Tôn giáo là một trong những dân quyền căn bản của con người. Và vì vậy Hiến pháp các nước dân chủ (ngay cả độc tài) đều ghi nhận tín ngưỡng, tôn giáo hay vô thần, là quyền tự do lựa chọn của mọi công dân và được luật pháp bảo vệ.
VOA – Không phải chỉ mới đây mà đã từ lâu, một nhóm qui tụ những người Việt vô thần đội lốt tôn giáo cực đoan, đã viết báo, viết sách và các phương tiện truyền thông khác để phê bình chỉ trích, bài bác, đánh phá các tín đồ và giáo hội Công giáo nói riêng, Thiên Chúa giáo nói chung, trên hai bình diện giáo lý tín điều và lịch sử hình thành, phát triển giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Bằng những nhận thức và suy luận chủ quan dựa trên những căn cứ giả chân lẫn lộn, các tác giả đã ngụy biện, xuyên tạc sự thật, sử dụng những ngôn từ thiếu văn hóa lăng mạ Thượng Đế và các Thần Thánh mà hàng tỷ con người có chung niềm tin yêu tôn thờ; xúc phạm thô bạo niềm tin tôn giáo cá nhân cũng như tập thể. Đồng thời, bằng mọi cách gian trá, họ đã mạ lỵ và phủ nhận công trạng các nhận vật lịch sử Việt Nam gốc Công giáo như Nguyễn Trường Tộ, Ngô Đình Diệm… Đồng thời kết tội sai trái, hồ đồ, vơ đũa cả nắm, rằng người Việt Nam Công giáo đã dẫn Pháp vào xâm lược Việt Nam và là tay sai Pháp thời Pháp thuộc. Sự thật lịch sử thế nào, chúng tôi sẽ trình bày trong một bài viết khác.
Bài viết này của chúng tôi không nhằm tham gia một cuộc tranh luận hay “bút chiến” về tôn giáo với bất cứ ai, hữu thần cũng như vô thần. Chúng tôi viết bài này chỉ để trình bày nhận thức cá nhân về tôn giáo là một phạm trù Đức tin và là một dân quyền hiến định phải được mọi người tôn trọng, luật pháp bảo vệ trước mọi xâm hại thô bạo bất cứ từ đâu tới. Vì vậy chúng tôi xin lần lượt trình bày:
Tôn giáo thuộc phạm trù Đức Tin của cá nhân hay tập thể
Tôn giáo là một trong những dân quyền hiến định cần được pháp luật bảo vệ
Nên chăng quốc gia cần có luật bảo vệ niềm tin tôn giáo khi bị xâm hại, xuyên tạc, lăng mạ
I – TÔN GIÁO LÀ MỘT PHẠM TRÙ ĐỨC TIN CỦA CÁ NHÂN VÀ TẬP THỂ.
Từ khi con người xuất hiện trên trái đất, qua nhiều thời đại đến nay, vấn nạn muôn thuở của loài người vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng cho mọi người. Đó là, vũ trụ vạn vật, trong đó có con người, từ đâu đến, vận hành theo quy luật riêng của mỗi loài cũng như quy luật chung của muôn loài, qua thời gian năm tháng, hiện hữu, phát triển, suy thoái rồi tiêu vong, sẽ đi về đâu.
Con người là một sinh vật thượng đẳng, trong muôn vàn sinh vật hình thù, kích thước lớn nhỏ khác nhau, hữu hình cũng như siêu hình. Nhưng sự phát sinh sự sống, vận hành, phát triển và tiêu vong đều theo quy luật chung của loài động vật và quy luật riêng của mỗi loài sinh vật. Con người được coi là một sinh vật thượng đẳng nhờ bộ não có cấu tạo đặc biệt và phát triển nhanh hơn các sinh vật khác nên có khả năng nhận biết giới hạn về chính thân phận mình và ngày càng mở rộng tầm hiểu biết về vũ trụ vạn vật nhờ những phát minh khoa học kỹ thuật, giúp con người có thể khắc phục thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân, cải tạo được môi trường sống ngày một thuận lợi trong việc mưu cầu hạnh phúc riêng (cá nhân) cũng như chung (gia đình và xã hội) của loài người.
Tuy nhiên, cho đến nay, dù tầm tri thức đã mở rộng, do khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bực, song vẫn hữu hạn, nên con người vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho những vấn nạn muôn thuở của loài ngươi, là vũ trụ, vạn vật trong đó có con người từ đâu tới và sẽ đi về đâu. Và vì vậy đã có hai cách trả lời tạm thời của hai loại con người: Hữu thần và vô thần.
Người vô thần thì cho rằng vũ trụ vạn vật tự nhiên mà có và vận hành theo quy luật tự nhiên; không có thế giới nào tồn tại ngoài thế giới vật chất. Không có tinh thần hay thần linh nào tạo ra vũ trụ vạn vật. Con người cũng thế, sự sống hình thành theo quy luật truyền sinh và cuộc sống muôn màu muôn vẻ, trong đó hạnh phúc và đau khổ, công, tội, hiền, ác, thưởng, phạt… là các mặt đối lập của cuộc sống, tất cả chỉ phát sinh, tồn tại, phát triển, tiêu vong theo quy luật, ngay trong thế giới này, không có gì tồn tại sau cái chết của con người.
Trái lại, những con người hữu thần, tiêu biểu như những tín đồ và các giáo hội Thiên Chúa giáo, bằng cặp mắt Đức tin tôn giáo đã xác tín rằng từ khởi thủy, vũ trụ vạn vật trong đó có con người là do Thiên Chúa tạo dựng và cho chúng vận hành theo quy luật chung cũng như riêng. Cuộc sống trong thế giới này với các mặt đối lập: hạnh phúc và đau khổ, tội lỗi và công phúc, thiện và ác… tất cả chỉ là tạm thời, cuộc sống bất hoàn, là tiền đề cho con người tạo dựng một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc vĩnh cửu, hay đưa con người đến một cuộc sống cùng khổ đời đời sau cái chết. Tất cả tùy thuộc vào công phúc hay tội lỗi mà con người đã làm trong suốt cuộc đời trên trần thế.
Các nhận thức khái quát trên, đã dẫn đưa đến những nhân định sau đây:
1 – Có sự khác biệt giữa hai phạm trù khoa học và phạm trù đức tin tôn giáo.
Khoa học là phạm trù “tri thức” của con người, là những sự hiểu biết căn cơ, có thể chứng minh bằng luận lý và thực nghiệm và là một chân lý tuyệt đối, vì được mọi người hữu thần cũng như vô thần công nhận như 2+2=4. Con người đã và đang nỗ lực mở rộng “tầm tri thức hữu hạn” để khám phá vô hạn các quy luật vận hành của vũ trụ vạn vật, với ước mong tìm được “chân lý tuyệt đối”, để có được câu trả lời trọn vẹn được mọi người công nhận, cho các câu hỏi muôn thuở của loài người: Vũ trụ, vạn vật trong đó có con người, từ đâu tới và sẽ đi về đâu?
Tôn giáo là phạm trù “Đức tin” của mỗi con người, tiếp nối phạm trù “tri thức hữu hạn”, do mỗi con người tùy theo hoàn cảnh sống, đã được chọn lựa cho ngay khi chào đời do gia đình và tiếp tục giữ Đức tin sau này khôn lớn; hay khi có đủ ý thức tự nguyện, tự giác lựa chọn một niềm tin tôn giáo riêng… Tất cả đều để tự giải đáp cho những vấn nạn muôn thuở của loài người và thể hiện Đức tin trong cuộc sống để đạt cùng đích của cuộc đời. Đức tin tôn giáo không thể chứng minh bằng luận lý và thực nghiệm, vì nó vượt khỏi “tầm tri thức hữu hạn” con người. Những gì mà ánh sáng khoa học (phạm trù tri thức) chưa soi rọi tới, thì ánh sáng tôn giáo (phạm trù Đức tin) sẽ soi rọi tạm thời.
2 – Phạm trù “Đức tin tôn giáo” là không thể và không nên tranh luận.
Chính sự khác biệt giữa hai phạm trù “Tri thức khoa học” và “Đức tin tôn giáo”, nên không thể và không nên có các cuộc tranh luận (về giáo lý, tín điều…), dưới bất cứ hình thức nào (miệng hay bút chiến…) giữa những người khác tôn giáo hay giữa những người hữu thần với vô thần; chỉ với mục đích tranh thắng hơn thua, phải trái, chân lý, phi chân lý, khoa học hay phản khoa học liên quan đến giáo lý, các tín điều.
Vì rằng cuộc tranh luận này chẳng khác gì câu chuyên ngụ ngôn về 5 người mù cãi nhau về hình thù con voi sau khi mỗi người chỉ được cho sờ vào một bộ phận của con voi. Người sờ được vòi voi thì nói hình thù con voi giống con đỉa, anh sờ tai voi thì nói voi giống cái quạt, kẻ sờ chân voi thì nói voi giống cột nhà… Hệ quả là không ai chịu ai về hình thù con voi, ai cũng cho mình là đúng. Tình cảm đoàn kết yêu thương trước đó chắc sẽ sứt mẻ là điều không tránh khỏi sau cuộc cãi nhau này. Có lẽ họ chỉ ngừng cãi nhau, tình cảm ấm áp được tái lập nguyên trạng, cho đến khi được chữa cho đôi mắt của họ sáng ra, để nhìn thấy hình thù thật sự của con voi.
Những người tranh luận về tôn giáo cũng vậy. Làm sao có thể đồng ý được với nhau khi mỗi người do hoàn cảnh sinh ra trong các gia đình có tôn giáo khác nhau, thường theo tôn giáo của cha mẹ. Hậu quả sẽ rất tai hại trong quan hệ tình cảm cá nhân, gây chia rẽ hận thù giữa con người với con người, phân hóa dân tộc. Trừ khi hậu quả này là ý đồ thực sự của chính những kẻ gây ra tranh luận. Điển hình như việc làm các thành viên nhóm đánh phá Công giáo từ bao lâu nay trên mạng ảo cũng như thực địa.
3 – Đức tin tôn giáo là ý thức chủ quan của mỗi cá nhân.
Đức tin tôn giáo hay vô thần là sự tự do lựa chọn của mỗi con người, là nhu cầu tinh thần của mỗi cá nhân. Anh tin thì theo, không tin thì không theo tôn giáo. Nhưng ai cũng phải tôn trọng niềm tin của người khác, dù niềm tin ấy anh cho là phi lý, là mê tín dị đoan, là phản khoa học, anh vẫn không có quyền bài bác, nhất là phỉ bang mạ lỵ thậm từ ngay cả đấng Thần Linh mà họ tôn thờ; xúc phạm thô bạo, nặng nề đến niềm tin tôn giáo, gây phẫn nộ cho các tín đồ có chung niềm tin, như việc làm có chủ đích bao lâu nay của nhóm người Việt chống phá tôn giáo.
Vì là nhu cầu tinh thần cá nhân, nên trong cuộc sống thực tế nền tảng chung hình thành tình cảm giữa người với người là nhân bản.
Vì vậy mới có tình yêu, tình bạn thắm thiết giữa những người khác tôn giáo. Và vì vậy, không thể và không nên tranh luận về giáo lý, tín điều, về ánh sáng và bóng tối trong lịch sử hình thành các tôn giáo, giữa những người vô thần hay khác Đức tin. Có chăng là sự trao đổi để hiểu biết lẫn nhau, trong sự tương kính, tế nhị không phương hại đến tình cảm và cuộc sống hài hòa vốn có giữa những người khác tôn giáo, có chung thân phận con người, có chung những vấn nạn mà mỗi tôn giáo đã có câu trả lời theo giáo lý, tín điều riêng. Đó là những chân lý tuyệt đối về mặt chủ quan đối với tín đồ, nhưng lại là chân lý tương đối về mặt khách quan với người khác niềm tin.
II – TÔN GIÁO LÀ MỘT TRONG NHỮNG DÂN QUYỀN HIẾN ĐỊNH CẦN ĐƯỢC LUẬT PHÁP BẢO VỆ.
Tôn giáo là một trong những dân quyền căn bản của con người. Và vì vậy Hiến pháp các nước dân chủ (ngay cả độc tài) đều ghi nhận tín ngưỡng, tôn giáo hay vô thần, là quyền tự do lựa chọn của mọi công dân và được luật pháp bảo vệ. Hiến pháp Hoa Kỳ, Điều I của tu chính án đầu tiên đã ghi “Quốc hội không được làm luật thiết lập một tôn giáo (như một quốc giáo) và ngăn cản quyền tự do hành đạo”. Ngay cả chế độ độc tài toàn trị cộng sản hiện nay tại Viêt Nam cũng ghi nơi Điều 70 “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật…”
Thế nhưng dù tôn giáo được các hiến pháp ghi nhân như một trong những dân quyền cơ bản, trên thực tế đã không có luật lệ riêng nào bảo vệ tôn giáo khi bị xâm hai, xúc phạm, lăng mạ thô bạo như luật bảo vệ lợi ích và danh dự cá nhân công dân trong quốc gia khi bị xâm hại.
Một cách cụ thể là tại sao đời tư một cá nhân khi bị kẻ khác xuyên tạc, vu cáo, nhục mạ bằng lời nói hay hành động làm mất danh dự, gây thiệt hại tinh thần hay vật chất cho mình, đều có thể khởi kiện trước tòa đòi bồi thường danh dự và những thiệt hại tinh thần cũng như vật chất do sự xuyên tạc, vu cáo, mạ lỵ gây ra. Trong khi, những kẻ như nhóm người Việt chống phá tôn giáo đã dùng sách báo và phương tiện truyền thông xuyên tạc giáo lý, tín điều, lịch sử các giáo hội Thiên Chúa Giáo, nhục mạ thậm từ Thiên Chúa và các thánh thần được hàng tỷ tín đồ thờ kính, xúc phạm thô bạo niềm tín tôn giáo của các tín đồ, xâm phạm đời tư cá nhân các tín đồ, nội bộ các giáo hội, gây thiệt hại nghiêm trong về tinh thần cũng như vật chất của thể nhân (Tín đồ) và pháp nhân (Các giáo hội)… thì tại sao các tín đồ và các giáo hội lại không thể đứng dân sự nguyên cáo để đưa các bị cáo ra trước pháp luật? Phải chăng vì chưa có luật bảo vệ tôn giáo chống lại sự xâm hại, nên những kẻ thù của tôn giáo nói chung, của Thiên Chúa Giáo nói riêng đã ngang nhiên xuyên tạc, vu khống, mạ lỵ tôn giáo; như nhóm chống phá tôn giáo vẫn ngang nhiên hành động bấy lâu nay, bất chấp sự phẫn nộ của những tín đồ?
Và do đó….
III – NÊN CHĂNG QUỐC GIA CẦN CÓ LUẬT BẢO VỆ NIỀM TIN TÔN GIÁO KHI BỊ XÂM HẠI, LĂNG MẠ THẬM TỪ?
Vì sao? Thật đơn giản, tự do tôn giáo đã là dân quyền hiến định, thì mọi công dân có quyền tự do lựa chọn tôn giáo theo niềm tin cá nhân, hành đạo và truyền đạo, quyền tham gia các sinh hoạt của giáo hội. Bất cứ sự vi phạm nào của bất cứ ai, chính quyền cũng như cá nhân, tập thể nào đều là vi hiến, phải bị pháp luật trừng phạt.
Vậy thì, nếu có những hành vi xuyên tạc, vu khống, nhục mạ thô bạo tôn giáo, gây hậu quả nghiệm trọng của cá nhân hay pháp nhân thì các tín đồ (thể nhân) hay Giáo hội (Pháp nhân) có quyền cầu viện đến công lý hay không?
Cho đến nay, dường như chưa có một án lệ nào về tố quyền này được khởi động, ngay cả ở nước dân chủ bậc nhất như Hoa Kỳ. Phải chăng vì không có một luật riêng bảo vệ tôn giáo khi bị xâm hại như thế; mà chỉ được bảo vệ bằng luật pháp phổ quát áp dụng cho mọi công dân về hình cũng như về dân luật? Hay vì chưa có tín đồ nào, giáo hội nào, căn cứ trên luật lệ hình hộ hiện hành của quốc gia áp dụng cho mọi công dân và pháp nhân, để khởi kiện khi bị xuyên tạc, mạ lỵ, xúc phạm nặng nề niềm tin tôn giáo, gây thiệt hại thực sự về tinh thần cũng như vật chất cho tín đồ và giáo hội?
Vì vậy, để chấm dứt những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm quyền tự do tôn giáo của người khác, bằng những lời nói, sách báo, truyền thông và hành động xúc phạm thô bạo niềm tin tôn giáo các tín đồ và các giáo hội, chúng tôi đề nghị hai phương cách:
1 – Căn cứ trên luật lệ hiện hành về hình sự, dân sự của quốc gia nơi bị cáo cư ngụ, với tư cách cá nhân hay tập thể tín đồ, hay Giáo hội, sẽ thử đứng đơn khởi kiện trước tòa án thẩm quyền để đòi kẻ xuyên tạc, vu khống, mạ lỵ xúc phạm niềm tin tôn giáo, gây tổn hại tinh thần và vật chất cho cá nhân hay tập thể (Các tín đồ) hay cho pháp nhân (Các giáo hội) phải trả lời trước pháp luật
2 – Vận động, thúc đẩy các nghị sĩ dân biểu có tôn giáo các nước sở tại, soạn thảo một đạo luật riêng nhằm bảo vệ niềm tin tôn giáo, đệ trình Quốc hội thông qua, ban hành thành luật cưỡng hành, nhằm chống lại mọi hành vi tấn công, xuyên tạc, vu khống, mạ lỵ tôn giáo thô bạo; tương tự như việc làm của nhóm người Việt bao lâu nay đối với các tín đồ và giáo hội Thiên Chúa Giáo.
Sở dĩ quốc gia cần có biện pháp pháp lý rõ ràng, riêng biệt cho tôn giáo, là để ngăn chặn các hành vi tấn công tôn giáo. Vì với ý đồ gì đi nữa, đều có hậu quả nghiêm trọng nhiều mặt, không chỉ về tôn giáo, mà cả về xã hội. Vì một khi tấn công và xúc phạm nặng nề đến niềm tin bất cứ tôn giáo nào, là đụng chạm đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của một tập thể công dân đông đảo trong xã hội, sẽ dẫn đến sự phẫn nộ có thể gây xáo trộn an ninh trật tự xã hội, chia rẽ tôn giáo, phân hóa dân tộc, phá đổ quan hệ xã hội nhân bản tốt đẹp, hài hòa, đoàn kết yêu thương gắn bó giữa người với người dù khác tôn giáo, khác niềm tin có nhu cầu sống chung.
Đó là chưa kể những hậu quả nghiêm trọng hơn từng xảy ra trong lịch sử các cuộc chiến tranh tôn giáo, mà nguyên nhân chính là do những kẻ lợi dụng tôn giáo gây kích động căm thù giữa các tôn giáo với hậu ý chính trị. Tương tự như hành động bao lâu nay của nhóm người Việt chống phá tôn giáo, không có động lực, ý đồ nào khác hơn, nhằm phá nát sự đoàn kết tôn giáo tại hải ngoại cũng như trong nước. Ai chủ mưu và việc làm này lợi hại cho ai, không cần nói ra, người Việt Nam trong và ngoài nước, có tín ngưỡng hay tôn giáo đều có thể đoán được.