Thursday, November 21, 2024
No menu items!
spot_img
HomeViệt NamTin Việt NamViệt Nam sẽ đưa ra mô hình nào cho cơ quan nhân...

Việt Nam sẽ đưa ra mô hình nào cho cơ quan nhân quyền quốc gia?

Hoài Nguyễn

Phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đoàn Việt Nam nhấn mạnh không có một mô hình chung cho tất cả các nước về vấn đề nhân quyền.

 Mô hình riêng nào được lựa chọn?

Theo các tiêu chí được nêu trong các Nguyên tắc Paris – là bộ nguyên tắc về Thiết chế Nhân quyền Quốc gia, được thông qua tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1993, thì đến nay Việt Nam vẫn chưa có cơ quan nào có thể được coi là Cơ quan nhân quyền quốc gia. Cụ thể, Việt Nam chưa có ủy ban nhân quyền, cũng như bất cứ thiết chế nào có thể coi là Thanh tra Quốc hội như ở nhiều nước trên thế giới.

Và cũng như nhiều nước trên thế giới, việc thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia và sự lựa chọn mô hình thích hợp ở Việt Nam, sẽ phụ thuộc vào các yếu tố sau đây: Thứ nhất, về thể chế chính trị. Việt Nam là chế độ một Đảng Cộng sản duy nhất độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Thứ hai, phụ thuộc các yếu tố văn hóa, lịch sử. Theo đó, văn hóa Việt Nam đã có những thay đổi theo các thời kỳ lịch sử, có những khía cạnh mất đi nhưng cũng có những khía cạnh văn hóa khác bổ sung vào nền văn hóa Việt Nam hiện đại. Sự thay đổi này, sẽ tác động lớn đến quan niệm về nhân quyền và bảo vệ quyền con người.

Thứ ba, phụ thuộc vào thực trạng các thể chế đang có liên quan tới bảo vệ nhân quyền.

Nhìn ra láng giềng. Việt Nam là thành viên của hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), hiện nay hầu hết các nước trong khối đã thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia với mô hình ủy ban nhân quyền là chủ yếu.

Trong Báo cáo giải trình về các chấp nhận và từ chối khuyến nghị của các quốc gia đối với UPR lần 3, Nhà nước Việt Nam nêu: “Với các khuyến nghị về cơ quan nhân quyền quốc gia, Việt Nam không thể chấp nhận các khuyến nghị hay các yếu tố định trước kết quả hoặc đặt ra áp lực không hợp lý với việc nghiên cứu và chuẩn bị đang tiến hành để có thể thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia ở Việt Nam”.

Tại Quyết định số 1975/QĐ-TTg, ngày 31-12-2019 “Về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc”, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an chủ trì với sự phối hợp của Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao nghiên cứu việc xây dựng cơ quan nhân quyền quốc gia ở Việt Nam.

Tuy nhiên đến nay tiến trình thực thi quyết định trên của Thủ tướng dường như vẫn dậm chân tại chỗ.

EU đã khuyến nghị gì cho cải thiện nhân quyền ở Việt Nam?

Trong tài liệu phát hành tiếng Việt “Những việc cần làm để cải thiện các quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam – khuyến nghị từ Liên Hiệp Quốc” đã đặt ra cụ thể từng đề mục liên quan đến các bộ, ngành chuyên trách trong bộ máy công quyền của Việt Nam.

Song ghi nhận cho đến nay vẫn là câu chuyện của nội dung “Báo cáo thường niên của EU về Nhân quyền và Dân chủ trên Thế giới năm 2022 – Cập nhật về Việt Nam”.

Theo đó, các nhà báo, blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền, cũng như các nhà hoạt động môi trường tiếp tục bị bắt và bị truy tố với những cáo buộc mơ hồ về tội chống lại an ninh quốc gia, hoặc trốn thuế và bị kết án tù dài hạn trong các phiên tòa có ít, hoặc không có sự tiếp cận của công chúng.

Tiếp tục có nhiều cáo buộc về các phiên xử không công bằng, bao gồm cả việc từ chối đại diện pháp lý; các điều kiện hành chính và vật chất khắc nghiệt trong trại giam, bao gồm cả việc giam giữ biệt giam kéo dài trước khi xét xử; từ chối cung cấp điều trị y tế đầy đủ; từ chối các cuộc thăm gặp gia đình bao gồm cả thông qua chuyển sang nơi giam giữ khắc nghiệt; và biệt giam.

Việt Nam tiếp tục xử lý việc thực hiện quyền lao động. Việt Nam đã cam kết phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vào năm 2023 và ban hành nghị định về tổ chức đại diện của người lao động để thực thi Bộ luật Lao động 2019. Việt Nam cũng ngày càng nỗ lực hơn nhằm chống lại lao động trẻ em và thúc đẩy bình đẳng giới và quyền của cộng đồng người LGBT.

Án tử hình vẫn là một vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng và tiếp tục được áp dụng một cách không minh bạch, với dữ liệu về thi hành án tử hình không được chính quyền công bố.

Vẫn còn những lo ngại về quyền của các nhóm thiểu số tôn giáo và việc quản lý quyền sử dụng đất. Tự do truyền thông vẫn còn bị hạn chế nghiêm trọng: báo in, phát thanh-truyền hình, truyền thông trực tuyến và điện tử bị kiểm soát chặt chẽ; quyền truy cập vào các trang web độc lập về chính trị bị chặn và các công ty truyền thông xã hội buộc phải đóng tài khoản hoặc xóa nội dung chỉ trích chính phủ…

Và một trong những tổ chức chịu trách nhiệm giám sát vấn đề nhân quyền nói trên là Cơ quan nhân quyền quốc gia thì vẫn chưa thấy khởi động ra sao về hình hài của mô hình riêng như nhấn mạnh “không có một mô hình chung cho tất cả các nước về vấn đề nhân quyền” mà Hà Nội đã tuyên bố tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments