Reuters
Trong một đề cập hiếm hoi về kho vũ khí hạt nhân của phương Tây, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg ngày 12/6 nhấn mạnh những nỗ lực của liên minh nhằm điều chỉnh khả năng của mình trước các mối đe dọa an ninh hiện tại, lưu ý đến các cuộc diễn tập và luận điệu hạt nhân mới nhất của Nga.
Trao đổi với các phóng viên trước cuộc họp kéo dài hai ngày của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels, trong đó sẽ bao gồm cuộc họp của nhóm lập kế hoạch hạt nhân của liên minh, ông gọi vũ khí hạt nhân là “bảo đảm an ninh cuối cùng” của NATO và là phương tiện để gìn giữ hòa bình.
Mặc dù ai cũng biết rằng Mỹ đã triển khai bom hạt nhân tới một số địa điểm ở châu Âu nhưng NATO hiếm khi nói về những vũ khí này một cách công khai.
Thảo luận về cái mà ông gọi là “sự thích ứng đang diễn ra” với kho vũ khí hạt nhân của NATO, ông Stoltenberg cho biết Hà Lan hồi tháng 6 đã tuyên bố các máy bay chiến đấu F-35 đầu tiên sẵn sàng mang vũ khí hạt nhân và cho biết Mỹ đang hiện đại hóa vũ khí hạt nhân ở châu Âu.
Ông nói: “Những gì chúng ta đã thấy trong những năm tháng vừa qua là lời lẽ hạt nhân nguy hiểm từ phía Nga… Chúng ta cũng thấy một số cuộc tập trận, diễn tập hạt nhân khác từ phía Nga”.
Hôm 11/6, Nga cho biết quân đội của họ đã bắt đầu giai đoạn hai của cuộc tập trận nhằm thực hành triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật cùng với quân đội Belarus sau những gì Moscow cho là mối đe dọa từ các cường quốc phương Tây.
Kể từ khi xua hàng nghìn quân vào Ukraine vào ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ trong những tình huống cực đoan.
Nga cáo buộc Mỹ và các đồng minh châu Âu đang đẩy thế giới đến bờ vực đối đầu hạt nhân bằng cách cung cấp cho Ukraine số vũ khí trị giá hàng tỷ đô la, một số trong số đó đang được sử dụng để chống lại lãnh thổ Nga.
Ông Stoltenberg cũng đề cập đến việc hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh dự kiến sẽ tăng số lượng phi đạn hạt nhân trong vòng vài năm tới và nhiều phi đạn trong số đó sẽ có thể vươn tới lãnh thổ NATO