Thiện Lê/Người Việt
Một bệnh có nhiều người bị ở California mà không được đưa tin nhiều là Alzheimer, với đa số người bệnh là phụ nữ.
Phụ nữ bị ảnh hưởng từ căn bệnh này nhiều nhất, chiếm gần 2/3 số người được chẩn đoán bị Alzheimer và có đến 60% người chăm sóc tại gia. Hoa Kỳ hiện nay có 11 triệu phụ nữ bị Alzheimer hay đang chăm sóc cho một người bị. Bất kể là người bệnh hay người chăm sóc, Alzheimer lúc nào cũng gây ra nhiều khó khăn.
Phụ nữ mắc bệnh Alzheimer có nguy cơ bị cô lập trong xã hội, bị chẩn đoán sai và còn bị bỏ rơi. Trong khi đó, những phụ nữ chăm sóc cho bệnh nhân thì gặp nhiều khó khăn về công việc, về cá nhân và còn về sức khỏe tâm lý vì chăm sóc người bệnh không được trả tiền và không được đào tạo chuyên nghiệp.
Hơn 30% người chăm sóc cho bệnh nhân bị rối loạn trí nhớ ở Hoa Kỳ là con gái của bệnh nhân, còn 19% người chăm sóc thì phải nghỉ việc làm chính của họ để chăm sóc cho người bệnh.
Yếu tố làm nhiều người bị Alzheimer nhất là tuổi tác, và California đang là tiểu bang có nhiều cao niên, tức là người từ 65 tuổi trở lên.
Vì vậy, Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức hội thảo hôm Thứ Năm, 9 Tháng Năm, để nói về nhiều điều liên quan đến bệnh Alzheimer ở California. Tại đây, các chuyên gia y tế, đại diện tổ chức cộng đồng và những người chăm sóc cho bệnh nhân Alzheimer nói về những nỗ lực của tiểu bang California, những ảnh hưởng của căn bệnh này và những cách làm giảm khó khăn cho cả hai phía bệnh nhân với người chăm sóc.
Diễn giả đầu tiên là Bác Sĩ Wynnelena Canio, bác sĩ lão khoa và giám đốc phụ trách chăm sóc cao niên của bệnh viện Kaiser Permanente ở San Rafael. Bà còn là ủy viên của Dịch Vụ Kêu Gọi Chăm Sóc Cao Niên Sonoma County.
Bà chọn lão khoa là vì từng đi theo ông bà nội đến phòng khám, thấy được nhiều kiến thức hay từ bác sĩ. Sau đó, ông nội qua đời, còn bà nội thì bị đột quỵ và bị rối loạn trí nhớ, làm bà phải giúp chăm sóc bà nội rất nhiều.
Bà kể bà chưa nghĩ đến chuyên khoa khi vào trường y, nhưng sau đó được chọn đi thực tập chăm sóc người bị rối loạn trí nhớ. Trong những năm đầu học y khoa, các triệu chứng của bà nội Bác Sĩ Canio chưa nghiêm trọng, nhưng sau đó có chuyển biến xấu. Bà nội không nấu ăn được nữa, không tự tắm được và không điều khiển được lúc nào đi tiểu, làm tinh thần suy sụp vì bắt người nhà phải chăm sóc nhiều.
Về các nỗ lực của California, bà cho biết California có một ủy ban chống Alzheimer, và bà là một thành viên. Ủy ban này có nhiều thành viên đại diện cho những người chăm sóc cho người bị Alzheimer.
Bác sĩ nói số người bị Alzheimer ở California sẽ tăng lên gấp đôi trong năm 2040, nghĩa là gần 1.5 triệu người so với 719,700 người trong thống kê của năm 2020.
Trong bốn năm vừa qua, California có nhiều tiến bộ trong việc đối phó với Alzheimer như Bộ Y Tế California thành lập một chương trình đa văn hóa và đa ngôn ngữ để giúp nhiều cộng đồng thiểu số, với nhiều thông tin và nguồn lực dễ tìm và dễ nhận được giúp đỡ để giúp giảm nguy cơ, cũng như xóa bỏ những suy nghĩ sai lệch vệ sức khỏe của phụ nữ.
Cuối cùng, bà nhấn mạnh ai cũng có vai trò quan trọng trong việc đối phó với Alzheimer, nhất là phải biết cách phát hiện sớm, giúp bệnh nhân được chăm sóc đúng cách và có nhiều thủ tục pháp lý đúng.
Diễn giả thứ hai là Bác Sĩ Mirella Diaz-Santos, phụ tá giáo sư về khoa học não bộ của đại học UCLA, cho biết gia đình hay bất cứ ai không thể trách người lớn tuổi vì họ có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn.
Căn bệnh này có rất nhiều yếu tố, trong đó có chỗ ở và nhiều thứ chung quanh, và cư dân cũng nên nghĩ đến những cách tăng cường sức khỏe não bộ. Những yếu tố khác dẫn đến rối loạn trí nhớ là di truyền và các bệnh về não bộ.
Bà còn cho hay một điều đáng suy nghĩ là tại sao phụ nữ thiểu số bị Alzheimer nhiều hơn người da trắng. Theo bà, có lẽ họ phải trải qua nhiều căng thẳng, nhiều biến cố, kỳ thị và phân biệt chủng tộc trong cuộc sống. Những điều đó ảnh hưởng đến não bộ, làm tăng nguy cơ bị Alzheimer.
Tiếp theo là bà Anni Chung, tổng giám đốc tổ chức Self Help for the Elderly ở San Mateo, được thành lập vào năm 1966. Với nhiều kinh nghiệm chăm sóc cao niên gốc Á, bà cho biết cộng đồng Á Châu, nhất là người Hoa, thường hiểu lầm Alzheimer là bệnh tâm lý, nên có từ gọi căn bệnh này là “ngu ngốc và ngớ ngẩn.” Điều đó làm nhiều người xa lánh người bị Alzheimer vì không muốn đụng đến “người bị bệnh tâm thần.”
Bà nói chăm sóc người Alzheimer là một công việc không dễ chút nào, phải chăm sóc họ 24 tiếng mỗi ngày suốt cả tuần, và ai trong gia đình cũng phải giúp.
Cuối cùng là bà Mereani Ikanivere, sáng lập viên của tổ chức Prestige Care, cũng nói về văn hóa gia đình chăm sóc cho người nhà bị Alzheimer của người Á Châu Thái Bình Dương, trong đó có cộng đồng người Fiji, và nhấn mạnh sự quan trọng của việc sức khỏe cho người chăm sóc vì sẽ ảnh hưởng nhiều đến người bệnh.