(Theo Người Việt)
Tên tuổi Lê Đức Anh gắn liền với cáo buộc ông này là người đã quyết định không cho các lính Hải Quân bảo vệ đảo Gạc Ma bắn trả lại quân Trung Quốc cướp đảo, vì vậy mà 64 chiến sĩ Hải Quân Việt Nam đã bị bắn chết và đảo này rơi vào tay Trung Quốc từ ngày 14 Tháng Ba, 1988.
Mạng xã hội dấy lên một số ý kiến phản đối việc chính quyền ở Sài Gòn dự tính đặt tên Lê Đức Anh thay cho quốc lộ 1, đoạn từ bến xe An Sương (quận 12) đến bùng binh An Lạc (quận Bình Tân, Sài Gòn).
Theo báo Tuổi Trẻ hôm 25 Tháng Tư, ông Lê Đức Anh là một trong bốn người sắp được đặt tên đường ở Sài Gòn cùng với Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu (hai cố tổng bí thư) và Phan Văn Khải (cố thủ tướng).
Bản tin cho hay, Sở Văn Hóa và Thể Thao ở Sài Gòn vừa yêu cầu thành phố Thủ Đức và các quận 8, 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi tham khảo ý kiến người dân địa phương về việc thay các tên đường bằng tên bốn ông nêu trên.
Hiện chưa rõ việc chính quyền khảo sát ý kiến người dân có được thực hiện nghiêm túc hay chỉ ghi nhận những ý kiến “đồng thuận.”
Nhà báo Ngọc Vinh, cựu thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, bình luận trên trang cá nhân hôm 25 Tháng Tư rằng ông đầu tiên [Đỗ Mười] thì “gắn liền với ám ảnh đau thương quánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp miền Nam,” ông kế [Lê Khả Phiêu] thì “công ít hơn tội,” ông kế nữa [Lê Đức Anh] thì “gắn với lệnh không được nổ súng ở Gạc Ma.”
“…Đọc cái tin này [đặt tên đường bốn ông] chợt nhớ ông Lê Đức Thọ, một thời gian dài sau khi ông chết, nhà nước vẫn không dám đặt tên đường vì ông… ác quá, dù ông là người Việt duy nhất được trao [đồng] giải Nobel Hòa Bình và là cận thần đắc lực của ông Lê Duẩn,” ông Ngọc Vinh viết thêm.
Tên tuổi Lê Đức Anh gắn liền với cáo buộc ông này là người đã quyết định không cho các lính Hải Quân bảo vệ đảo Gạc Ma bắn trả lại quân Trung Quốc cướp đảo, vì vậy mà 64 chiến sĩ Hải Quân Việt Nam đã bị bắn chết và đảo này rơi vào tay Trung Quốc từ ngày 14 Tháng Ba, 1988.
Thời điểm ông Đức Anh qua đời hồi năm 2019, một số blogger nhắc lại chuyện ông này cùng các ông Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười “phải chịu phán xét của lịch sử về những tội lỗi liên quan đến Hội Nghị Thành Đô năm 1990 đầy ô nhục.”
Ba ông này bị mô tả là nhóm “Trần Ích Tắc của thế kỷ 20” và “là vết nhơ khó có thể gột rửa của lịch sử.”