Saturday, September 28, 2024
No menu items!
spot_img
HomeHOA KỲThẩm phán Thomas đề nghị xem xét lại việc bổ nhiệm Biện...

Thẩm phán Thomas đề nghị xem xét lại việc bổ nhiệm Biện lý Đặc biệt Jack Smith trong phiên điều trần của cựu TT Trump

Naveen Athrappully – Tuệ Chân lược dịch

Luật sư của cựu Tổng thống Trump cho rằng ông Smith ‘chưa bao giờ được tổng thống đề cử hay được Thượng viện thừa nhận.’

Thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Clarence Thomas đã hỏi các luật sư của cựu Tổng thống (TT) Donald Trump rằng liệu họ có phản đối thẩm quyền của Biện lý Đặc biệt Jack Smith trong việc đưa ra các cáo buộc nhắm vào cựu tổng thống hay không.

Hôm 25/04, Tối cao Pháp viện Hoa kỳ đã nghe tranh luận trực tiếp trong một vụ kiện về quyền miễn trừ truy tố đối với các hoạt động chính thức trong nhiệm kỳ tổng thống của cựu TT Trump. Trong phiên điều trần, Thẩm phán Thomas đã hỏi ông John Sauer, luật sư đại diện cho cựu TT Trump, trước tòa rằng: “Ông có phản đối việc bổ nhiệm Biện lý Đặc biệt trong vụ kiện này hay không?” Ông Smith đã được Tổng Chưởng lý Merrick Garland bổ nhiệm làm biện lý đặc biệt phụ trách vụ kiện.

Ông Sauer cho biết, các luật sư của ông Trump vẫn chưa “trực tiếp” nêu lên những lo ngại trong vụ kiện này tại Tối cao Pháp viện. Tuy nhiên, ông nói rõ: “Điều này cho thấy một vấn đề hết sức then chốt ở đây, bởi vì một trong những lập luận [của bên công tố] là, tất nhiên chúng ta nên giả định rằng việc bổ nhiệm này đã có tiền lệ khi không có bằng chứng chứng minh điều ngược lại.”

Ông nói: “Điều này đi ngược lại một thực tế rằng một người chưa bao giờ được tổng thống đề cử hay được Thượng viện thừa nhận đang thực hiện quyền truy tố đặc biệt.”

Chúng tôi vẫn chưa nêu ra vấn đề này trong vụ kiện khi kháng cáo.”

Ông Sauer cho biết ông đồng ý với “phân tích do Tổng Chưởng lý [Edwin] Meese và Tổng Chưởng lý [Michael B.] Mukasey cung cấp.” Hai cựu tổng chưởng lý này đã đệ trình một bản góp ý thân hữu tòa án (amicus brief) lên Tối cao Pháp viện hôm 19/03.

Trong đó, hai cựu tổng chưởng lý lưu ý rằng bất kể người khác nghĩ sao về vấn đề quyền miễn trừ, ông Smith vẫn “không có thẩm quyền để thực hiện việc truy tố vụ kiện đằng sau.”

“Những việc đó chỉ có thể được thực hiện bởi những người được bổ nhiệm làm quan chức liên bang một cách thích hợp để làm việc trong các văn phòng liên bang được thành lập một cách thích hợp. Ông Smith nắm giữ quyền lực to lớn, và trên thực tế đang không chịu trách nhiệm trước bất kỳ ai,” họ viết.

“Dẫu vậy, cả ông Smith và vị trí Biện lý Đặc biệt mà theo đó ông ấy được cho là đang hành động theo đều không thỏa mãn những điều kiện đó. Và đây là vấn đề nghiêm trọng đối với nền pháp quyền, bất kể người khác có thể nghĩ như thế nào về các hành vi được đề cập đến trong vụ truy tố của ông Smith.”

Tổng Chưởng lý Garland đã viện dẫn một số đạo luật để bổ nhiệm ông Smith làm Biện lý Đặc biệt của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.

Mặc dù vậy, không có đạo luật nào trong số này “đạt đến thẩm quyền cho phép Tổng Chưởng lý bổ nhiệm cho một công dân hoặc nhân viên chính phủ tiếp nhận quyền thực thi pháp luật hình sự đặc biệt dưới danh nghĩa Biện lý Đặc biệt.”

Hai cựu tổng chưởng lý nói thêm rằng đôi khi việc bổ nhiệm một Biện lý Đặc biệt là phù hợp và Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép bổ nhiệm như vậy.

Tuy nhiên, họ cho biết thêm: “Tổng Chưởng lý không thể bổ nhiệm một người chưa từng được Thượng viện thừa nhận để thay thế cho một Biện lý Liên bang trong vai trò ‘Biện lý Đặc biệt.’”

Họ viết: “Việc bổ nhiệm ông Smith cũng như tất cả các hành vi phát sinh từ việc này là bất hợp pháp, trong đó có việc ông ấy truy tố cựu Tổng thống Trump.”

Câu hỏi về quyền miễn trừ tổng thống

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đang xét xử vụ án về quyền miễn trừ tổng thống của ông Trump như một phần trong bản cáo trạng của ông Smith đối với cựu tổng thống, cáo buộc ông âm mưu làm hỏng quá trình chuyển giao quyền lực sau cuộc bầu cử năm 2020.

Cựu Tổng thống Trump đã yêu cầu các tòa án cấp dưới ủng hộ tuyên bố của ông về quyền miễn trừ tổng thống, vì các hành động này được thực hiện khi ông còn giữ chức tổng thống.

Sau khi các tòa án cấp dưới từ chối chấp thuận yêu cầu, tổng thống thứ 45 đã kháng cáo lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, cho rằng hành động của ông trong tư cách là tổng thống được bảo vệ bởi quyền miễn trừ của tổng thống.

Tối cao Pháp viện đã đồng ý xem xét câu hỏi — “liệu và nếu có thì ở mức độ nào một cựu tổng thống được hưởng quyền miễn trừ của tổng thống để khỏi bị truy tố hình sự đối với hành vi bị cáo buộc liên quan đến những hành động chính thức trong nhiệm kỳ của ông?”

Tại tòa, ông Sauer cảnh báo các thẩm phán không nên đưa ra phán quyết làm suy yếu quyền miễn trừ của tổng thống, đồng thời lưu ý rằng các tổng thống Hoa Kỳ sẽ không còn có thể thực hiện đúng chức trách công việc của mình nếu họ không chắc chắn liệu hành động của mình có dẫn đến bị truy tố nhiều năm sau khi họ nhậm chức hay không.

“Ý nghĩa phán quyết của tòa án ở đây vượt xa các dữ kiện của vụ án này,” ông nói. “Trong 234 năm lịch sử Hoa Kỳ, chưa có tổng thống nào từng bị truy tố vì những hành động theo thẩm quyền của mình. Những nhà soạn thảo Hiến Pháp của chúng ta xem một viên chức hành pháp đầy nghị lực là cần thiết để đạt được quyền tự do.”

“Nếu một tổng thống có thể bị buộc tội, bị đưa ra xét xử, và bỏ tù vì những quyết định gây tranh cãi nhất của ông ấy ngay khi ông ấy rời nhiệm sở, thì mối đe dọa rình rập đó sẽ làm méo mó việc ra quyết định của tổng thống ngay khi cần nhất là hành động táo bạo và can đảm.”

Luật sư này cho biết nếu không có quyền miễn trừ, mọi tổng thống sẽ có thể bị các đối thủ chính trị của mình tống tiền khi vẫn còn đương chức.

“Việc truy tố tổng thống vì những hành động theo thẩm quyền của ông ấy là một sự đổi mới không có chỗ đứng trong lịch sử hay thông lệ, và không phù hợp với cấu trúc Hiến Pháp của chúng ta.”

Các thẩm phán Tối cao Pháp viện tỏ ra hoài nghi về tuyên bố của cựu Tổng thống Trump rằng ông có quyền miễn trừ tuyệt đối đối với các hành động của mình trên cương vị tổng thống. Tuy nhiên, các thẩm phán cũng tỏ ra cởi mở trong việc chấp nhận rằng các tổng thống có một mức độ miễn trừ nào đó.

Tòa án có thể quyết định trả lại vụ việc cho tòa án thủ đô Hoa Thịnh Đốn, kèm theo hướng dẫn phân biệt giữa hành vi chính thức và hành vi riêng tư của tổng thống để có thể thực hiện các thủ tục khám phá bằng chứng bổ sung.

Làm như vậy sẽ trì hoãn phiên tòa xét xử cựu tổng thống ở Hoa Thịnh Đốn và có khả năng làm trì hoãn các thủ tục tố tụng liên quan đến ba vụ án khác. Điều này sẽ mang lại cho cựu Tổng thống Trump một chiến thắng chiến lược khi ông cố gắng trì hoãn các phiên tòa cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments