian nan chống Liên Xô giai đoạn 1939-1944, bất chấp sự kháng cự kiên cường, Phần Lan đã phải nhượng gần 20% lãnh thổ cho Liên Xô, giờ là nước Nga. Lãnh đạo Xô Viết thời đó, Stalin còn áp đặt với quốc gia Bắc Âu láng giềng những điều kiện hòa bình khắc nghiệt để ký kết thỏa thuận Paris 1948 : Trung lập, lực lượng bộ binh hạn chế ở 34.400 binh sĩ, một hải quân « què cụt », và cấm sở hữu vũ khí tấn công như tầu ngầm và tên lửa.
Khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, nếu như nhiều nước phương Tây giảm quân số và ngân sách quốc phòng, thì Phần Lan vẫn tiếp tục duy trì mô hình tuyển quân được thiết kế sau cuộc chiến xâm lược của Liên Xô năm 1939. Nữ chuyên gia Minna Alander, Viện Quan Hệ Quốc Tế Phần Lan nhấn mạnh, chiến lược này cho phép Phần Lan « có khả năng huy động 280 ngàn quân nhân thời chiến và trông cậy vào một đội quân dự bị đông đến 870 ngàn người ».
Một lợi thế khác không nhỏ cho NATO là quân đội Phần Lan được trang bị nhiều loại vũ khí tối tân nhất. Với việc sở hữu nhiều khẩu đại pháo di động, Phần Lan có một trong số đội pháo binh lớn nhất châu Âu. Quốc gia Bắc Âu này còn tiếp tục đầu tư trong phòng không khi đặt hàng mua đến 65 tiêm kích F-35 của Mỹ hồi tháng 12/2021.