Gia Huy
Hôm thứ Ba (18/6), một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đến Ấn Độ để gặp nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma. Người đứng đầu phái đoàn Hoa Kỳ tiết lộ, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ sớm ký một dự luật nhằm gây áp lực buộc Trung Quốc phải giải quyết vấn đề tranh chấp với Tây Tạng.
Dự luật này tìm cách thúc đẩy Bắc Kinh tổ chức các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Tây Tạng, vốn đã bị đình trệ kể từ năm 2010, nhằm đạt được một thỏa thuận đàm phán về Tây Tạng, đồng thời thúc đẩy Trung Quốc giải quyết nguyện vọng của người dân Tây tạng về bản sắc lịch sử, văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ của họ.
Chuyến thăm của phái đoàn Hoa Kỳ có thể sẽ chọc giận Bắc Kinh vào thời điểm Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tìm cách ổn định mối quan hệ rạn nứt. Chuyến thăm này diễn ra vài ngày trước chuyến đi Hoa Kỳ của Đức Đạt Lai Lạt Ma được lên kế hoạch để điều trị y tế, nhưng không rõ ông có tham gia bất kỳ hoạt động nào trong thời gian ở Hoa Kỳ không.
Phái đoàn lưỡng đảng của Hoa Kỳ gồm bảy thành viên, bao gồm cả cựu Chủ tịch Hạ viện, Dân biểu Đảng Dân chủ Nancy Pelosi, do Dân biểu Đảng Cộng hòa Michael McCaul dẫn đầu, đã đến thị trấn Dharamsala trên dãy Himalaya.
Đây là nơi ở tại Ấn Độ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà sư Tây Tạng 88 tuổi hiện đang lưu vong.
Dân biểu McCaul cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được gặp Đức Thánh vào ngày mai để thảo luận về nhiều điều, bao gồm cả dự luật mà chúng tôi vừa thông qua tại Quốc hội, dự luật này về cơ bản khẳng định Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sát cánh cùng người dân Tây Tạng.”
Ông McCaul đang đề cập đến cuộc họp với Đức Đạt Lai Lạt Ma được ấn định vào sáng thứ Tư (19/6).
Khi được hỏi liệu Tổng thống Biden có sớm ký dự luật này hay không, Dân biểu McCaul khẳng định: “Có, ông ấy sẽ ký.”
Dân biểu McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đang đề cập đến dự luật “Đạo luật Thúc đẩy giải quyết Tranh chấp Tây Tạng – Trung Quốc”, còn được gọi là “Đạo luật Giải quyết Vấn đề Tây Tạng.”
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ thường xuyên đến thăm thị trấn Dharamsala và ca ngợi công việc của Đức Đạt Lai Lạt Ma nhằm thu hút sự ủng hộ toàn cầu cho quyền tự trị về ngôn ngữ và văn hóa của Tây Tạng, quê hương miền núi xa xôi của ông.
Bắc Kinh, vốn coi Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1989, là một kẻ “gây chia rẽ” hoặc kẻ ly khai nguy hiểm, cho biết họ “thực sự quan ngại” về chuyến thăm của phái đoàn Hoa Kỳ và dự luật dự kiến sẽ được Tổng thống Biden ký.
Hôm thứ Ba (18/6), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) cho hay: “Chúng tôi … kêu gọi Hoa Kỳ hoàn toàn công nhận bản chất ly khai chống Trung Quốc của bè lũ Đạt Lai Lạt Ma, tuân thủ các cam kết của mình đối với các vấn đề liên quan đến Tây Tạng, kiềm chế mọi hình thức liên lạc với họ, và ngừng gửi các thông điệp sai lầm.”
Ông Lâm lưu ý, các vấn đề ở Tây Tạng hoàn toàn là các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không cho phép sự can thiệp của các thế lực bên ngoài.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, vị phát ngôn viên của Trung Quốc nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi phía Hoa Kỳ tôn trọng cam kết công nhận Tây Tạng là một phần của Trung Quốc và không ủng hộ nền độc lập của Tây Tạng, cũng như không ký vào dự luật được đề cập ở trên.”
Ông cảnh báo, Bắc Kinh sẽ thực hiện “các biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ” để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trốn sang Ấn Độ vào năm 1959 sau khi cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của Trung Quốc ở Tây Tạng thất bại. Các quan chức Trung Quốc tỏ ra rất khó chịu trước bất kỳ sự tương tác nào của ông với quan chức các nước khác.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp các quan chức Hoa Kỳ, bao gồm cả các tổng thống, trong các chuyến thăm Hoa Kỳ trước đây. Tuy nhiên, Tổng thống Biden vẫn chưa gặp ông kể từ khi nhậm chức vào năm 2021.
Đám đông người Tây Tạng, trong đó có các em học sinh cầm biểu ngữ, tụ tập tại sân bay của thị trấn nhỏ Dharamsala để chào đón các nhà lập pháp Hoa Kỳ đến thăm, trong khi hàng chục tu sĩ nam nữ mặc áo choàng màu hạt dẻ reo hò khi các dân biểu Hoa Kỳ lên xe.
Ông Tenzin Lekshay, phát ngôn viên của Chính quyền Trung ương Tây Tạng, còn gọi là chính phủ lưu vong Tây Tạng, nhận định: “Trải qua hai năm, Dự luật Giải quyết vấn đề Tây Tạng đã được thông qua … và nó hiện đang nằm trên bàn của Tổng thống Biden, vì vậy đó sẽ là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi.”