Thursday, September 19, 2024
No menu items!
spot_img
HomeUncategorizedTổng thống Pháp Macron bác bỏ đơn từ chức của thủ tướng...

Tổng thống Pháp Macron bác bỏ đơn từ chức của thủ tướng nhằm giữ ‘ổn định’ đất nước

Kos Temenes, Melanie Sun – Tuệ Chân biên dịch

Vòng bầu cử bổ sung hôm 07/07 khiến Pháp rơi vào tình trạng Nghị viện treo chỉ vài tuần trước Thế vận hội 2024.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bác bỏ đơn từ chức của thủ tướng nước này, yêu cầu ông tạm thời giữ chức vụ đứng đầu chính phủ, sau khi vòng bầu cử bổ sung hôm 07/07 của cuộc bầu cử lập pháp mang lại kết quả bất phân thắng bại khiến Pháp rơi vào tình trạng Nghị viện treo.

Ông Macron yêu cầu Thủ tướng Gabriel Attal tiếp tục giữ chức vụ “để bảo đảm sự ổn định của đất nước,” sau cuộc họp kéo dài 90 phút với các đồng minh chính trị hàng đầu của tổng thống hôm 08/07.

Trước đó trong cùng ngày, ông Attal đã đệ đơn từ chức, tuy nhiên ông nói sẽ tiếp tục giữ chức vụ nếu cần thiết. Vì vậy tổng thống đã yêu cầu ông tiếp tục giữ chức vụ này.

Cuộc bầu cử ở Pháp đã rơi vào tình trạng hỗn loạn, khi phát sinh vòng bỏ phiếu thứ hai sau khi vòng bầu cử đầu tiên hôm 30/06 không xác định được đủ ứng cử viên nào có hơn 50% phiếu bầu trong khu vực bầu cử của họ. Tuy nhiên sau vòng bầu cử bổ sung, không một đảng nào trong số các đảng cánh tả, cánh hữu, hay trung lập tiến gần tới ngưỡng đạt được thế đa số tại Hạ viện, khiến cho việc thành lập chính phủ rơi vào bế tắc.

Kết quả là giờ đây, chỉ vài tuần trước Thế vận hội Paris, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai Liên minh Âu Châu này đứng trước nguy cơ rơi vào trạng thái tê liệt, đưa họ trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế.

Điều này đem đến kết quả trái với ý định tổ chức bầu cử sớm của Tổng thống Macron, vốn cho rằng làm như vậy sẽ mang lại “kết quả rõ ràng” cho đất nước.

Trước đó ông Attal đã lên tiếng phản đối quyết định tổ chức bầu cử sớm của tổng thống.

Nghị viện treo

Các nhà lập pháp mới được bầu và tái đắc cử dự kiến ​​sẽ tề tựu tại Nghị viện để bắt đầu đàm phán một cách nghiêm túc về việc thành lập chính phủ. Cuối tuần này, Tổng thống Macron sẽ tới Hoa Thịnh Đốn để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO.

Tình trạng bế tắc chính trị này có thể gây ảnh hưởng đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, đồng thời gây ảnh hưởng đến ngoại giao toàn cầu và sự ổn định kinh tế ở Liên minh Âu Châu.

Kết quả chính thức được công bố sáng hôm 08/07 cho thấy không có đảng hay liên minh nào gần như đạt được đa số 289 ghế theo yêu cầu để kiểm soát Hạ viện gồm 577 ghế — cơ quan quyền lực hơn trong hai viện lập pháp của Pháp.

Theo kết quả, liên minh cánh tả New Popular Front (NFP) dẫn đầu với 188 ghế, liên minh trung tả của Tổng thống Macron theo sau với 161 ghế. Trong khi đó, Đảng Tập hợp Quốc gia (National Rally, NR) theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống của bà Marine Le Pen cùng các đồng minh của đảng này chiếm vị trí thứ ba.

Các chính phủ liên minh là không phổ biến ở Pháp, điều đó có nghĩa là các nhà lập pháp đến từ các phe phái chính trị đối lập thường không cùng nhau tạo thành đa số. Việc quản lý Pháp cũng mang tính tập trung hơn nhiều quốc gia châu Âu khác, khi nhiều quyết định được Paris đưa ra.

Nhiệm kỳ tổng thống của ông Macron còn ba năm nữa, tuy nhiên mức độ tín nhiệm của ông đã giảm mạnh khi hàng triệu người dân đã dùng lá phiếu của mình để bày tỏ sự bất mãn về cách thức lãnh đạo của vị tổng thống đương nhiệm này trước lạm phát cao, tội phạm gia tăng, và cách thức giải quyết vấn đề nhập cư.

Sau khi có kết quả, các nhà lãnh đạo của NFP ngay lập tức cho biết họ muốn điều hành chính phủ và tiến cử một thủ tướng, đồng thời mời ông Macron cùng họ thành lập một chính phủ. Tuy nhiên họ thừa nhận rằng sẽ khó đàm phán và mất thời gian để đàm phán.

Cánh tả có thể thành lập một chính phủ thiểu số, tuy nhiên nếu không đạt được thỏa thuận, họ sẽ phải chịu sự bỏ phiếu bất tín nhiệm từ các đối thủ.

Trong số các cam kết của phe cánh tả là việc lật ngược những cải cách hàng đầu của ông Macron, đẩy mạnh các chương trình chi tiêu công, ngoài ra áp dụng cách giải quyết nghiêm ngặt hơn đối với Israel và chiến sự đang diễn ra của nước này với Hamas.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có gì chắc chắn về việc ai có thể lãnh đạo chính phủ mà không gây xa lánh các đồng minh quan trọng.

Ông Olivier Faure, người lãnh đạo Đảng Xã hội, đảng gia nhập liên minh cánh tả cùng với Đảng Xanh, phe cực tả, và Đảng Cộng sản của Pháp, cho biết: “Chúng ta cần một người mang lại sự đồng thuận.” NFP không có một người lãnh đạo duy nhất sau khi liên minh này vội vã tập hợp trong vòng một tuần kể từ vòng bổ sung của cuộc bầu cử nhằm tránh chia rẽ phiếu bầu ở phe cánh tả.

Ông Macron đã cảnh báo rằng các chương trình kinh tế tốn kém trị giá hàng chục tỷ euro chi tiêu công của cánh tả cùng với việc đánh thuế cao hơn đối với người giàu và những người có thu nhập tương đối cao hơn sẽ làm tê liệt nền kinh tế vốn đang suy yếu của Pháp, đặc biệt là khi quốc gia này đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan giám sát của EU về khoản nợ của mình.

Về phía cánh hữu của Pháp, hồi đầu tháng Sáu sau khi cuộc bầu cử sớm được công bố, Đảng Tập hợp Quốc gia cho biết họ sẽ chấp nhận lời đề nghị liên minh với đảng cánh hữu ôn hòa Những Người Cộng Hòa (Les Républicains, LR) do ông Éric Ciotti lãnh đạo. Bà Le Pen công nhận “tinh thần trách nhiệm” và “sự lựa chọn dũng cảm” của ông Ciotti trước phản ứng dữ dội của giới truyền thông và chính trị mà ông phải đối mặt khi đưa ra thông báo này. Bà cho biết rằng bà hy vọng các nhân sỹ của LR sẽ noi gương ông.

“Chúng tôi nói những điều giống nhau, vì vậy hãy ngừng tạo ra sự phản đối trong tưởng tượng,” ông Ciotti nói với truyền hình địa phương hôm 11/06. Lãnh đạo của Những Người Cộng Hòa tại Hạ viện đã lên tiếng phản đối và loại ông Ciotti khỏi đảng. Sau đó tòa án đã lật ngược phán quyết loại bỏ này. Sự lãnh đạo của ông vẫn đang gây tranh cãi.

Ông Ciotti cho biết ông đưa ra lời đề nghị này vì đảng của ông quá yếu để có thể ngăn chặn “mối đe dọa đối với quốc gia” từ các đảng cánh tả và các đảng trung lập của Pháp. Hai chính đảng vẫn bất đồng nhau về đường hướng lãnh đạo tương lai của EU, trong đó Những Người Cộng Hòa ủng hộ Hội nhập châu Âu và National Rally thì ủng hộ Chủ nghĩa hoài nghi châu Âu.

Bà Le Pen cho biết cuộc bầu cử đã đặt nền móng cho “chiến thắng tương lai,” khi bà lên kế hoạch tranh cử tổng thống Pháp lần thứ tư vào năm 2027.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments