Ả-rập Xê-út và các quốc gia Hồi giáo khác vừa kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự ở Dải Gaza, bác bỏ lời biện minh của Israel rằng hành động chống lại người Palestine là tự vệ.
Hội nghị thượng đỉnh bất thường của các nước Hồi giáo và Ả-rập tại Riyadh ra tuyên bố kêu gọi Tòa án Hình sự quốc tế điều tra “tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người mà Israel đang thực hiện” trong lãnh thổ Palestine.
Ả-rập Xê-út muốn gây sức ép với Mỹ và Israel phải chấm dứt xung đột ở Dải Gaza. Hoàng tử Mohammed Bin Salman tập hợp các nhà lãnh đạo Ả-rập và Hồi giáo để củng cố thông điệp đó.
Hàng chục nhà lãnh đạo, bao gồm Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tiểu vương Tamim Bin Hamad Al Thani của Qatar và Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, tham dự hội nghị lần này.
Hoàng tử Mohammed “lên án và bác bỏ cuộc chiến man rợ chống lại những người anh em của chúng ta ở Palestine”.
“Chúng ta đang đối mặt với một thảm họa nhân đạo cho thấy thất bại của Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế để chấm dứt những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Israel”, ông nói trong bài phát biểu tại hội nghị.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói rằng người Palestine đang phải đối mặt với “cuộc chiến diệt chủng” và kêu gọi Mỹ chấm dứt cuộc tấn công của Israel.
Tổng thống Iran Raisi ca ngợi Hamas đã chiến đấu chống lại Israel và kêu gọi các nước Hồi giáo áp dụng các lệnh trừng phạt dầu mỏ và hàng hóa đối với Israel.
“Không có cách nào khác ngoài việc chống lại Israel. Chúng tôi hôn tay Hamas vì sự kháng cự của họ để chống lại Israel”, ông Raisi nói trong bài phát biểu tại hội nghị.
Trung Đông trở nên sục sôi từ khi Hamas đưa lực lượng tràn vào Israel ngày 7/10, giết chết 1.200 người Israel và bắt hơn 200 người làm con tin.
Sau đó, Israel tấn công dồn dập vào Dải Gaza, khiến 11.078 người thiệt mạng tính đến cuối tuần này, trong đó 40% là trẻ em, các quan chức y tế ở đó cho biết.
Cuộc xung đột làm đảo lộn các mối quan hệ liên minh truyền thống ở Trung Đông, khi Ả-rập Xê-út xích lại gần Iran, đẩy lùi áp lực của Mỹ phải lên án Hamas và dừng kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Israel.
Chuyến đi của Tổng thống Raisi đến Ả-rập Xê-út đánh dấu lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia Iran thăm Vương quốc trong hơn một thập kỷ. Tehran và Riyadh chính thức kết thúc nhiều năm thù địch theo một thỏa thuận được Trung Quốc dàn xếp vào tháng 3 năm nay.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế để tìm ra giải pháp vĩnh viễn cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
“Những gì chúng ta cần ở Dải Gaza không phải là tạm dừng trong một vài giờ mà chúng ta cần một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn”, ông Erdogan phát biểu tại hội nghị.
Tiểu vương Qatar cho biết đất nước ông đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán để Hamas thả con tin và hy vọng sớm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo.
“Cộng đồng quốc tế sẽ đối xử với Israel như thế họ đứng trên luật quốc tế trong bao lâu nữa?” ông nói.
Tổng thống Joko Widodo của Indonesia , quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, cho biết: “Bệnh viện Indonesia ở Bắc Gaza tiếp tục là mục tiêu tấn công của Israel và đã hết nhiên liệu”.
Ông nói rằng phải tìm ra cách để khiến Israel ngừng bắn ngay lập tức. “(Tổ chức hợp tác Hồi giáo) phải sử dụng tất cả các mặt trận để buộc Israel phải chịu trách nhiệm về thảm hoạ nhân đạo mà họ gây ra”, ông nói.
Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út, Hoàng tử Faisal Bin Farhan, nói với các phóng viên rằng không thể nói gì về tương lai của Dải Gaza ngoại trừ “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức”.
Tuyên bố của Hội nghị còn yêu cầu chấm dứt bao vây Dải Gaza, cho phép tiếp cận viện trợ nhân đạo và dừng bán vũ khí cho Israel.
Một số quốc gia Ả-rập do Algeria dẫn đầu kêu gọi cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Israel. Nhưng những quốc gia Ả-rập đang có quan hệ ngoại giao với Israel phản đối điều này, cho rằng cần phải giữ các kênh trao đổi với Israel.
Trong một cuộc họp báo ở Tel Aviv, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kêu gọi các lãnh đạo Ả-rập “đứng lên chống lại Hamas”.
“Họ (Hamas) chỉ mang lại hai điều cho Dải Gaza – nghèo đói và máu”, ông Netanyahu nói.
“Hamas là một phần không thể thiếu trong trục khủng bố do Iran dẫn đầu, một trục khủng bố và thù hận đe dọa cả thế giới và toàn bộ thế giới Ả-rập”, ông tuyên bố. (Theo Reuters)